Vụ 'mất tích' bí hiểm và cuộc tái xuất bên cạnh ông Putin của Thái tử Ả Rập

Sau hai tháng biến mất bí ẩn, Thái tử Mohammed Bin Salman bất ngờ xuất hiện ở lễ khai mạc World Cup 2018, đập tan mọi tin đồn của truyền thông nói rằng ông 'đã chết' vì đảo chính.

Thái tử Saudi Arabia ngồi cùng Tổng thống Putin trong ngày khai mạc World Cup 2018 trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.

Tin đồn từ việc vắng mặt bí hiểm

Thái tử Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia, người đàn ông 32 tuổi đầy quyền lực của vương quốc Ả Rập đã biến mất một cách bí ẩn trong suốt hai tháng, khiến truyền thông Trung Đông xôn xao đồn đoán rằng có thể ông “đã chết”.

Bin Salman không xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc gặp gỡ với gia đình hoàng gia Tây Ban Nha kể từ ngày 12/4. Đến ngày 21/4, nhiều người nghe thấy tiếng súng nổ ra ở cung điện hoàng gia Riyadh.

Mặc dù cơ quan thông tấn quốc gia Saudi Arabia tuyên bố tiếng súng là do lực lượng an ninh bắn hạ một chiếc máy bay không người lái đồ chơi xâm phạm gần cung điện, vẫn có những câu hỏi đặt ra rằng liệu đây có phải là một cuộc đảo chính do các hoàng thân Saudi lật đổ vua Salman hay không, theo Observer.

Trên thực tế, tin đồn này không phải là không có cơ sở khi Mohammed Bin Salman từ khi lên trở thành Thái tử vương triều đã có những bước đi động chạm đến nhiều thành viên Hoàng gia.

Trước đó, tờ Kayhan của Iran đưa tin rằng, Thái tử Bin Salman bị trúng hai viên đạn trong vụ tấn công và có thể đã qua đời. Tờ báo này trích dẫn “nguồn tin bí mật gửi cho quan chức của một quốc gia Ả Rập không được nhắc tên”.

"Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự vắng mặt gần 30 ngày của Muhammad bin Salman, Thái tử Saudi Arabia là một sự cố nào đó đang che giấu công chúng", tờ báo tuyên bố.

Để tạo thêm bằng chứng thuyết phục cho quan điểm của mình, tờ Kayhan chỉ ra rằng Bin Salman không xuất hiện khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Riyadh vào cuối tháng 4, trong khi cha của ông, quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và Ngoại trưởng Adel al –Jubeir vẫn có mặt.

Iran và Saudi Arabia là những đối thủ lâu năm ở Trung Đông luôn cạnh tranh để có ảnh hưởng thống trị trong khu vực.

Do đó, nhiều người tin rằng, bài báo của hãng tin tức Iran là nhằm mục đích hạ bệ uy tín của Riyadh.

Để bác bỏ tin đồn, hoàng gia Saudi đã phát hành một bức ảnh của Bin Salman tại một cuộc họp nội các vào cuối tháng 5 ở Jeddah và xác nhận rằng ông còn sống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về bức ảnh này có thể là ảnh cũ.

Sự mất tích kéo dài hàng tháng của Bin Salman trên truyền thông tương phản với chuyến công du cấp cao của ông ở Mỹ và châu Âu chỉ vài tuần trước đó, nơi vị thái tử trẻ của Saudi đã đề xuất các hợp đồng khổng lồ với các đối tác.

Nhưng khi trở về nhà, người thừa kế ngai vàng vương quốc Ả Rập phải đối mặt với căng thẳng và nguy hiểm ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Theo PressTV của Iran, em họ của Bin Salman, Bin Nayef, và Mutab Bin Abdullah, con trai của một vị vua quá cố, đều chống lại cuộc chiến can thiệp ở Yemen và hành động phong tỏa ngoại giao Qatar của vị thái tử trẻ.

Bức ảnh được hoàng gia Saudi công bố hồi cuối tháng 5.

Tiếp sau đó, một thành viên lưu vong của hoàng gia Saudi, Hoàng tử Khaled bin Farhan, nói với tờ Middle East Eye rằng, người chú của ông là Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz và Hoàng tử Muqrin bin Abdulaziz đang tiến hành một cuộc đảo chính chống lại vị vua hiện tại.

"99% c các thành viên của gia đình hoàng gia, các cơ quan an ninh và quân đội sẽ ủng hộ họ", người này nhấn mạnh.

Hoàng tử Khaled, người được trao quy chế tị nạn chính trị tại Đức vào năm 2013, cho biết ông đã nhận được một số lượng lớn email từ những nhân vật trong quân đội và cảnh sát ở Saudi Arabia bày tỏ sự ủng hộ đối với mình.

Vụ nổ súng bí ẩn

Trong vụ nổ súng bí ẩn vào tháng 4, Hoàng tử Khaled nói rằng “không nhất thiết là một nỗ lực ám sát Mohammed bin Salman mà là một hành động phản đối ông ta”.

Cuộc đảo chính mà Khaled tuyên bố rất có thể là một sự phản kháng chống lại chiến dịch chống tham nhũng của Thái tử Bin Salman vào tháng 11/2017, trong đó ông đã giam giữ hàng chục thành viên hoàng gia giàu có.

Salman, 32 tuổi đã trở thành người thừa kế ngai vàng thay người em họ của mình vào tháng 6/2017. Kể từ khi nắm quyền, Salman đã có những động thái gây nhiều tranh cãi để nâng tầm ảnh hưởng của vương quốc ở Trung Đông.

Với tư cách bộ trưởng quốc phòng, Salman giám sát việc triển khai lực lượng Ả Rập tới Yemen để chống lại phiến quân Houthi do Tehran hậu thuẫn. Salman cũng đẩy mạnh cuộc phong tỏa ngoại giao của nước láng giềng Qatar, mà ông cáo buộc tài trợ khủng bố.

Trong nước, Salman dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhắm vào 200 quan chức, doanh nhân và hoàng gia.

Salman cũng là nhân vật chủ chốt đằng sau sáng kiến Vision 2030 của Saudi Arabia nhằm mục đích chuyển dịch nền kinh tế Ả Rập khỏi sự phụ thuộc vào sản xuất dầu và từng bước phát triển đất nước thành một "xã hội sôi động" hiện đại.

Với sự xuất hiện hoàn toàn khỏe mạnh tại Moscow để dự khán trận đấu khai mạc giữa đội tuyển Saudi Arabia và Nga trong khuôn khổ World Cup 2018 cùng với Tổng thống Vladimir Putin, Thái tử Salman đã dập tắt những tin đồn thêu dệt bởi truyền thông và tiếp tục bắt tay vào những kế hoạch tham vọng của mình.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/thai-tu-saudi-arabia-duoc-tong-thong-putin-keo-ve-tu-coi-chet--a374099.html