Vũ khí siêu thanh của Nga: Không có đối thủ

Ngày 18/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga sắp triển khai hàng loạt vũ khí siêu thanh trong quân đội và là nước đầu tiên trên thế giới phát triển được công nghệ mang tính đột phá này. Theo TASS, một số vũ khí siêu thanh đủ khả năng san phẳng một khu vực có diện tích ngang với bang Texas (Mỹ) hay nước Pháp…

Phát biểu tại Valdai Club ở Sochi tháng trước, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Trước sự phát triển về các hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Mỹ, chúng tôi cũng đang nâng cấp khả năng tấn công của mình. Một số vũ khí siêu thanh đã được đưa vào sử dụng và một số khác sẽ sớm được triển khai”.

Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga đang đi trước các nước khác về vũ khí siêu thanh. Ông nói: “Đó là sự thật hiển nhiên và các nước thừa nhận. Không nước nào có được những vũ khí siêu thanh như Nga. Chúng tôi có kế hoạch thử nghiệm một số loại vũ khí siêu thanh trong 18-24 tháng tới. Chúng tôi cũng đã đưa vào sử dụng một số vũ khí loại này”.

Phi cơ chiến đấu MiG-31 Foxhound.

Từ Avangard “bất khả chiến bại”

Đầu đạn siêu thanh Avangard là sáng chế mới nhất mà Tổng thống Putin nói tới, sẽ được sử dụng trong quân đội vài tháng tới. Đầu đạn nhiệt hạch công suất 2 megaton sẽ đánh trúng mục tiêu ở lục địa khác khi được phóng với tốc độ siêu thanh.

Avangard được Nga triển khai từ 2004, nhằm phát triển loại vũ khí có tốc độ cao, đủ sức vượt mọi lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh. Avangard được lắp trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách trên 10.000km. Điểm mạnh của vũ khí này là tốc độ lên tới 25.000km/h và tầm cao, giúp nó tránh những hệ thống cảnh giới mặt đất và trên không gian. Ngoài ra, mỗi đầu đạn được xem như một “tàu lượn siêu thanh” vì đặc tính khác biệt của loại vũ khí này là đầu đạn bay với quỹ đạo được điều khiển từ xa, có thể thực hiện các cú cua ngoặt trên đường đi. Điều này khiến nó khó bị đánh chặn hơn so với các đầu đạn thông thường - vốn tiếp cận mục tiêu bằng đường đạn có thể dự đoán trước được.

Mỗi Avangard cũng được lắp đặt các hệ thống ngăn chặn giúp nó di chuyển mà không bị phát hiện. Mỗi Avangard cũng đều có thể mang một đầu đạn hạt nhân, dù giới chuyên gia tin rằng tốc độ cực cao của phương tiện này đã đủ để gây ra tổn thất lớn ngay cả khi không mang đầu đạn nổ. Bộ Quốc phòng cho biết, Avangard có khả năng bay ở độ cao vài chục cây số, tại các lớp dày đặc của khí quyển. Tốc độ tối đa mà Avangard đạt tới vượt hơn 20 lần so với tốc độ âm thanh.

TASS cho biết, thời hạn chính thức đưa Avangard vào phục vụ trong quân đội được ấn định vào cuối năm 2019 và trung đoàn tên lửa Avangard sẽ được trang bị tăng cường từ 2 giàn ban đầu lên 6 giàn theo đúng tiêu chuẩn.

Theo chương trình vũ khí quốc gia thì từ nay cho đến 2027, Nga sẽ có 2 trung đoàn Avangard như vậy. 2 trung đoàn này sẽ nằm trong thành phần của Sư đoàn tên lửa Sao Đỏ đóng tại tỉnh Orenburg. Tuy nhiên, số lượng trung đoàn sẽ có thể thay đổi.

Các chuyên gia quốc phòng đánh giá, Avangard là thành tựu xuất sắc của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, trong quá trình sáng chế đã giải quyết gọn hàng loạt vấn đề kỹ thuật và công nghệ để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ và tiêu diệt gọn mục tiêu.

Hiện Tập đoàn Công nghiệp Quân sự Mashinostroenie đã chế tạo thành công Avangard thân titan, có khả năng chịu nhiệt cao. Tập đoàn này cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh Zircon, sẽ được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm Husky.

Hình ảnh mô phỏng đầu đạn siêu thanh Avangard. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga).

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat

Theo National Interest, Nga ban đầu sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100UTTKh làm phương tiện mang đầu đạn Avangard. Nhưng tương lai, khi RS-28 Sarmat - một loại tên lửa khổng lồ có thể bay tới lãnh thổ nước Mỹ, được đưa vào hoạt động, chúng sẽ là phương tiện chủ chốt mang Avangard.

Sarmat được xem là tên lửa đạn đạo có thể vươn khắp hành tinh, mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân hơn bất cứ loại tên lửa nào trên thế giới và không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện nay có thể đánh chặn nó, quân đội Nga tuyên bố. Hơn nữa, Sarmat có thể mang tới 24 đầu đạn siêu thanh Avangard và mỗi đầu đạn đó đều có thể mang một lượng hạt nhân riêng.

