Vụ 'Không gây thiệt hại vẫn bị truy tố ở Tây Ninh': Bắt tạm giam các bị cáo tại tòa!

Với nhận định các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, để đảm bảo thi hành án, HĐXX phiên sơ thẩm tuyên bắt tạm giam 45 ngày đối với 4 bị cáo kể từ ngày tuyên án.

Bắt tạm giam các bị cáo 45 ngày

Sau nhiều ngày nghị án, chiều 28/5 HĐXX phiên sơ thẩm TAND tỉnh Tây Ninh tuyên án vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, đối với 4 bị cáo nguyên là cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (QLDAĐTXDCT) huyện Hòa Thành.

Theo đó bị cáo Cao Sơn Nhân (SN 1966, nguyên trưởng ban) bị 6 năm tù, Dương Thị Thu Hòa (SN 1974, nguyên kế toán trưởng) 4 năm tù, Nguyễn Thiên Dân (SN 1975, nguyên phó ban) 3 năm tù và Đỗ Tú Toàn (SN 1980, nguyên thủ quỹ) 2 năm tù. HĐXX cũng đọc quyết định bắt tạm giam 45 ngày đối với 4 bị cáo.

 Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

HĐXX nhận định bị cáo Nhân giữ chức Trưởng Ban QLDAĐTXDCT, chỉ đạo việc rút tiền, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, cho cá nhân ông Lâm Tấn Dũng (trực tiếp thi công công trình – PV) mượn, trong 7 năm không thu hồi gây dư luận không tốt. Cụ thể chi cho Công ty Hiệp Phát 2 tỷ đồng, Công ty Phương Hậu 5,5 tỷ. Số tiền thu hồi được là do cán bộ kế nhiệm thu hồi.

Đối với bị cáo Hòa, trực tiếp ký hợp đồng xây dựng, kiểm tra giám sát các khoản thu chi của đơn vị, có nghĩa vụ thu nộp, thanh toán nợ, kiểm tra nguồn tiền trong tài khoản của Ban QLDAĐTXDCT. Bị cáo biết việc rút tiền bảo hành công trình (BHCT) đưa cho người khác mượn là không đúng hoặc khi biết chi tiền cho Công ty Phương Hậu, Công ty Hiệp Phát không đúng, nhưng không phản ứng, lại giúp sức bằng cách yêu cầu ông Dũng và Công ty Phương Hậu thu các hóa đơn mua bán khống để hợp thức hóa thủ tục ứng tiền ngân sách.

Đối với bị cáo Dân có vai trò tham mưu trong quản lý, nhưng trực tiếp ký rút 16 lần tiền BHCT. Khi phát hiện chi sai trình tự, thủ tục, bị cáo không có biện pháp xử lý, không dám có ý kiến với lãnh đạo cấp trên. Còn bị cáo Toàn biết việc mình làm sai nguyên tắc tài chính kế toán nhưng cho rằng làm theo chỉ đạo của cấp trên nên có vai trò thấp nhất.

“Làm biếng” thu hồi tiền đã chi tạm ứng

Về hậu quả hành vi ứng ngân sách, HĐXX cho rằng rằng đối với 500 triệu ứng cho Công ty Minh Dũng thanh toán khối lượng công trình vào đầu năm 2009, UBND huyện Hòa Thành có công văn yêu cầu các bị cáo thu hồi nhưng vẫn không thu hồi. Đến ngày 27/11/2009, lại thanh toán tiền cho Công ty Minh Dũng trên 1,6 tỷ đồng, nhưng không thu hồi và không có tài liệu nào thể hiện các bị cáo thu hồi mà không được.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Đối với Công ty Hiệp Phát, Công ty Phương Hậu không đủ điều kiện nhận khoản tiền 2 tỷ và 5,5 tỷ. Từ khi chuyền tiền đến nay, không có tài liệu nào thể hiện các bị cáo thu hồi cho ngân sách huyện. Về tiền BHCT, HĐXX nhận định các bị cáo làm thất thoát trên 3,9 tỷ nên phải nộp trả cho Ban QLDAĐTXDCT. Từ tháng 2/2012, sau khi rút tiền lần cuối cho đến nay không có tài liệu nào thể hiện các bị cáo khắc phục số tiền trên. Việc các bị cáo cho ông Dũng mượn là quan hệ với ông Dũng nên các bị cáo phải khắc phục. Các nhà thầu thi công nếu có yêu cầu khác cũng không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo vì đó là quan hệ dân sự giữa Ban QLDAĐTXDCT với các nhà thầu.

