Vụ lật tàu thảm khốc: 'Tư lệnh' ngành Giao thông Vận tải phản ứng chậm

'Ở vụ lật tàu Bắc Nam thảm khốc tại Thanh Hóa, chưa đến mức Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải phải từ chức nhưng cũng nên có tiếng nói, xin lỗi nhân dân', ĐBQH Lê Hồng Tịnh nêu ý kiến.

Sau vụ lật tàu thảm khốc ở Thanh Hóa gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 2 nhân viên gác barie để làm rõ nguyên nhân. Trách nhiệm của ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải và người đứng đầu các đơn vị này như thế nào trong vấn đề quản lý an toàn giao thông đường sắt để xảy ra vụ tai nạn lật tàu thảm khốc này?

Bên hành lang Quốc hội chiều 25/5, PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Hiện trường vụ lật tàu thảm khốc.

PV: Thưa ông, vụ lật tàu Bắc Nam ở địa phận tỉnh Thanh Hóa làm 2 người chết, nhiều người bị thương một lần nữa đặt ra vấn đề về tầm quan trọng của quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, bởi đã từng có nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Luật Đường sắt hiện hành cũng như luật sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2018 tới đã nêu rất rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý đường sắt. Tuyến đường sắt hiện nay được hình thành từ cách đây hàng trăm năm, đường ngang dân sinh quá nhiều, phát sinh các vụ tai nạn nghiêm trọng, nhất là ở những đoạn giao cắt với đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề đã được bàn đến nhiều, đặc biệt là trách nhiệm của ngành Đường sắt vì đó là tài sản của họ. Trách nhiệm đầu tiên chính là ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải, sau đó mới đến trách nhiệm của địa phương, ý thức của người dân.

Có thể thấy, vụ tai nạn lật tàu thảm khốc ở Thanh Hóa vừa qua xảy ra tại đường ngang có barie, người gác chắn đầy đủ. Như vậy ở đây chắc chắn có vấn đề về con người, vấn đề điều hành, quản lý của ngành Đường sắt. Bởi với các gác chắn này, trước khi tàu đến bao giờ cũng có hệ thống báo, kéo gác chắn. Tuy kết quả điều tra chưa có, nhưng trách nhiệm đầu tiên là của ngành Đường sắt.

Để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng về giao thông đường sắt như vậy, hậu quả rất nghiêm trọng. Trước hết là tính mạng của người dân, sau đó là uy tín đến ngành Giao thông Vận tải, ngành Du lịch (vì khách du lịch đi trên tàu), sau nữa là uy tín của quốc gia.

Qua đây có thể thấy, cần thiết phải có một đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Vì đường sắt này không có giao nhau với đường dân sinh, hệ số an toàn rất cao.

PV: Kinh phí đầu tư cho ngành Đường sắt hiện nay dường như chưa được chú trọng nên hệ thống bảo vệ an toàn đường sắt, nhất là với những chuyến tàu chở hàng trăm khách luôn tiềm ẩn rủi ro?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Rõ ràng vận tải đường sắt là rất quan trọng, nhưng có sự chậm trễ trong việc đầu tư cho ngành Đường sắt. Đầu tư cho đường sắt là quá thấp so với tỷ lệ các loại hình giao thông khác. Ngay cả vấn đề đầu tư cho bảo vệ an toàn đường sắt cũng thấp.

PV: Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải trong việc quản lý lỏng lẻo, chưa đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, để xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng như thế này?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Để xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, đương nhiên về mặt quản lý Nhà nước có trách nhiệm của bộ Giao thông Vận tải. Với những lĩnh vực thuộc ngành quản lý, xảy ra thiệt hại cho nhân dân, cho tài sản của nhân dân và Nhà nước, bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.

Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, cần chờ kết quả điều tra xem nguyên nhân khách quan, chủ quan như thế nào để quy trách nhiệm rõ ràng hơn. Nhưng như tôi nói, đương nhiên về mặt quản lý Nhà nước, bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm.

PV: Một số ý kiến cho rằng, trong vụ tai nạn nghiêm trọng này, tiếng nói của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể với vai trò "Tư lệnh" ngành rất quan trọng, nhưng lại tính đến thời điểm này,tiếng nói quan trọng đó vẫn chưa có, nhất là khi cơ quan công an đã khởi tố vụ án?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Đúng ra, như ở các nước trên thế giới, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng như vậy, Bộ trưởng sẽ lên tiếng ngay. Thậm chí, có một số vụ tai nạn ở mức thảm họa, Bộ trưởng còn từ chức. Ở vụ lật tàu Bắc Nam tại Thanh Hóa, chưa đến mức Bộ trưởng phải từ chức nhưng cũng nên có tiếng nói, xin lỗi nhân dân đứng ở góc độ quản lý Nhà nước.

Trong vụ việc này, tôi cho rằng Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải phản ứng chậm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vu-lat-tau-tham-khoc-bo-truong-giao-thong-van-tai-phan-ung-cham-a371563.html