Vụ lừa đảo tại GPBank: Vì sao cựu giám đốc chi nhánh liên tục kêu oan?

Việc hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ, tạo chứng từ giả, chi để tất toán tài khoản của Ban BTGPMB quận 1 diễn ra vào ngày 20/7/2010. Lúc này, ông Nghiêm Tiến Sỹ làm giám đốc, việc tất toán là do ông Sỹ chỉ đạo, nhưng tại sao chỉ có bị cáo Hiền bị khởi tố?

Xuất hiện nhân tố bí ẩn?

TAND TP.HCM vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - chi nhánh TP.HCM (GPBank TP.HCM).

Cáo trạng tuy tố bị cáo Lê Thị Minh Hiền (SN 1977, nguyên Giám đốc GPBank TP.HCM) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lê Quốc Cường (SN 1960, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 1 bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Huỳnh Thị Cúc (SN 1970, nguyên Thủ quỹ ban BTGPMB quận 1) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng cáo buộc, trong thời gian làm giám đốc GPBank TP.HCM, Hiền mượn tiền của ngân hàng tổng số tiền 10,5 tỷ làm việc riêng. Ngày 15/7/2010, Hiền bàn giao chức giám đốc cho ông Nghiêm Tiến Sỹ.

Qua kiểm quỹ thấy thiếu 10,5 tỷ nên Hiền nói sẽ nộp vào đủ trong thời gian 7 ngày và được lãnh đạo GPBank đồng ý giải quyết nội bộ.

Sau đó, Hiền gặp bị cáo Cường mượn tiền của Ban BTGPMB quận 1 để cân đối số ngân sách và Cường đồng ý. Tiếp đến, Hiền làm các thủ tục để tất toán khoản tiền hơn 10,79 tỷ đồng của Ban BTGPMB quận 1 sang Agribank Chợ Lớn làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của công ty Cường Nguyễn, nhưng thực chất chỉ thao tác trên chứng từ và chỉ có 279.798.456 đồng tiền mặt được chuyển đến Agribank Chợ Lớn.

Bị cáo Hiền và Cường bị dẫn giải sau phiên tòa.

Bị cáo Hiền và Cường bị dẫn giải sau phiên tòa.

Thời điểm này, Hiền không còn làm giám đốc GPBank TP.HCM nữa, việc hoàn tất chứng từ, chỉ đạo đều do giám đốc mới là ông Nghiêm Tiến Sỹ thực hiện.

Tại phiên tòa, bị cáo Cường khai cho bị cáo Hiền mượn 10,5 tỷ đồng làm việc riêng và khẳng định không có việc Hiền dùng các thủ đoạn gian dối để lấy 10,5 tỷ của Ban BTGPMB quận 1.

Bị cáo Cường cũng thừa nhận đã làm giấy đề nghị rút 10,5 tỷ đồng của 4 tài khoản của Ban BTGPMB quận 1, nhưng không ký giấy ủy nhiệm chi, không ký giấy rút tiền mặt.

Bị cáo Cường cũng chưa bao giờ yêu cầu Hiền trả lại 10,5 tỷ đồng, mà yêu cầu GPBank phải có trách nhiệm hoàn trả cho Ban BTGPMB quận 1.

Bên cạnh đó, đại diện Ban BTGPMB quận 1 là nguyên đơn dân sự trong vụ án này cho rằng họ không yêu cầu bà Hiền trả tiền mà yêu cầu GPBank phải trả tiền cho họ.

Bị cáo Hiền khi được xét hỏi đã thừa nhận, khi bàn giao công việc giám đốc cho ông Sỹ có thiếu 10,5 tỷ đồng tiền quỹ. Sáng 16/7/2010 trong biên bản bàn giao thể hiện những công việc thực hiện, còn tồi tại của chi nhánh, không có nội dung nêu phải khắc phục 10,5 tỷ đồng cho GPBank.

Suốt phiên tòa, bị cáo Hiền liên tục kêu oan vì Hiền cho rằng thực chất số tiền 10,5 tỷ đồng là tiền mà Hiền gặp Cường thỏa thuận về mượn dùm cho bà Đoàn Minh Hà. Về thời gian trả thì Cường và bà Hà thỏa thuận trực tiếp, Hiền chỉ là người thực hiện các thủ tục theo Cường yêu cầu.