Tên lửa Sarmat sẽ thay thế hệ thống tên lửa đẩy R-36M có độ tin cậy cao nhưng “già cỗi” mà phương Tây từng đặt cho cái tên kinh hoàng là “Satan”. Giữa mùa hè năm 2018, Nga đã thử nghiệm thành công Sarmat với hơn 50 nhiệm vụ khác nhau, Chủ tịch Ủy ban khoa học quân sự Lực lượng tên lửa chiến lược Artem Vyatkin cho biết.

Vũ khí chiến lược mới này của Nga được xem là để đối chọi với Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS - Prompt Global Strike) mà Mỹ đang theo đuổi. Các chuyên gia quân sự bình luận, Sarmat là hệ thống vũ khí “độc nhất vô nhị” chưa tìm được đối thủ “xứng tầm”, kể cả của Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia, để đánh chặn được Samat mang đầu đạn Avangard cần phải phóng liên tiếp 50 tên lửa đánh chặn SM-3. Thực tế có nghĩa là không thể đánh chặn.

Hệ thống tên lửa Sarmat và Avangard đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng trước khi đưa vào biên chế khai thác. Những các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 hiện đang phòng thủ không phận Nga rất vững chắc.

Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal

Kh-47M2 Kinzhal là một trong bộ 3 vũ khí mới mà Tổng thống Putin giới thiệu là đủ khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ của Mỹ hồi đầu tháng này. Kinzhal đã được đưa vào sử dụng trong quân đội.

Theo Military Today, Kinzhal được phóng từ phi cơ chiến đấu MiG-31 Foxhound, có thể được lắp thêm đầu đạn hạt nhân hoặc vũ khí truyền thống và tấn công mục tiêu chính xác nhờ hệ thống vệ tinh dẫn đường tiên tiến.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, Kinzhal thực chất là tên lửa đạn đạo Iskander, vốn có thể tự động thay đổi hành trình và quỹ đạo bay để né tránh hệ thống phòng thủ đối phương. Hiện chưa có bất kỳ nước nào trang bị tên lửa đạn đạo gắn trên chiến đấu cơ, nên tuyên bố của Nga nói Kinzhal không có đối thủ là hoàn toàn có cơ sở. So với Iskander phóng từ mặt đất, Kinzhal có tầm bắn xa hơn, tới 2.000km. Tên lửa dùng để trấn áp hệ thống phòng thủ đối phương, vô hiệu hóa mục tiêu quan trọng và có thể dùng để tấn công cả tàu sân bay.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, MiG-31 là máy bay phù hợp nhất để mang Kinzhal vì tầm hoạt động, khả năng mang tên lửa cỡ lớn và tầm cao vượt trội. Máy bay có thể khai hỏa ở độ cao tới 20.000m, trong khi bay với tốc độ tối đa 3.500 km/giờ. Tốc độ cao giúp MiG-31 dễ dàng đưa tên lửa Kinzhal vào vị trí phóng, tăng động năng cho tên lửa.

Tuy nhiên, các chiến đấu cơ tàng hình Su-57 hay máy bay ném bom chiến lược Nga cũng có thể mang theo Kinzhal. So với những tên lửa hành trình như Kh-55SM, Kh-101, Kinzhal vượt trội nhờ đạt tốc độ tối đa tới 12.000 km/giờ. Tên lửa chỉ cần 10 phút để tấn công mọi mục tiêu trong phạm vi tấn công, chưa kể tầm hoạt động của tiêm kích MiG-31.

Các loại vũ khí hiện đại khác đang được phát triển mà Tổng thống Putin nhắc tới là tên lửa hành trình có năng lực hạt nhân Burevestnik, tàu ngầm do thám năng lực hạt nhân không người lái Poseidon và cả hệ thống laser gây nhiễu trong chiến đấu.

Đến “cuộc đua” của Mỹ

Trước các màn trình diễn vũ khí ngoạn mục của Nga, hãng CNBC dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan cho biết, Mỹ sẽ đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vũ khí mới sớm hơn, thường xuyên hơn so với dự kiến.

Nếu như Tổng thống Putin có bài phát biểu trước Quốc hội LB. Nga nhắc đến việc phát triển vũ khí siêu thanh không có đối thủ hôm 1/3/2018, thì tháng 4/2018, Không quân Mỹ đã nhanh chóng ký một hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD với Tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ Lockheed Martin để thiết kế và chế tạo tên lửa siêu thanh. Theo thỏa thuận, dự án này sẽ được nghiên cứu, triển khai và hoàn tất vào 2023.

Tướng John Hyten - đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ thừa nhận, sự phát triển của vũ khí siêu thanh đã trở thành mối đe dọa đối với quân đội Mỹ. Ông Hyten nói: “Chúng tôi đã quan sát cách họ thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Phải thừa nhận rằng, chúng tôi hiện không có bất cứ biện pháp nào để phòng thủ trước sự đe dọa của loại vũ khí mới này”. Phương án duy nhất mà Mỹ có thể thực hiện, theo ông, là “đe dọa trừng phạt hạt nhân”.

Giới chuyên gia quân sự nhận định lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ dễ dàng bị xuyên thủng bởi các vũ khí chiến lược mới được Nga công bố. Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn khẳng định những khí tài như Avangard chỉ nhằm mục đích phòng thủ và không dùng đe dọa quốc gia nào trên thế giới.

Hoàng Minh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vu-khi-sieu-thanh-cua-nga-khong-co-doi-thu-82142.html