Vu Lan báo hiếu tại chùa Ngọa Vân

Tháng 7 - Vu Lan báo hiếu, một trong những điểm đến của hàng nghìn du khách là chùa Ngọa Vân, được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo rồi nhập cõi Niết Bàn.

Hành hương về Ngọa Vân giờ đã có cáp treo. Ngày trước, khi chưa có cáp treo, để vào đến chùa chính người ta phải đi bộ, leo núi mất một ngày. Ảnh: V.H

Chùa Ngọa Vân (thuộc hai xã An Sinh và xã Bình Khê, thị xã Đông Triều) là một quần thể văn hóa du lịch tâm linh, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Đây là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện đắc đạo hóa Phật của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Người đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm chỉ ra rằng: Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là Người Thầy Dẫn Đường, không phải thánh thần ban phước, giáng họa. Nếu để cho Tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham-sân-si… để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài.

Am Ngọa Vân. Ảnh: V.H

Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thực hành Thập Thiện theo chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành chuẩn mực đạo đức. Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần ở Việt Nam.

Trong lễ Vu Lan, các sư thầy sẽ giảng đạo, dạy về ý nghĩa của lễ Vu Lan và đạo hiếu của con cái với đấng sinh thành. Ảnh: V.H

Tháng 8/1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh. Sau thời gian tu hành khổ hạnh, ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng từ bỏ mê tín, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tháng 5/1307, ngài lên tu tại một am nhỏ trên ngọn Ngọa Vân, núi Bảo Đài. Ngày mồng 1 tháng 11 âm lịch năm 1308, ngài nhập niết bàn, vị trí đó chính là am Ngọa Vân.

Một tình nguyện viên phục vụ ngày lễ Vu Lan ở Ngọa Vân. Ảnh: V.H

Trong hành hành trình tu luyện và nhập diệt, Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của ngài.

Chính bởi những yếu tố này, chùa Ngọa Vân, am Ngọa Vân cùng quần thể các di tích ở nơi được coi là thánh địa Phật Giáo Trúc Lâm này có giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh vô cùng to lớn. Dù vậy, trước đây rất ít các Phật tử, du khách đặt chân đến Ngọa Vân bởi đường đi lại vô cùng khó khăn.

Sau khi được trùng tu, xây dựng lại, với hệ thống cáp treo cùng đường đi bộ trải bê tông, Ngọa Vân giờ đây trở thành một điểm đến hành hương lễ Phật vô cùng đặc biệt. Được xây dựng lại, nâng cấp, nhưng những giá trị của Ngọa Vân được lưu giữ trọn vẹn, đỉnh núi vẫn ngàn năm mây phủ, phong cảnh hữu tình khiến ai đặt chân đến đều thấy lòng thư thái, niệm ngộ được rất nhiều những điều tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật.

Những người còn cha mẹ sẽ được cài một bông hồng đỏ (hoặc hồng) lên ngực áo, những người không còn cha mẹ thì được cài một bông hoa trắng. Ảnh: V.H

Chùa Ngọa Vân thường xuyên có những hoạt động như lễ hội Xuân Ngọa Vân, tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu, với cách tổ chức quy củ, đảm bảo đầy đủ các yếu tố văn hóa và tâm linh. Các nhà sư tổ chức thuyết Pháp cho Phật tử, cho khách hành hương về các triết lý của Nhà Phật, về ý nghĩa của Vu Lan báo hiếu, giảng giải về đạo hiếu, con cái phải biết ơn công đức sinh thành, hy sinh dưỡng dục của cha mẹ. Nhà chùa cùng Ban tổ chức nghi lễ bông hồng cái áo, tiến hành tặng miễn phí những xuất cơm chay cho du khách.

Hành hương đến nơi tu hành của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, học hỏi và giác ngộ thêm nhiều điều cao đẹp, đến Ngọa Vân là tìm về mảnh đất linh thiêng và nơi dung dưỡng tâm hồn.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-lan-bao-hieu-tai-chua-ngoa-van-post66552.html