Vụ máy bay rơi thảm khốc: Đã từng có 1 người duy nhất sống sót nhờ học kĩ năng từ trẻ sơ sinh

Các vụ tai nạn máy bay luôn diễn ra thảm khốc, nhưng có nhiều trường hợp may mắn thoát chết một cách thần kỳ.

Ngày hôm qua (21/3), chuyến bay mang số hiệu MU5735 của hãng China Eastern đã gặp nạn sau hơn một giờ cất cánh từ Côn Minh để đi Quảng Châu.

Sáng nay, Hãng hàng không Trung Quốc đã xác nhận có nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay chở 132 người.

"Công ty gửi lời chia buồn sâu sắc tới các hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay", hãng hàng không China Eastern cho biết trong một tuyên bố phát đi hôm 21/3.

Theo hãng tin Straits Times, nhiều người bị cho là đã thiệt mạng trong thảm kịch hàng không dân dụng nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc trong những năm gần đây.

"Một chiếc Boeing 737 của China Eastern Airlines đã mất liên lạc trong chuyến bay Côn Minh - Quảng Châu. Máy bay được xác nhận là đã gặp nạn", Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết trong một tuyên bố ngắn vào chiều 21/3.

Máy bay Boeing 737 của hãng hàng không China Eastern chở 132 người đã rơi ở thành phố Ngô Châu, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, máy bay chở 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.

Dù máy bay là phương tiện di chuyển an toàn nhất so với các phương tiện khác, hằng năm vẫn có không ít vụ tai nạn máy bay xảy ra khiến hầu hết các hành khách thiệt mạng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp may mắn thoát lưỡi hái tử thần kỳ diệu đến khó tin.

6 người sống sót hi hữu trong vụ máy bay rơi thảm khốc ở Colombia năm 2016

Chiếc máy bay đã gãy đôi, mảnh vỡ được phát hiện tại vùng rừng núi hiểm trở ở Medellin.

Vào 22h15 ngày 28/11/2016, một phi cơ bay từ Santa Cruz, Bolivia, đến Medellin, Colombia đã bất ngờ gặp tai nạn, khiến 71 người thiệt mạng và chỉ có 6 người may mắn sống sót. Đáng chú ý, trên máy bay lúc bấy giờ có sự xuất hiện của toàn bộ thành viên đội bóng Brazil Chapecoense và hơn 20 phóng viên, nhà báo.

Một nguồn tin tiết lộ, phi công của máy bay BAe 146 Miquel Quiroga, người Paraguay đã có hành động nhanh trí và anh hùng giúp tránh được một vụ nổ phi cơ thảm khốc có thể dẫn đến thảm kịch lớn hơn bằng cách xả hết nhiên liệu chỉ vài giây trước khi máy bay rơi xuống và vỡ tan tành trong một vùng núi Colombia tối 28/11.

Nếu thông tin này là đúng, hành động của phi công Quiroga đã cứu được 6 mạng người bằng việc ngăn chặn một vụ nổ máy bay.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác được cho là đã giúp 6 người trên máy bay sống sót trong thảm kịch đó là vị trí ngồi của họ trên máy bay. Nghiên cứu tất cả các vụ tai nạn máy bay kể từ năm 1971, tạp chí Popular Mechanics đã phát hiện ra rằng, các vị trí ngồi ở ghế sau của phi cơ có cơ hội sống sót cao hơn 40% so với các hành khách ngồi ở ghế trước.

Ed Galea, một giáo sư nghiên cứu về an toàn cháy nổ làm việc tại ĐH Greenwich, London (Anh) cũng cho rằng, vị trí ngồi trên máy bay có thể giúp hành khách thoát thân an toàn sau khi phi cơ gặp nạn. Ông Galea, người đã nghiên cứu và phân tích hơn 100 vụ tai nạn máy bay và phỏng vấn 1.900 người sống sót khẳng định, chỗ ngồi gần phía sau máy bay máy bay và lối đi nhìn chung an toàn hơn những vị trí khác.

Những người ngồi ở 5 hàng ghế tính từ lối ra vào máy bay có nhiều khả năng sống sót hơn. Theo đó, ông cho rằng, khi lên máy bay hành khách nên thực hành cách mở dây an toàn và đếm xem họ ngồi cách lối ra vào bao nhiêu hàng ghế. Bằng cách này, trong trường hợp cabin máy bay đầy khói, hành khách có thể dựa vào trực giác để tìm đến lối ra.

"Đó là điều kỳ diệu khi có người sống sót trong một vụ tai nạn máy bay. Chiếc phi cơ gặp trục trặc gì, mọi chuyện xảy ra vào thời điểm nào là những yếu tố quyết định đến hậu quả của sự việc", ông Alex Macheras, chuyên gia phân tích hàng không nhấn mạnh.

Erwin Tumiri - một thành viên phi hành đoàn sống sót sau chuyến bay tử thần đã tả lại những khoảnh khắc cuối cùng đầy kịch tính trước khi máy bay lao xuống.

Erwin cho biết tất cả các hành khách trên khoang vô cùng sợ hãi, rời khỏi ghế và la hét hoảng loạn khi CP-2933 bắt đầu lao xuống sườn núi.

