Vụ khủng bố 11/9: Những sự thật và con số không thể nào quên

Đã 16 năm kể từ sau sự kiện 11/9 tại New York, Hoa Kỳ, thế giới vẫn đang vật lộn trong cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết. Cú sốc và nỗi đau mà những vụ tấn công khủng bố mang lại vẫn ám ảnh cuộc sống của nhiều người.

Thời khắc kinh hoàng bắt đầu từ 8h46 phút sáng 11/9/2011 (giờ địa phương), 19 tên không tặc đã chiếm lấy bốn máy bay thương mại của Hoa Kỳ đang hướng đến các địa điểm ở khu vực bờ biển phía tây. Tổng cộng 2.977 người đã thiệt mạng sau một loạt vụ tấn công khủng bố cùng ngày ở thành phố New York, Washington D.C, và bên ngoài Shanksville, Pennsylvania. Kẻ chủ mưu vụ tấn công kinh hoàng này là thủ lĩnh của al Qaeda, Osama bin Laden.

Dưới đây là tổng kết của CNN về những con số lịch sử của sự kiện 11/9:

Các nạn nhân

Tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở Manhattan, 2.753 người đã thiệt mạng khi hai chiếc máy bay số hiệu 11 của American Airlines và 175 của United Airlines cố tình đâm thẳng vào các tòa tháp phía nam và bắc.

Trong số những người thiệt mạng ở các vụ tấn công đầu tiên và do tòa tháp đôi bị sập, có 343 người là lính cứu hỏa New York, 23 người là sĩ quan cảnh sát thành phố New York và 37 người là sĩ quan thuộc lực lượng quản lý cảng.

Các nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 85, trong đó khoảng 75-80% là nam giới.

Tại tòa nhà Lầu Năm Góc ở Washington, 184 người thiệt mạng khi chiếc máy bay số hiệu 77 của American Airlines đâm vào.

Khoảng khắc chiếc máy bay thứ hai chuẩn bị đâm vào tòa tháp đôi WTC ở New York ngày 11/9/2001. Nguồn: AP

Khoảng khắc chiếc máy bay thứ hai chuẩn bị đâm vào tòa tháp đôi WTC ở New York ngày 11/9/2001. Nguồn: AP

Gần Shanksville, Pennsylvania, 40 hành khách và các phi hành đoàn của máy bay số hiệu 93 United Airlines cũng thiệt mạng sau khi chiếc máy bay này đâm xuống một cánh đồng. Có giả thiết cho rằng những tên không tặc đã buộc máy bay đâm xuống khu vực này sau khi các hành khách và phi hành đoàn vật lộn với chúng để giành lại quyền kiểm soát khoang lái.

Tính đến tháng 8/2017, 1.641 (khoảng 60%) trong số 2.753 phần thi thể còn lại của các nạn nhân WTC đã được nhận dạng.

Các mốc thời gian

Ngày 11/9/2001:

8h46 sáng (giờ ET), máy bay số 11 của American Airlines (đi từ Boston đến Los Angeles) đâm vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York.

9h03, máy bay số 175 của United Airlines (cũng đi từ Boston đến Los Angeles) đâm vào tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.

9h37, chuyến bay số 77 của American Airlines (đi từ Dulles, Virginia tới Los Angeles) đâm vào tòa nhà Lầu Năm Góc, Washington.

9h59, tòa tháp phía nam của WTC đổ sập hoàn toàn chỉ trong khoảng 10 giây.

10h03, chuyến bay 93 của United Airlines (đi từ Newark, New Jersey tới San Francisco) đâm vào một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania.

10h28, tòa phía bắc của WTC tiếp tục đổ sập. Khoảng thời gian từ vụ tấn công đầu tiên cho tới khi cả hai tòa tháp đôi đổ sập là 102 phút.

Tòa tháp đôi sụp đổ hoàn toàn chỉ trong khoảng 10 giây. Nguồn: AP

Ngày 13/12/2001, chính phủ Hoa Kỳ công bố đoạn băng trong đó trùm khủng bố Osama bin Laden nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công.

