Vụ ly hôn nghìn tỷ vợ chồng Trung Nguyên: Từ mâu thuẫn quyền lực đến... khởi tố hình sự

Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự 'Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức' xảy ra tại Công ty cổ phần Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC).

Trước đó, ngày 28/9/2018, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ cũ Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã gửi đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Bình Dương và ngày 26/6/2019, bà Thảo tiếp tục gửi đơn khẩn cấp đến Công an tỉnh Bình Dương, tố cáo ông Nguyễn Duy Phước - Trưởng phòng Pháp lý Tập đoàn Trung Nguyên - đã có dấu hiệu sử dụng tài liệu giả, gồm: Biên bản họp đại hội đồng cổ đông - Tập đoàn Trung Nguyên không ghi ngày, chỉ đề tháng 12/2011; quyết định của đại hội đồng cổ đông - Tập đoàn Trung Nguyên không ghi ngày, chỉ đề tháng 12/2011.

Trước việc Viện Khoa học hình sự kết luận tài liệu của Tập đoàn Trung Nguyên có dấu vết cắt ghép, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng: Nhóm thao túng đã dùng tài liệu giả mạo này để lập ra Giấy ĐKKD lần 8 trái pháp luật, cướp tài sản của bà tại Trung Nguyên IC, thao túng để hãm hại vợ chồng bà.

Phía bà Thảo khẳng định, các tài liệu giả mạo này bao gồm biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông - Tập đoàn Trung Nguyên, với nội dung Đại hội đồng cổ đông đã ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ đại diện toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn này tại Trung Nguyên IC vào tháng 11/2011. Đây chính là điểm mấu chốt để thay đổi người đại diện theo pháp luật tại Trung Nguyên IC từ bà Thảo sang ông Vũ vào ngày 21/4/2016.

Viện Khoa học hình sự đã đưa ra 2 kết luận giám định vào ngày 30/1/2019 và ngày 24/5/2019 liên quan đến các tài liệu này.

Theo đó, kết luận giám định ngày 30/1/2019 ghi rõ: Trang 01 của Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ký hiệu A1-1 không được photocopy từ trang 01 của Biên bản họp đại hội đồng cổ đông ký hiệu A3-1.

Trang 02 của Biên bản họp ĐHĐCĐ ký hiệu A1-2 và trang 02 của Biên bản họp ĐHĐCĐ ký hiệu A3-2 được photocopy từ tài liệu có cùng nguồn gốc, trừ các chữ “Công ty CP Cà phê Trung Nguyên” tại dòng chữ in thứ 10 từ trên xuống trên tài liệu ký hiệu A3-2.

Trang 01 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A2-1 và trang 01 của Quyết định của đại hội đồng cổ đông ký hiệu A4-1 được photocopy từ tài liệu có cùng nguồn gốc, trừ các chữ số ghi ngày, tháng, năm tại dòng chữ in thứ 3 và thứ 11 từ trên xuống trên tài liệu ký hiệu A4-1.

Trang 02 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A2-2 được photocopy từ trang 02 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A4-2 trước khi có hình dấu tròn với nội dung “Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên” trên tài liệu ký hiệu A4-2.

Các số nguyên thủy tại vị trí sau các chữ: “ngày”, “tháng”, “năm” tại dòng chữ in thứ 4 từ trên xuống trên trang 01 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A4-1 trước khi bị sửa chữa xác định được là: “30”, “12”, “2011”.

Bản ý kiến của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên về việc xác nhận "không lưu giữ bản chính" Biên bản họp và Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 12/2011 không ghi ngày.

Bản ý kiến của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên về việc xác nhận "không lưu giữ bản chính" Biên bản họp và Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 12/2011 không ghi ngày.

Kết luận giám định ngày 24/5/2019 cho các chữ “Công ty CP Cà phê Trung Nguyên” tại dòng chữ in thứ 10 tính từ trên xuống trên trang 2 tại mẫu Biên bản họp ĐHĐCĐ ngày 26/12/2011 bị cắt ghép.