Về thiệt hại, HĐXX xác định tại thông tư liên tịch số 01 ngày 13/12/2017 của Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định về trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp (GĐTP) trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế có hiệu lực từ ngày 1/2/2018, và không áp dụng văn bản này để kháng nghị giám đốc thẩm đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trước ngày thông tư có hiệu lực thi hành. Tại điều 4, quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định: “Tạm ứng vốn không đúng quy định, sử dụng vốn thi công không đúng mục đích…; hoặc trường hợp không xác định mức độ thiệt hại do đầu tư gây ra, thì mức độ thiệt hại được xác định: lãi suất ngân hàng của tiền đã tạm ứng vốn đã được sử dụng không đúng mục đích; sử dụng vốn không đúng quy định pháp luật, gây thất thoát…”.

Trên cơ sở pháp lý trên, tại văn bản số 2511 ngày 9/7/2018 của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trả lời UBND tỉnh Tây Ninh xác định trưng cầu giám định bổ sung số 32 ngày 16/4/2018 của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Tây Ninh là nội dung có liên quan đến thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

UBND huyện đã thu hồi 8 tỷ, tòa tuyên sao nghe vậy

HĐXX cũng cho rằng căn cứ các cơ sở pháp lý trên, kết luận giám định (KLGĐ) số 01 ngày 8/8/2018, về tiền lãi đối với các khoản tiền ứng ngân sách là có căn cứ. Các luật sư cho rằng đây là KLGĐ cá nhân, trái với thông tư 44 của NHNN, trái với Luật Dân sự là không có căn cứ. Các luật sư cũng căn cứ vào KLGĐ số 08 ngày 22/12/2017, kết luận: “Không có cơ sở pháp lý để xác định hậu quả của việc chậm thu hồi các khoản tiền 500 triệu, 2 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng theo quy định của pháp luật (thiệt hại về vật chất và phi vật chất)”. Tại thời điểm có KLGĐ này thì thông tư liên tịch 01 chưa có hiệu lực thi hành.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện UBND huyện Hòa Thành xác định 8 tỷ đã được thu hồi, còn xác định thiệt hại là việc của cơ quan tố tụng, nên chấp nhận thi hành theo bản án của tòa. Đối với Ban QLDAĐTXDCT, trong quá trình điều có yêu cầu thu hồi số tiền BHCT 849 triệu đồng, và khẳng định đến nay không có công ty, đơn vị nào khiếu nại về tiền BHCT. Vì vậy tư cách nguyên đơn của 2 đơn vị trên là đảm bảo.

Về tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo thành khẩn khai báo, hỗ trợ thu hồi 5,5 tỷ từ Công ty Phương Hậu, 2 tỷ từ Công ty Hiệp Phát. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Nhân và Hòa bồi thường trên 2,295 tỷ đồng là lãi của 5,5 tỷ chi cho Công ty Phương Hậu, trong đó bị cáo Nhân bồi thường trên 1,530 tỷ, bị cáo Hòa 765 triệu đồng. Bị cáo Nhân, Hòa, Dân chi Công ty Hiệp Phát 648 triệu đồng. 3 bị cáo mỗi người bồi thường cho UBND huyện Hòa Thành trên 216 triệu đồng. Đối với số tiền BHCT 849 triệu đồng, bị cáo Nhân bồi thường 637 triệu, các bị cáo còn lại mỗi người trên 70 triệu đồng. Tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo để thi hành án.

Các bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày.

Không xem xét trách nhiệm của người ký duyệt tạm ứng!

Đối với ông ông Nguyễn Văn Lũy, ông Trần Ngọc Dư (nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện), ông Nguyễn Hữu Phúc, ông Lâm Tấn Dũng và Giám đốc Công ty Phương Hậu trong quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ vai trò những người này. Nhưng cơ quan điều tra và Viện KSND không có kết quả. Căn cứ vào giới hạn của xét xử, HĐXX không xem xét.

TÂN TIẾN

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-khong-gay-thiet-hai-van-bi-truy-to-o-tay-ninh-bat-tam-giam-cac-bi-cao-tai-toa-344265.html