Ngày 18/12/2001, Quốc hội Mỹ chấp thuận phương án cho phép Tổng thống chỉ định ngày 11/9 là “Ngày Yêu nước” trong mỗi dịp lễ tưởng niệm vụ tấn công.

Từ tháng 12/2001 đến ngày 15/6/2004, Quỹ bồi thường nạn nhân giải quyết các đơn từ của gia đình và họ hàng các nạn nhân 11/9.

Tác động về kinh tế

500 nghìn USD là số tiền ước tính để lập kế hoạch và tiến hành các vụ tấn công 11/9.

123 tỷ ÚD là ước tính con số thiệt hại kinh tế trong 2-4 tuần đầu tiên sau khi tòa tháp đôi sụp đổ ở thành phố New York, cũng như sự sụt giảm số lượng hành khách đi máy bay trong vài năm tiếp theo.

60 tỷ USD là thiệt hại ước tính tại khu vực WTC, bao gồm thiệt hại cho các tòa nhà bên cạnh, cơ sở hạ tầng và hệ thống tàu điện ngầm.

40 tỷ USD là trị giá của gói chống khủng bố khẩn cấp mà Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 14/9/2001.

15 tỷ USD là gói cứu trợ mà Quốc hội dùng để bảo lãnh cho các hãng hàng không.

9,3 tỷ USD là số tiền bảo hiểm phát sinh từ sự kiện 11/9.

Vùng đất số 0 (Ground Zero): Ngày 30/5/2002, quá trình dọn dẹp khu vực số 0 chính thức kết thúc sau khi mất tới 3,1 triệu giờ lao động để làm sạch 1,8 triệu tấn gạch vụn đổ nát. Tổng chi phí để dọn dẹp khu vực này là 750 triệu USD.

Tổng thống George Bush được thông báo tin dữ khi đang phát biểu tại một trường học. Nguồn: SCMP

An ninh nội địa

Phòng An ninh nội địa được hình thành để xử lý vụ tấn công 11/9. Nó hợp nhất 22 cơ quan chính phủ làm một, bao gồm cả cơ quan hải quan, cơ quan nhập cư và quốc tịch, lực lượng bảo vệ bờ biển và cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang.

Cơ quan An ninh nội địa đã cử 130 thanh tra viên đến các bến cảng lớn ở châu Âu, châu Á và các nước Hồi giáo, cũng như các bến cảng có vị trí chiến lược để kiểm tra các loại hàng hóa có khả năng là vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học bị nhập lậu vào Mỹ.

Ngày 12/3/2002, Cơ quan Cố vấn An ninh nội địa (HSAS) được giới thiệu.

Ngày 26/4/2011, Cơ quan Cố vấn Khủng bố Quốc gia (NTAS) đã thay thế cho HSAS.

Một số hình ảnh đáng nhớ về sự kiện 11/9:

Một người đàn ông chạy nhanh khỏi hiện trường, đằng sau là làn khói bụi dày đặc. Nguồn: Reuters

Những người làm việc tại tòa tháp phía bắc đang tìm cách thoát khỏi đám cháy, nhưng chỉ vài giây sau đó, tòa nhà này đã sụp hoàn toàn và không còn một ai trong số họ sống sót. Nguồn: Reuters

Bức ảnh đi vào lịch sử khi một nạn nhân rơi khỏi tòa tháp phía bắc. Nguồn: AP

Khung cảnh đổ nát của nơi từng là biểu tượng của New York. Nguồn: SCMP

Cảnh sát và những người dân không khỏi bàng hoàng trước cảnh tượng đổ nát. Nguồn: AP

Cùng đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Nguồn: Reuters

Tại khu đất số 0, các lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân còn sống sót. Nguồn: Corbis

Ai ai cũng phủ một lớp bụi dày đặc sau khi đi ra khỏi tòa tháp đôi. Nguồn: AP

Một người lính cứu hỏa không kìm được nước mắt trước sự tàn khốc của vụ tấn công khủng bố. Nguồn: SCMP

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-khung-bo-119-nhung-su-that-va-con-so-khong-the-nao-quen-post236543.info