Từ những kết luận giám định nêu trên, bà Diệp Thảo khẳng định các giấy tờ mà đại diện theo ủy quyền của Trung Nguyên IC 3 và Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho TAND tỉnh Bình Dương đã có dấu hiệu cắt ghép, sửa chữa so với bản gốc.

Biên bản họp ĐHĐCĐ tháng 12/2011 của Trung Nguyên không ghi ngày cụ thể.

Rồi lại xuất hiện một biên bản khác có ghi ngày, tháng, năm.

Vì vậy, bà Diệp Thảo đã đề nghị TAND tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ giả mạo sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Tháng 6/2019, TAND tỉnh Bình Dương quyết định tạm ngưng phiên họp xem xét vụ tranh quyền đại diện tại Trung Nguyên IC đề chờ xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an. Ngay sau khi có quyết định trên của tòa, phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có Đơn đề nghị khẩn cấp gửi Chánh án TAND tỉnh Bình Dương và Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương về việc kiến nghị chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để điều tra làm rõ dấu hiệu của tội giả mạo tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015.

Theo nội dung đơn do ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng, đại diện theo ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ký ngày 20/6/2019, vụ việc tranh chấp này đã kéo dài đến tháng thứ 35, tính phức tạp của vụ việc không cao, thế nhưng những dấu hiệu bất thường kể từ khi tiến hành các thủ tục tố tụng đã làm cho vấn đề pháp lý mấu chốt bị sai lệch, tài liệu chứng cứ giả mạo, xâm phạm hoạt động tư pháp, có dấu hiệu lợi ích nhóm, đặc biệt là hành vi có dấu hiệu tội phạm đang có dấu hiệu được bao che, dung túng.

Cụ thể, xuất phát từ việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ đơn phương tổ chức các cuộc họp HĐQT ngày 11/3/2016 và cuộc họp ĐHCĐ ngày 29/3/2016 để ban hành các quyết định về việc thay đổi các chức danh Chủ tịch HĐQT, TGĐ, người đại diện theo pháp luật của Trung Nguyên IC.

Từ đó, Sở KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần thứ 8 với việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.

Phía bà Thảo cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận trên là không đúng với quy định của pháp luật bởi đã căn cứ trên bộ hồ sơ không hợp lệ, giả mạo (theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an), từ đó làm phát sinh những diễn biến căng thẳng, phức tạp.

Nội dung đơn được gửi tới Chánh án TAND tỉnh Bình Dương và Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương.

Cũng theo bà Thảo, việc thuê lực lượng bảo vệ hùng hậu đến hơn 100 người trong đó có cả “xã hội đen” kèm theo hung khí vào để khống chế nhà máy của Trung Nguyên IC tại Bình Dương để đe dọa, xua đuổi các cán bộ quản lý ra khỏi nhà máy, không cho các công nhân vào làm việc diễn ra trong đêm 13/5/2016 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của công ty.

Mặt khác, Biên bản họp ĐHCĐ, Nghị quyết ĐHCĐ của Tập đoàn Trung Nguyên không ghi ngày, chỉ đề tháng 12/2011. Sau khi trưng cầu giám định, Viện Khoa học hình sự kết luận có chứng cứ giả mạo tại 5 điểm trong biên bản và Nghị quyết trên.

Việc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương trả lời đã xác định các tài liệu thu thập từ Phòng Đăng ký kinh doanh “không thuộc thành phần hồ sơ thay đổi vốn điều lệ”, không thuộc tài liệu lưu trữ chính thống. Do đó bà Thảo cho rằng có sự cấu kết làm giả tài liệu của tổ chức, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương đang có hành động thoái thác trách nhiệm.

“Với các căn cứ pháp lý và việc các tài liệu giả mạo được xác định theo các kết luận giám định thì Tòa phải chuyển tài liệu, chứng cứ có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự", người đại diện cho bà Thảo yêu cầu.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/mau-thuan-quyen-luc-dan-den-khoi-to-hinh-su-tai-tap-doan-trung-nguyen-dien-ra-nhu-the-nao-61798.html