Vụ kiện khó tin

Ra rả khắp đài, mạng nói về chuẩn bị cho cách mạng 4.0. Anh em khởi nghiệp hồ hởi quá. Chỉ có công nghệ mới có thể nhảy vọt được chứ. Đùng một cái vụ Vinasun kiện Grab Taxi.

Nếu thua trắng thì Grab sẽ phải đền Vinasun ít nhất 41,2 tỷ đồng. Vụ này khiến những người trẻ đang nắm trong tay công nghệ giật mình. Nếu Grab thua thì cách mạng 4.0 bị hạ Knock out ngay hiệp đầu tiên.

Vinasun thắng thì các hãng khác cũng có thể đâm đơn và Grab phải biến mất. Công nghệ này có ảnh hưởng đến một mình công ty Vinasun đâu.

Minh họa: Tả Từ

Grab gọi là gì cho chính xác cũng không dễ, nhưng chăc chắn nó không cùng loại với Vinasun, nên không thể xếp nó vào nhóm vận tải. Grab không đầu tư sắm ôtô mà chỉ dùng công nghệ kết nối giữa ôtô và khách. Xe của Grab là xe của bất kỳ ai, xuất hiện bất kỳ đâu nên số lượng xe của Grab là không giới hạn. Grab y như anh kết nối xúc tiến quan hệ.

Phương tiện trong tay chỉ là công nghệ. Phương tiện này phục vụ một ý tưởng thông minh. Vinasun hay các hãng tương tự, dù liên kết với nhau dùng công nghệ mới nhưng số lượng xe lớn đến đâu vẫn có giới hạn. Bởi xe của taxi thông thường không thể là xe của bất kỳ ai.

Một độc giả cho rằng "Nếu Vinasun thắng vụ này, thì rất có thể đây sẽ là một tiền lệ tiêu cực làm xáo trộn những giá trị căn bản của thị trường thời kỳ tiền hội nhập, khơi mào một cuộc chiến giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh công nghệ trong thời đại 4.0, kéo theo hàng loạt những doanh nghiệp khác nhảy vào các vụ kiện tương tự.

Ta có thể tưởng tượng một cách cụ thể:

- Viettel, Vinaphone, Mobiphone kiện Zalo, Viber, Messenger vì tính năng đàm thoại miễn phí của các ứng dụng này.

- Báo giấy, tạp chí giấy kiện báo điện tử.

- Các đoàn thể xã hội và cộng đồng kiện Facebook vì tính kết nối không tiếp xúc.

- Ngành Bưu điện, công ty sản xuất tem thư kiện Google (Gmail).

- Chợ truyền thống kiện chợ Thương mại điện tử.

- Mấy bà chuyên đi gặt lúa thuê kiện cái máy gặt...

Cứ cái đà đó thì một quốc gia lạc hậu có thể kiện và thắng một quốc gia công nghệ tiên tiến. Từ những năm 1990, ngành in thấy rõ một cái máy tính để bàn có thể làm mất việc một xưởng in hàng chục công nhân sắp chữ. Công nghệ còn làm cho rất nhiều nhân lực các ngành nghề bị loại. Chỉ có khách hàng thì trong mọi trường hợp đều là người hưởng lợi. Công nghệ mới bị đánh văng thì khách hàng cũng liên đới bị đánh văng.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng "Một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà giết chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển, một văn minh".

Còn bạn. Bạn đã bao giờ nghĩ thông minh cũng là một tội chưa?

Lê Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/vu-kien-kho-tin-517873/