Vụ máy bay Nga bị bắn hạ: Moscow 'trả đũa' Israel từ phía Syria?

Có hay không đòn trả đũa từ Moscow cho những liên quan gián tiếp của Israel tới việc máy bay Nga bị bắn hạ tại Syria?

Sự kiện máy bay Nga bị bắn rơi trong một cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu Iran có thể đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tự do hoạt động của không quân Israel tại Syria.

Chiếc máy bay Il-20 được cho là đã bị nhắm trúng bởi một tên lửa do chính Nga sản xuất và được các lực lượng thân Tổng thống Bashar al-Assad phóng đi. Toàn bộ 15 quân nhân Nga có mặt trên máy bay lúc đó đều bị thiệt mạng.

Moscow bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến Syria từ tháng 9/2015, và hình thành nên một liên minh cùng với Damascus và Tehran. Đối với Nga, Iran là một yếu tố quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Trong khi đó, Israe và Nga hiện đang thực thi một cơ chế phi xung đột tại Syria, nhằm giải thiểu tối đa bất kỳ khả năng “đụng độ” ngoài ý muốn nào giữa lực lượng hai bên. Từ đây, Israel “được phép” tự do tung hoành trên bầu trời Syria và không kích các mục tiêu có thể đe dọa tới quốc gia Do thái.

Một thông cáo phát đi từ Quân đội Israel (IDF) đã thừa nhận cuộc không kích hôm thứ Hai. Israel cho biết, họ nhằm vào một cơ sở quân sự Syria được cho là sản xuất và vận chuyển lậu các vũ khí giết người nhân danh Iran tới cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Chỉ vài giờ sau khi chiếc máy bay Nga bị mất tích, Moscow đã công khai chỉ trích Israel, gọi những gì xảy ra là “khiêu khích” và “hành động thù địch”. Phía Nga cáo buộc, Israel đã sử dụng chiếc Il-20 làm lá chắn khi tấn công thành phố Latakia, Syria.

“Những hành động vô trách nhiệm của quân đội Israel đã dẫn tới việc 15 quân nhân Nga bị thiệt mạng. Điều này không hề tuân theo tinh thần hợp tác giữa Nga và Israel. Chúng tôi có quyền đưa ra đáp trả tương xứng”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói.

Tổng thống Putin không muốn quan hệ với Israel bị xói mòn

Tuy nhiên, giữa những tuyên bố cứng rắn của cơ quan quốc phòng Nga, Tổng thống Vladimir Putin lại đưa ra những phát biểu có phần xoa dịu hơn

Ông Putin gọi vụ việc “như một chuỗi các tình huống bi kịch, bởi vì thực tế máy bay Israel không bắn rơi máy bay Nga”.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết, “các biện pháp trả đũa sẽ đi theo hướng tăng cường an ninh cho quân nhân và các cơ sở quân sự [của Nga] tại Syria”.

Margarete Klein, một chuyên gia về Nga tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức nhận định với hãng tin DW, nguyên nhân ông Putin muốn giải căng thẳng với Israel tại Syria bởi vì “ông muốn giữ nguyên vị thế độc tôn của Nga là có thể đối thoại được với gần như tất cả các bên chính trị tại khu vực – với Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, với Israel và Iran…” Theo bà, ông Putin sẽ không để quan hệ với Israel bị xói mòn bởi hai nước đều có một mối quan tâm chung, đó là kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực.

“Một mặt ông Putin gia tăng hợp tác quân sự giữa Nga và Iran trên chiến trường Syria, mặt khác, ông cũng tìm cách để giảm bớt ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Iran”, bà Klein nói. “Đó là lý do tại sao cho tới thời điểm này, Nga vẫn không chỉ trích hoặc ngăn cản các cuộc không kích mở rộng của Israel vào các mục tiêu thân Iran”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin

“Máy bay Nga ở sai vị trí và vào sai thời điểm”

Tuy nhiên, một trong những câu hỏi lớn nhất vẫn được đặt ra là, Israel sẽ được bật đèn xanh tới mức nào trong nỗ lực phá hủy các mục tiêu quân sự của Iran tại Syria; bởi vì luôn có nguy cơ cao là một cơ sở quân sự nào đó của Nga sẽ bị “trúng đạn” ngoài ý muốn. Theo Yossi Mekelberg, một chuyên gia về Israel và là giáo sư tại Đại học Regent, Anh, nếu xảy ra, điều đó sẽ vượt qua ranh giới mà Nga có thể chấp nhận được. “Nếu quân lính Nga bị người Israel tấn công, Moscow sẽ không bao giờ bỏ qua điều đó,” ông nói với DW. “Mặc dù Nga và Israel có lợi ích chung trong việc kiềm chế Iran, người Nga sẽ không bao giờ chấp nhận cái giá là mạng sống binh lính của họ”. Đầu tháng này, quân đội Israel từng công bố rằng, trong vòng 18 tháng qua, họ đã tiến hành khoảng 200 cuộc không kích tại Syria.

Một trong những đòn đáp trả của Nga có thể là cung cấp thêm hệ thống phòng thủ trên không tối tân cho quân đội Syria. Tuy nhiên, ông Mekelberg cảnh báo, “động thái này khiến Israel không hài lòng, và có thể dẫn tới leo thang căng thẳng – kết quả mà Moscow không mong muốn”.

Giáo sư đến từ Anh chỉ ra, Israel và Nga sẽ phải giải quyết vụ việc một cách êm dịu nhất có thể và cố gắng hết sức để nó không lặp lại. “Lỗi lầm có thể xảy ra. Tôi nghĩ hai nước sẽ học được bài học… Máy bay Nga đã ở sai vị trí, vào sai thời điểm. Và họ đã phải trả một giá quá đắt”.

Tái khởi động kế hoạch cung cấp S-300 cho Syria?

Hầu hết hệ thống phòng thủ trên không của Syria đều là các thiết bị sản xuất dưới thời Liên Xô, với các tên lửa như SA-2, SA-5, SA6, cũng như một số tên lửa đất đối không chiến thuật hiện đại hơn như SA-17 và SA-22. Vũ khí tối tân nhất mà Moscow trang bị cho Syria hiện tại là tên lửa tầm ngắn Pantsir S-1, dùng để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa.

Cùng lúc, Moscow từng nhắc tới việc cung cấp hệ thống phòng thủ trên không hiện đại S-300 cho Syria. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị chính Tổng thống Putin “dập tắt” hồi tháng Năm vừa rồi, sau những cuộc thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Mặc dù vậy, với một hệ thống thiếu chính xác, góp phần dẫn tới việc máy bay Il-20 bị bắn hạ vừa rồi, giới chuyên gia nhận định, rất có khả năng kế hoạch S-300 sẽ lại một lần nữa được đưa ra với Damascus.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/vu-may-bay-nga-bi-ban-ha-moscow-tra-dua-israel-tu-phia-syria-364586.html