'Vũ khí thuế quan' có giúp Tổng thống Trump giành lợi thế địa chính trị?

Giá trị đích thực của cuộc chiến thương mại nằm ở việc ngăn các doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ cho sự 'trỗi dậy' của Trung Quốc.

Thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2016, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 3,1%. Sau khi đợt áp thuế mới nhất có hiệu lực vào cuối tuần qua, con số này đã tăng lên 21,2%. Dự kiến nếu đợt áp thuế tiếp theo diễn ra theo đúng tiến độ, thì mức thuế trung bình của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc sẽ lên đến 30%.

Tổng thống Trump liên tục áp thuế với hàng Trung Quốc. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump liên tục áp thuế với hàng Trung Quốc. Ảnh: AP.

Dùng thuế quan để đạt lợi thế địa chính trị

Các nhà kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp tự trấn an rằng, việc áp thuế với Trung Quốc là một chiến thuật đàm phán tạm thời của ông Trump nhằm gây sức ép buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải nhượng bộ trong thỏa thuận thương mại tương lai, nhưng sự thật cho thấy cuộc chiến thương mại đang trở thành một thông lệ mới.

Chính quyền Tổng thống Trump đã dừng đàm phán về thỏa thuận mua bán sản phẩm nông nghiệp với Trung Quốc và bắt đầu nói về “sự chia tách”. Việc ông Trump quyết định thay đổi lập trường với Bắc Kinh, chuyển hướng từ thương mại tự do sang chiến tranh thương mại, được coi là một trong những thay đổi chính sách quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Những người ủng hộ thương mại tự do có xu hướng coi thuế quan là một chính sách kinh tế sai lầm, được vạch ra để giúp nền kinh tế Mỹ phát triển bằng cách bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc. Họ viện dẫn những dữ liệu cho thấy thuế quan đang gây tổn hại cho nền kinh tế thay vì hỗ trợ nó, chẳng hạn như khiến giá cả các mặt hàng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hầu bao của người tiêu dùng. Theo Viện nghiên cứu George W. Bush, người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm và thuế quan cũng khiến “đất nước ít thịnh vượng hơn”.

Trái với quan điểm nói trên, tờ National Review dẫn lời nhà phân tích Nicholas Phillips nhận định, thuế quan đang gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư của Mỹ nhưng nếu nhờ đó mà Washington đạt được mục tiêu thì đây không phải là vấn đề. “Đôi khi trả thêm tiền cũng là một hành động yêu nước”, Nicholas Phillips cho biết.

Chính sách thương mại với Trung Quốc có thể có tác dụng ngược lại, nhưng quan trọng hơn là lợi thế về địa chính trị. Giá trị đích thực của cuộc chiến thương mại nằm ở việc ngăn các doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ cho sự “trỗi dậy” của đối thủ, ông Nicholas Phillips nhấn mạnh.

Nhà phân tích này cho rằng, Trung Quốc luôn theo đuổi mục tiêu lâu dài, muốn trở thành “bá chủ toàn cầu”. Đặc biệt, Bắc Kinh đang tìm cách dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, viễn thông và các công nghệ hiện đại khác. Do vậy, nước này yêu cầu các công ty nước ngoài bước vào thị trường Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ hay một số tài sản trí tuệ.

Bởi Trung Quốc chưa đủ các nguồn lực tự nhiên để thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao, nên họ đã đề ra một chiến lược mới. “Sử dụng công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chính trị chiến lược là tuyệt chiêu của Trung Quốc”, nhà phân tích Ấn Độ Brahma Chellaney nhận xét trong một bài viết đăng trên Project Syndicate. Trung Quốc đã khiến hàng chục quốc gia trên thế giới trở thành khách hàng thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa nợ hay thế chấp các khoản vay để đổi lấy sự nhượng bộ về căn cứ quân sự hay các cảng nước sâu. Các nước như Pakistan, Myanmar đã được đưa vào quỹ đạo này thông qua sáng kiến “Vành đai-Con đường”.

Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc

Chiến lược tăng trưởng của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp với Mỹ. Trong lịch sử, sự nổi lên của một đối thủ ngang hàng với một cường quốc đang tồn tại thường dẫn đến các cuộc chiến tranh. Tầm ảnh ảnh hưởng lớn về kinh tế đang thúc đẩy Trung Quốc tiến hành chính sách mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Châu Á, song điều này dễ khiến Bắc Kinh vướng vào cuộc xung đột với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Trước đó, trong chiến lược phòng thủ quốc gia năm 2018, Mỹ đã chuyển tập trung vào cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc thay vì các cuộc chiến nhỏ.

Sự lớn mạnh của Trung Quốc là không thể phủ nhận. Nhưng với những lợi thế vốn có, Mỹ có thể giảm thiểu các nguy cơ đối với nước này. Washington có thể ngăn chặn Trung quốc tận dụng các cơ hội làm xói mòn lợi thế cạnh tranh lâu dài của các công ty Mỹ bằng cách buộc Bắc Kinh chấm dứt quy định chuyển giao công nghệ bắt buộc, hay giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghiệp và quân sự quan trọng khi yêu cầu các công ty Mỹ tại quốc gia Châu Á này rút về và sản xuất trong nước.

Tất cả đều gói gọn trong một từ: Tách rời

Cuộc chiến thương mại là lời công nhận rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nên tìm cách ngăn các doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ cho sự lớn mạnh của đối thủ. Thuế quan là một phần trong chiến lược đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Trump. Chính quyền ông Trump đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để giới hạn chuyển giao công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo hay điện toán lượng tử cho Bắc Kinh. Mỹ cũng liệt nhiều công ty công nghệ Trung Quốc chẳng hạn như tập đoàn viễn thông Huawei vào danh sách đen thương mại.

Chính sách thuế quan sẽ thất bại nếu mục tiêu của nó là đưa ra mức giá thấp nhất cho người tiêu dùng. Nhưng với mục tiêu “tách rời”, giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc thì rõ ràng chính sách này đang thành công. Hàng chục công ty Mỹ, trong đó có cả các công ty công nghệ cao như Apple, HP, Dell đã lên kế hoạch di chuyển chuỗi cung ứng sản phẩm ra khỏi Trung Quốc trong những năm tới. Theo khảo sát của Hiệp hội kinh doanh Mỹ-Trung, 30% số giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết họ đã trì hoãn hoặc hủy các dự án đầu tư vào Trung Quốc do sức ép về mặt thương mại.

Các đòn áp thuế của ông Trump đang làm suy yếu Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, tổn thương đối với người tiêu dùng Mỹ chỉ là tạm thời nhưng quyết định chuyển các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc mang tính lâu dài. Thứ hai thuế quan sẽ làm giảm khả năng của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu các loại hàng hóa công nghệ cao. Tiếp đến, thuế quan buộc Bắc Kinh phải hạ giá đồng nhân dân tệ, điều này gây ảnh hưởng xấu đến mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền thống lĩnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Những suy luận logic này, cùng với sự thật rằng sức mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ, các nhà quan sát nhận định, Bắc Kinh dễ tổn thương hơn Washington trong cuộc chiến thương mại.

Theo nhà phân tích Nicholas Phillips, Tổng thống Trump đã mắc sai lầm là không giải thích thỏa đáng cuộc chiến thương mại xét về mặt địa chính trị, thay vì đó chỉ nói về việc muốn giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước hay muốn sự nhượng bộ từ Trung Quốc. Ông Nicholas Phillips cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã vạch ra chiến lược toàn diện đối phó với Trung Quốc vào năm 2018, nhưng chiến lược này chưa được gắn với nhận thức của người dân Mỹ, còn những đánh giá về cuộc chiến thương mại lại đang được “tô vẽ một cách vô ích” bởi các phát ngôn ngẫu hứng của Tổng thống Trump trên trang Twitter./.

Hồng Anh/VOV.VN
Theo National Review

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vu-khi-thue-quan-co-giup-tong-thong-trump-gianh-loi-the-dia-chinh-tri-952917.vov