Vụ kiện công ty của ông chủ Bạch Dinh gần 4 năm không có hồi kết

Vụ kiện kéo dài 4 năm giữa Tổng công ty Đông Á và Công ty chứng khoán KVS đến nay vẫn chưa hồi kết.

Ngày 21/1/2019, Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy Bản án phúc thẩm và sơ thẩm xét xử vụ án “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng” giữa Công ty chứng khoán KENAGA Việt Nam - KVS và Tổng công ty Đông Á, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Thanh Hóa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Với Quyết định này, vụ kiện tụng sau gần 4 năm lại trở về điểm xuất phát. Điều đáng nói, sau gần 1 năm sau Phán quyết của TAND Cấp cao nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được Tòa án Thanh Hóa đưa ra xét xử lại theo quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Theo đơn khởi kiện của công ty chứng khoán KVS ngày 31/5/2016: Ngày 20/12/2011, Tổng công ty Bất động sản Đông Á (Địa chỉ: Phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, do ông Cao Tiến Đoan làm Tổng giám đốc) có vay của Công ty chứng khoán KVS số tiền 25 tỷ theo Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HDTUVDT/KVS-DA/2011, cam kết trả sau 10 tháng kể từ ngày giải ngân.

Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Ngày 27/11/2011, Công ty KVS đã chuyển 25 tỷ đồng cho Tổng công ty Đông Á. Tổng công ty Đông Á đã thanh toán cho KVS 3 tỷ đồng tiền đầu tư. Do Tổng công ty Đông Á vi phạm nghĩa vụ thanh toán lợi nhuận và tiền đầu tư nên KVS yêu cầu TCty Đông Á phải thanh toán tiếp 22 tỷ đồng tiền đầu tư và tiền lợi nhuận tính đến ngày 30/4/2015 là hơn 7,95 tỷ đồng, lãi phát sinh do việc chậm thanh toán là 1,6 tỷ đồng.

Ngày 31/5/2016, Công ty chứng khoán KVS thay đổi nội dung khởi kiện từ tranh chấp hợp đồng đầu tư sang quan hệ vay tài sản, yêu cầu Tổng công ty Đông Á phải thanh toán 22 tỷ đồng và tiền lãi tính đến ngày 31/5/2016 là 13,78 tỷ đồng (lãi suất thỏa thuận tại HĐ tạm ứng vốn là 2% tháng), tiền lãi quá hạn phải thanh toán là 5,4 tỷ đồng.

Còn bị đơn là Tổng công ty Đông Á cho biết, Công ty chứng khoán KVS chỉ có chức năng môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, không có chức năng kinh doanh khác nên hợp đồng tạm ứng vốn vô hiệu ngay từ khi ký kết, đồng thời đề nghị Tòa án tuyên buộc công ty chứng khoán khấu trừ và chỉ chấp nhận thanh toán cho công ty chứng khoán 14,7 tỷ đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa Thanh Hóa đều tuyên Hợp đồng số số 01/HDTUVDT/KVS-DA/2011 và Phụ lục kèm theo giữa Công ty chứng khoán với Tổng công ty Đông Á vô hiệu do giả tạo, phần nội dung vay vốn giữa Tổng công ty Đông Á với Công ty chứng khoán cũng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, điều cấm nào thì bản án lại không chỉ rõ ra.

HĐXX sơ thẩm cũng buộc Tổng công ty Đông Á phải có nghĩa vụ trả lại cho công ty chứng khoán 25 tỷ đồng nhưng được trừ số tiền đã thanh toán là 10,29 tỷ đồng, còn phải thanh toán 14,7 tỷ đồng.

Không đồng ý với phán quyết của tòa Thanh Hóa và cho rằng những quyết định này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho những kẻ vay tiền rồi sau đó quỵt nợ, Công ty chứng khoán KVS tiếp tục làm văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 28/4/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 09/2017/KN-KDTM kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án KDTM phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Thanh Hóa xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tổng công ty Đông Á khiếu nại Quyết định kháng nghị nêu trên. Ngày 23/11/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 04/2017/RKN-KDTM rút toàn bộ Quyết định kháng nghị số 09/2017/KN-KDTM. Ngày 5/12/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định số 36/2017/QĐ-GĐT đình chỉ xét xử giám đốc thẩm vụ án KDTM nêu trên.

Công ty chứng khoán lại có đơn khiếu nại Quyết định số 04/2017/RKN-KDTM (rút kháng nghị) và Quyết định số 36/2017/QĐ-GĐT nêu trên.

Ngày 27/7/2018, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/QĐKNGĐT-VC1-KDTM đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án Thanh Hóa do bản án này “không chính xác, không đầy đủ, thiếu khách quan, đã vi phạm nghiêm trọng điểm a Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của Công ty KVS”.

Căn cứ vào kháng nghị trên của VKSND cấp cao tại Hà Nội, ngày 21/1/2019 Ủy ban thẩm phán tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã họp và ra Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT, trong đó nêu rõ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội là có cơ sở, đồng thời tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa Thanh Hóa, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án ND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xét xử lại.

Điều đáng nói, mặc dù Phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao ban hành được gần 1 năm, nhưng đến nay, vụ án vẫn chưa được Tòa án ND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xét xử lại theo chỉ đạo của tòa cấp cao.

Câu hỏi được dư luận đặt ra là không hiểu vì lý do gì, vụ án này đến nay vẫn chưa được xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật?

Ngọc Vy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-vu-an/vu-kien-ong-chu-bach-dinh-trieu-usd-gan-4-nam-chua-co-hoi-ket-ar518910.html