Vụ kiện đòi giữa Taxi Vinasun và GrabTaxi: Khách hàng phải trả cước vận tải hay trả cho 'dịch vụ chia sẻ'?

Ngày 18/10, TAND TP HCM tiếp tục đưa ra xét xử vụ kiện 'tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng' giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi).

Đại diện nguyên đơn và bị đơn thực hiện phần hỏi và trả lời.

Đại diện nguyên đơn và bị đơn thực hiện phần hỏi và trả lời.

Tòa không chấp nhận lý do “giữ bí mật kinh doanh” của Grab

Theo đơn kiện của Vinasun, GrabTaxi đã lợi dụng Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (Đề án 24) để thực hiện nhiều vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Vinasun yêu cầu GrabTaxi bồi thường thiệt hại cho Vinasun hơn 41 tỷ đồng.

Một nội dung được nguyên đơn quan tâm trong phiên xét xử là việc, liệu dữ liệu thông tin cá nhân người dùng có được bảo mật trong quá trình sử dụng phần mềm kết nối gọi xe? Theo đại diện bị đơn thì Grab luôn tuân thủ theo các quy định liên quan đến bảo mật của Việt Nam và pháp luật thương mại điện tử.

Trong khi đó, luật sư của Vinasun cho biết, bị đơn đã thừa nhận việc Grab có quyền cung cấp nhân thân của khách hàng (tên, tuổi, số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng…) cho đơn vị thứ 3 nếu Grab muốn vì khách hàng đã đồng ý điều khoản Grab đưa ra khi cài đặt phần mềm gọi xe.

Tại phiên xét xử, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của mình chỉ là “cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng” và đề nghị Tòa đình chỉ vụ án hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Grab cũng không chấp nhận cho nguyên đơn tiếp cận tài liệu liên quan đến kinh doanh của mình vì đây là “bí mật kinh doanh”. Nhưng yêu cầu trên của Grab không được HĐXX chấp nhận.

Vinasun tuyên bố sẽ chứng minh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi?

Phiên xử hôm qua (18/10), HĐXX cho bên nguyên đơn được hỏi bị đơn. Luật sư của Vinasun tập trung hỏi về các vấn đề: từ năm 2016 đến nay, Grab có cam kết xuất hóa đơn trên tất cả chuyến đi hay không? Đại diện Grab cho hay, trước tháng 11/2016 xuất hóa đơn cho dịch vụ chia sẻ, chứ không phải hóa đơn cước phí vận tải. Nhưng sau đó, luật sư của Grab lại khẳng định, ngày từ đầu Grab sử dụng hóa đơn cước phí chuyến đi.

Lý giải về sự mâu thuẫn về thông tin hóa đơn cước phí trên, đại diện Grab cho rằng, Grab được quyền xuất hóa đơn cho toàn bộ chuyến đi.

Luật sư của Vinasun thắc mắc, trong Quyết định 24 quy định hóa đơn cước phí chuyến đi chứ không phải hóa đơn chia sẻ. Vậy, hóa đơn chia sẻ và cước phí có là một hay khác biệt nhau? Đại diện Grab không trả lời thẳng mà vẫn cho biết, trước tháng 11/2016 thì Grab chỉ xuất hóa đơn chi phí chia sẻ.

Luật sư Vinasun hỏi về việc: Từ giai đoạn năm 2014 – 2017, Grab báo lỗ 1.700 tỷ đồng, tức là gấp 85 lần vốn điều lệ (20 tỷ đồng). Vậy Grab lấy đâu ra tiền để hoạt động? Từ khi hoạt động đến nay Grab đã chia sẻ dữ liệu của người dùng cho bên thứ 3 bao nhiêu lần? Tuy nhiên, đại diện Grab từ chối trả lời những câu hỏi trên.

Trước khi thực hiện phần hỏi của mình, luật sư của Grab đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ GTVT vì đây là cơ quan quản lý nhà nước ban hành Quyết định 24; Triệu tập đại diện Công ty Cửu Long (công ty giám định) để đối chất và làm rõ một số vấn đề liên quan; đề nghị tập hợp các đơn vị vận tải có thực hiện theo đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng, sau khi thẩm tra của các bên liên quan, đương sự, luật sư…, nếu đề nghị này được đưa ra trong ngày đầu tiên xét xử thì HĐXX đã xem xét từng vấn đề. Tuy nhiên, trong phần tranh tụng giữa hai bên, nếu thật cần thiết HĐXX mới triệu tập.

Trả lời câu hỏi của bị đơn, Vinasun thừa nhận có chương trình dịch vụ V.Car nhưng là nhằm ứng dụng công nghệ kinh doanh vận tải taxi, tạo tiện lợi cho khách hàng. Khách hàng muốn sử dụng phần mềm App thì phải tải phần mềm đó đúng nhưng Viansun cam kết không cung cấp bất cứ thông tin nào của khách hàng cho bên thứ 3.

Về vấn đề khởi kiện, yêu cầu khởi kiện, đại diện Vinasun (ông Trương Đình Quý) cho biết “hành vi vi phạm của Grab liên quan đến hành vi vi phạm ngoài hợp đồng trong việc kinh doanh vận tải taxi. Chúng tôi chứng minh rõ Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi”.

Ngọc Quý

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xet-xu/vu-kien-doi-giua-taxi-vinasun-va-grabtaxi-khach-hang-phai-tra-cuoc-van-tai-hay-tra-cho-dich-vu-chia-se-418506.html