Vụ lấp vịnh An Hòa để làm khu đô thị: Tỉnh sẽ kiểm tra, rà soát cụ thể

Liên quan đến loạt bài 'Lấp vịnh An Hòa để làm khu đô thị: Được và mất!' mà Báo Công an TP Đà Nẵng vừa thông tin, qua bài viết, dư luận trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc lấp vịnh An Hòa để làm các dự án. Xung quanh nội dung trên, P.V đã có buổi làm việc với ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam để làm rõ thêm một số vấn đề mà dư luận quan tâm.

Liên quan đến loạt bài "Lấp vịnh An Hòa để làm khu đô thị: Được và mất!" mà Báo Công an TP Đà Nẵng vừa thông tin, qua bài viết, dư luận trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc lấp vịnh An Hòa để làm các dự án. Xung quanh nội dung trên, P.V đã có buổi làm việc với ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam để làm rõ thêm một số vấn đề mà dư luận quan tâm.

Ông Võ Hồng trả lời phỏng vấn của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng.

Ông Võ Hồng trả lời phỏng vấn của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng.

P.V: Thưa ông, với tư cách là đại biểu đại diện cho nhân dân, ông nhận xét như thế nào khi vừa qua nhiều hộ dân cản trở thi công dự án lấp vịnh An Hòa ở H. Núi Thành để đòi quyền lợi bị ảnh hưởng?

Ông Võ Hồng: Việc người dân cản trở thi công khu vực vịnh An Hòa tôi mới nắm được thông qua báo chí. Dự án đường 129 và khu đô thị vịnh An Hòa là vì sự phát triển chung của tỉnh. Nhưng trong quá trình triển khai dự án nếu ảnh hưởng đến mưu sinh, kế sinh nhai của người dân thì cần phải xem xét lại. Bởi bất cứ dự án nào tác động đến người dân thì phải hỗ trợ, ảnh hưởng nhiều hỗ trợ nhiều, ít hỗ trợ ít. Tất cả vì phát triển chung, nhưng không để ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng dân cư. Phải xem xét ảnh hưởng đến bà con về trước mắt và lâu dài. Về nguyên tắc, tất cả các dự án đều phải có đánh giá tác động môi trường. Trong đó, các cơ quan, đơn vị phải tính toán kỹ việc tác động đến đời sống, mưu sinh của người dân và chọn phương án khả thi. Cố gắng đừng vì sự phát triển chung mà ảnh hưởng đến bà con quá nhiều. Phải xem xét, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của dân và quan trọng có giải pháp tính tới sinh kế lâu dài cho dân.

P.V: Theo như ông nói thì trong các dự án đều phải được đánh giá tác động môi trường cũng như tính toán đến việc tác động đến đời sống người dân. Thế nhưng đối với các dự án lấp vịnh này, người dân cho biết khi dự án triển khai, người dân phản đối lúc đó chính quyền mới lên làm việc, trước đó họ không được tham vấn lấy ý kiến?

Ông Võ Hồng: Tất cả các dự án nguyên tắc đều phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong đó có cả lấy ý kiến của người dân vì tác động đến đời sống, mưu sinh đều phải có tính toán. Chính quyền địa phương cũng phải lường trước những điều kiện như vậy. Mọi dự án lớn đều có tác động, đương nhiên chúng ta phải chọn giải pháp khả thi nhất. Tôi nghĩ, chính quyền địa phương ít nhiều gì cũng đã họp, làm việc với người dân ảnh hưởng bởi dự án. Nếu người dân cho rằng chưa được lấy ý kiến trước đó thì cần xem xét lại.

Những dự án lớn đều có tác động đến môi trường, cuộc sống... đương nhiên không tìm cái tốt nhất nhưng phải tìm cái khả thi nhất. Có tác động nhưng không lớn, mang lại lợi ích chứ đừng vì những chương trình lớn của tỉnh mà ảnh hưởng lớn đến bà con. Một việc lớn của tỉnh, của huyện, của Khu KTM Chu Lai chắc chắc sẽ ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng càng ít càng tốt. Nhà nước cần tìm cơ chế hỗ trợ.

Dự án lấp vịnh An Hòa bị người dân liên tiếp phản đối, cản trở đòi quyền lợi.

P.V: Quan điểm của ông như thế nào khi lấp sông, vịnh để triển khai dự án? Và việc đó có tác động đến hệ sinh thái như thế nào?

Ông Võ Hồng: Nói chung việc lấn biển, lấn vịnh hết sức cẩn thận. Vì bây giờ người ta đang thuận theo tự nhiên chứ không nên cưỡng lại tự nhiên. Nếu anh đụng vô thiên nhiên là anh khó dự lượng hết được tác động về lâu dài. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt do biến đổi chung, các nước đã chuẩn bị trước mấy chục năm. Mà lấp ao, lấp hồ, lấp sông, lấp vịnh hết sức cẩn thận. Mình có đánh giá được hết dự lường trong tương lai như thế nào? Có những dự án người ta tính cả trăm năm nếu ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Do vậy thời gian qua, tất cả các dự án đòi hỏi đều phải đảm bảo 3 yêu cầu: Kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều dự án chỉ nhằm mục đích kinh tế, họ dựa vào xã hội để làm kinh tế, còn môi trường bị xem nhẹ.

Riêng đối với các dự án lấp vịnh An Hòa trên, tôi đã đề nghị Ủy ban tỉnh báo cáo cụ thể, chỉ đạo xử lý. Và đoàn công tác của HĐND tỉnh sẽ thu xếp thời gian vào kiểm tra sớm, rà soát xem cụ thể thế nào, có gì tôi sẽ thông tin lại.

P.V: Xin cảm ơn ông!

TRẦN TÂN (thực hiện)

>> Lấp vịnh An Hòa để làm khu đô thị: Được và mất! (Kỳ cuối: Đảm bảo an ninh, đẩy nhanh tiến độ các dự án)

>> Lấp vịnh An Hòa để làm khu đô thị: Được và mất! (Kỳ 2: Chủ đầu tư các dự án nói gì?)

>> Lấp vịnh An Hòa để làm khu đô thị: Được và mất! (Kỳ 1: Vì sao phải điều chỉnh hướng tuyến đường 129?)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_225398_vu-lap-vinh-an-hoa-de-lam-khu-do-thi-tinh-se-kiem-tra-ra-soat-cu-the.aspx