Erwin nói rằng anh sống sót qua thảm họa này vì tuân theo quy trình an toàn. "Tôi đặt những chiếc balo giữa hai chân mình rồi sau đó ngồi xuống bó gối theo tư thế giống như những bào thai khi đang ở trong bụng mẹ, đầu cúi gập xuống. Trong khi đó, nhiều người đứng lên khỏi ghế. Không ai để ý các hướng dẫn an toàn", Erwin kể lại.

Một người may mắn sống sót khác, nữ tiếp viên hàng không Ximena Suarez, cho biết khi máy bay lao xuống, điện vụt tắt. "Tôi không nhớ gì nữa cả", Ximena nói.

Máy bay nổ tung trên trời, bé gái 9 tuổi sống sót

Một máy bay dân sự của hãng hàng không Intercontinental Airlines.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Intercontinental Airlines chở 52 hành khách và phi hành đoàn phát nổ giữa không trung khi phi công đang tìm cách hạ cánh khẩn cấp ngày 13/1/1995. Nó rơi xuống một đầm nước ở Maria La Baja, Colombia.

Một nông dân cho biết, ông nghe thấy tiếng kêu cứu và phát hiện bé gái Erika Delgado, 9 tuổi, nằm trên một mô đất đầy rong rêu. Đây cũng là hành khách duy nhất sống sót trong chuyến bay. Cô bé cho hay, bố mẹ đã đẩy em ra khỏi máy bay trước khi nó phát nổ và bốc cháy.

Erika còn nhớ rõ, một vài người tới khu vực xảy ra tai nạn nhưng thay vì giúp đỡ, họ đã ăn cắp sợi dây chuyền vàng, di vật của cha cô, và lấy hết đồ giá trị từ các nạn nhân khác.

Văng ra khỏi máy bay thoát chết

Máy bay Lockheed Electra 188 rơi ngày 21/1/1985.

George Lamson, 17 tuổi, ngồi cùng cha ở hàng ghế đầu, ngay sau buồng lái trên chiếc máy bay Lockheed Electra 188 ngày 21/1/1985. Chiếc máy bay chở 71 hành khách và phi hành đoàn bất ngờ rung lắc rồi hạ thấp bên phải. Khi máy bay chạm đất, lực va chạm đã đẩy bật chiếc ghế của cậu ra khỏi máy bay và văng trên đường cao tốc. Lamson nhanh chóng cởi dây an toàn và chạy về phía cánh đồng khi chiếc máy bay phát nổ.

Ban đầu, 3 người sống sót sau vụ tai nạn, bao gồm cả cha của Lamson. Tuy nhiên, hai người đã tử vong vài ngày sau đó do vết bỏng quá nặng và nhiều chấn thương nghiêm trọng. Các nhà điều tra xác định, nguyên nhân tai nạn là do cơ trưởng mất kiểm soát máy bay và cơ phó không theo dõi đường bay cũng như tốc độ bay.

Máy bay lao vào sườn đồi, bé 3 tuổi sống sót

Bé Mohammed điều trị tại bệnh viện.

Ngày 8/7/2003, chỉ 10 phút sau khi cất cánh tại cảng Sudan, vùng bờ biển đông bắc thủ đô Khartoum, phi công lái máy bay Boeing 737 gọi báo đài không lưu sẽ quay lại phi trường do động cơ có vấn đề.

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, chiếc máy bay lao vào một sườn đồi khi đang hạ cánh khẩn cấp. 115 người thiệt mạng trong thảm họa. Bé Mohammed el-Fateh Osman, 3 tuổi, là người duy nhất sống sót. Mohammed bị mất một phần chân và bỏng nặng. Nhà chức trách nước này quyết định chôn thi thể các nạn nhân trong một ngôi mộ tập thể do việc vận chuyển thi hài tới người thân rất khó khăn.

Bộ tứ may mắn ở Nhật Bản

Ngày 12/8/1985, tại Nhật Bản xảy ra vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Máy bay Boeing-747SR cất cánh từ Tokyo đến Osaka, mang theo 524 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Bỗng nhiên, một bộ phận ở phần đuôi bị bật và văng ra khỏi máy bay, khiến áp suất trong cabin giảm xuống đột ngột. Tất cả các hệ thống thủy lực trên máy bay hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Kết quả, máy bay bị rơi gần núi Takamagahara, cách Tokyo khoảng 100 km. Lực lượng cứu hộ chỉ đến được vào sáng hôm sau.

Trong số 524 hành khách, lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy 4 người sống sót. Đó là tiếp viên hàng không Yumi Ochiai (24 tuổi), hành khách Hiroko Yoshizaki (34 tuổi) cùng con gái Mikiko (8 tuổi) và Keiko Kawakami (12 tuổi).

Ba người đầu tiên được tìm thấy trên mặt đất, còn Keiko được phát hiện trên cành cây. Tất cả họ đều ngồi ở khoang cuối trong suốt chuyến bay. 4 người mắn sống sót này sau đó được biệt danh là "Bộ tứ may mắn" ở Nhật Bản.

Mời độc giả theo dõi video trên giadinh.net.vn

CLB Hà Nội nối lại đàm phán với tiền vệ Quang Hải

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vu-may-bay-roi-tham-khoc-da-tung-co-1-nguoi-duy-nhat-song-sot-nho-hoc-ki-nang-tu-tre-so-sinh-17222032209515958.htm