Vụ lấn chiếm rừng đặc dụng, tập kết cát trái phép: Dùng tàu không đăng ký đăng kiểm để nạo vét

Nhiều chiếc tàu không đăng ký, đăng kiểm vẫn được sử dụng để thực hiện thi công dự án nạo vét, thu hồi cát tại hồ thủy điện Krông H'Năng.

Sử dụng tàu không đăng ký, đăng kiểm thi công dự án

Theo Quyết định số 1694 ngày 9/7/2021 về việc phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng và Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk, Công ty cổ phần Quốc tế Sông Hồng (viết tắt là Công ty Sông Hồng) sẽ thực hiện nạo vét bằng tàu hút, dung tích 80m3, công suất 400m3/giờ, số lượng 9 chiếc.

UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị nạo vét thực hiện đăng ký phương tiện, thiết bị sử dụng nạo vét theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa và pháp luật liên quan...

Vào thời điểm PV Người Đưa Tin ghi nhận, một chiếc tàu đang thi công nạo vét.

Vào thời điểm PV Người Đưa Tin ghi nhận, một chiếc tàu đang thi công nạo vét.

Thế nhưng, trong nhiều ngày có mặt tại khu vực hồ thủy điện Krông H’Năng (xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) vào đầu tháng 4/2023, PV lại ghi nhận những chiếc tàu không đăng ký, đăng kiểm thực hiện hoạt động nạo vét tại dự án này.

Theo quan sát, những chiếc tàu thực hiện nạo vét tại hồ thủy điện Krông H’Năng có kích thước không giống nhau, màu sơn cũ kĩ.

Những chiếc tàu không đăng ký, đăng kiểm thực hiện hoạt động nạo vét tại dự án hồ thủy điện.

Hàng ngày, những chiếc tàu này thay phiên nhau di chuyển về phía thượng lưu hồ thủy điện Krông H’Năng để nạo vét, hút cát. Chỉ sau vài giờ sục vòi rồng xuống lòng hồ, những chiếc tàu này đã tràn trề sản phẩm nạo vét và chậm chạp quay về bãi tập kết.

Với công suất hoạt động liên tục của các tàu, mỗi ngày có hàng trăm khối cát và các sản phẩm nạo vét đã được đưa về bãi tập kết. Trên bờ, từng đoàn xe tải lần lượt chờ đến lượt được múc cát.

Vì sao đăng ký 9 tàu nhưng chỉ sử dụng 3 tàu?

Ông Nguyễn Đức Toản, đại diện Công ty Sông Hồng cho biết, hiện tại dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng có 3 chiếc tàu.

“Quá trình thực hiện dự án, Công ty Sông Hồng đã ký hợp đồng nạo vét với Công ty P.M.P. Trong hợp đồng có ghi rõ, tàu bè phải có đăng ký, đăng kiểm thì mới được nạo vét. Nếu không, có chuyện gì thì Công ty P.M.P. phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật... Do đó, tàu bè không có đăng ký, đăng kiểm thì ông đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Toản thông tin.

Cận cảnh một chiếc tàu không đăng ký, đăng kiểm đang sục vòi rồng xuống hồ để thực hiện nạo vét, hút cát.

Cũng theo ông Toản, sau khi phát hiện những con tàu tham gia nạo vét không có đăng ký, đăng kiểm, Công ty Sông Hồng đã yêu cầu Công ty P.M.P. tạm ngưng hoàn toàn. “Mình thấy chưa có đăng ký đăng, kiểm mà nếu làm nữa là mình sai rồi. Do đó, bắt buộc phải ngưng”, ông Toản khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV vì sao quá trình thực hiện dự án, Công ty Sông Hồng không quản lý được tàu không đăng ký, đăng kiểm, ông Toản cho hay: “Tôi ký hợp đồng với Công ty P.M.P., giờ họ sai quy định thì tôi cho tạm ngưng thôi chứ sao. Bây giờ không có đăng ký đăng kiểm thì cũng khỏi làm luôn”.

Tiếp tục câu chuyện, ông Toản “tiết lộ”: “Nói thật á, tàu bè đây là có đăng ký, đăng kiểm nhưng hết rồi. Bây giờ, 3 chiếc, chiếc nào cũng có hồ sơ hết nhưng hết rồi...”.

Những chiếc tàu thực hiện nạo vét tại hồ thủy điện Krông H’Năng, kích thước không giống nhau, màu sơn cũ kĩ.

Khi PV đặt ra câu hỏi, vì sao đến thời điểm báo chí ghi nhận, thì Công ty Sông Hồng mới phát hiện vấn đề tàu không đăng ký, đăng kiểm?

Lúc này, ông Toản trả lời: “Nói chung, mới bắt đầu, anh em nạo vét, hút cũng đâu được bao nhiêu bữa đâu. Em hỏi bên giám sát, anh em nó biết, chứ có gì đâu mà. Cát đó chủ yếu là cát bên bãi 32.000m3 (bãi tập kết trái phép – PV) chuyển qua mà”.

Đại diện chủ dự án cũng khẳng định, trong thời gian khoảng 1-2 tháng nữa, nếu có tàu bè đăng ký, đăng kiểm thì công ty mới hoạt động lại. Còn nếu không, công ty cam kết sẽ ngưng hoàn toàn, chứ không bao giờ tàu bè không đăng ký ,đăng kiểm mà dám đưa ra làm.

Về việc đăng ký 9 tàu nhưng chỉ sử dụng 3 tàu để nạo vét, theo lý giải của ông Toản do chưa sử dụng hết công suất đăng ký.

Ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết, căn cứ các quy định, phương tiện mà doanh nghiệp (Công ty Sông Hồng - PV) đang sử dụng để thực hiện dự án nạo vét, chuyển chở sản phẩm nạo vét thì phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Nếu không đăng ký ,đăng kiểm mà vẫn tham gia giao thông đường thủy nội địa thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Cũng theo ông Du, sau khi tra cứu, rà soát hồ sơ quản lý phương tiện thủy nội địa, hiện nay Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk không quản lý phương tiện thủy nội địa nào của Công ty Sông Hồng.

Công ty cổ phần Quốc tế Sông Hồng được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép thực hiện dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng.

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, ngày 9/7/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng (xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk).

Dự án do Công ty cổ phần Quốc tế Sông Hồng thực hiện trong 5 năm. Diện tích nạo vét là 313,51ha, diện tích bãi tập kết 2,6ha (nằm hoàn toàn trong phạm vi hồ chứa nước công trình thủy điện Krông H’Năng).

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện nạo vét công trình hồ thủy điện Krông H’Năng, Công ty Sông Hồng đã tập kết cát tại bãi tập kết chưa được cấp phép với diện tích 11.228m2.

Đồng thời, lấn chiếm đất nông nghiệp là đất rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, với diện tích lấn chiếm là 7.119m2.

Với các lỗi vi phạm trên, Công ty Sông Hồng đã bị xử phạt hành chính tổng số tiền 150 triệu đồng. Đáng nói, sau nhiều lần được gia hạn thì đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.

Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-lan-chiem-rung-dac-dung-dung-tau-khong-dang-kiem-de-hut-cat-a604138.html