Sau đó, bà Đoàn Minh Hà nói bà sẽ chịu trách nhiệm về khoản tiền này, có làm bản cam kết. Bị cáo Hiền khẳng định có bản cảm kết này, nhưng quá trình bị giam lâu nay không biết bị cáo đang để ở đâu, gia đình bị cáo chưa tìm thấy được.

Theo bị cáo Hiền, trước đó, vào thời điểm ngày 6/7/2010, bị cáo Cường có ký một giấy đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của Ban BTGPMB quận 1 để làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay khác, người nhận tiền là ông Lương Tiến Thành.

Bị cáo Hiền cho biết, Lương Tiến Thành chính là người nhà của bà Đoàn Minh Hà. Khẳng định ông Thành là người nhà của bà Hà, bị cáo Hiền lập luận, Công ty TNHH bất động sản Minh Quang và doanh nghiệp tư nhân Minh Hà có vay vốn tại GPBank TP.HCM, Lương Tiến Thành là người tích cực đi giao nhận tiền hoặc các giao dịch của Đoàn Minh Hà. Và khoản vay 10,5 tỷ đồng cũng giống như các khoản vay của công ty Minh Quang và doanh nghiệp tư nhân Thu Hà trước đó.

“Quýt làm, cam chịu”!?

Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Thanh Phú, Phó giám đốc GPBank TP.HCM nói, ông có nhận được công văn yêu cầu tất toán 4 tài khoản của Ban BTGPMB quận 1 do Giám đốc Sỹ đưa cho. Sau khi tất toán các tài khoản của Ban BTGTMB, ông Sỹ chỉ đạo ông Phú mang tiền đến Agribank Chợ Lớn nộp vào tài khoản.

Cáo trạng của VKSND tối cao.

Theo ông Phú, về nguyên tắc tài chính, việc chủ của 4 tài khoản không ký ủy nhiệm chi, không đề nghị rút tiền mặt mà GPBank tự ý rút tiền mặt là sai. Ông Phú khẳng định ông Sỹ chỉ đạo toàn bộ các hoạt động, kể cả việc rút tiền mặt từ 4 tài khoản dù hồ sơ, chứng từ chưa đầy đủ.

Liên quan đến việc tất toán 4 tài khoản của Ban BTGPMB quận 1, biên bản của tổ kết luận Kiểm toán Nhà nước thể hiện: “Xuất phát lập 5 phiếu chi ngày 20/7/2010 để tất toán 4 tài khoản của Ban tại chi nhánh và làm các thủ tục mở, nộp tiền vào tài khoản của Agribank Chợ Lớn. GPBank đã hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ, tạo chứng từ giả, chi để tất toán tài khoản của Ban BTGPMB quận 1…”.

Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM thể hiện việc ông Nghiêm Tiến Sỹ và ông Nguyễn Thanh Phú thực hiện ký giấy tờ chứng từ việc chuyển hơn 10,797 tỷ đồng từ GPBank TP.HCM qua Agribank Chợ Lớn. Tại thời điểm ký giấy tờ chứng từ chuyển tiền, bị cáo Lê Thị Minh Hiền không còn trách nhiệm, quyền hạn trong việc ký giấy chuyển tiền.

Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Hoàng Chương, đại diện GPBank cho biết, hiện tại, phía GPBank TP.HCM không thất thoát, thiệt hại gì, toàn bộ các chứng từ, sổ sách đều cân đối với số tiền có trong quỹ.

Trải qua 3 phiên tòa xét xử và bị hoãn do HĐXX không làm rõ được nhiều nội dung trong phần xét hỏi tại tòa, một vấn đề pháp lý được đặt ra là: “Việc hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ, tạo chứng từ giả, chi để tất toán tài khoản của Ban BTGPMB quận 1 diễn ra vào ngày 20/7/2010, là thời điểm mà bị cáo Hiền không còn làm giám đốc GPBank TP.HCM. Lúc này, Hiền đã bàn giao chức giám đốc chi nhánh cho ông Nghiêm Tiến Sỹ, việc tất toán là do ông Sỹ chỉ đạo (như lời khai của PGĐ Nguyễn Thanh Phú tại các phiên tòa), nhưng tại sao chỉ có bị cáo Hiền bị khởi tố, còn sai phạm của 2 cá nhân khác là ông Sỹ và ông Phú lại không được đề cập đến trong vụ án này?”.

Thanh Sơn

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/vu-lua-dao-tai-gpbank-vi-sao-cuu-giam-doc-chi-nhanhlien-tuc-keu-oan