Vụ mẹ ném con ở Linh Đàm đã đúng với tội Giết hoặc vứt con mới đẻ?

Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án mẹ ném con ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội) về tội Giết hoặc vứt con mới đẻ, nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc kinh hoàng này không thể áp vào các điều kiện của tội danh trên.

Ngày 23/10 cơ quan điều tra quận Hoàng Mai ra quyết định khởi tố vụ án về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 Bộ Luật Hình sự để điều tra vụ nữ sinh ném con mới sinh từ tầng 31 một tòa nhà thuộc chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai).

Tội Giết hoặc vứt con mới đẻ theo quy định của điều 124 BLHS, có mức phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Hiện trường bé sơ sinh bị ném xuống ở chung cư Linh Đàm.

Dư luận cho rằng, với kết quả pháp y, bé sơ sinh tử vong do chấn thương sọ não, có phản ứng sống trước khi chết, điều đó cho thấy Đinh Thị V. A - mẹ của bé - chính là người khiến bé tử vong khi nhẫn tâm ném con từ tầng 31 xuống đất. Do đó, việc khởi tố vụ án Giết hoặc vứt con mới đẻ là không phù hợp”.

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) nêu quan điểm: “Kết quả pháp y đã phủ nhận lời khai của nghi phạm về việc cô này nhận thức đứa bé chết khi sinh ra nên mới vứt đi. Do đó, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án về tội giết người hoặc tội giết, vứt con mới đẻ.

Hiện nay, cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội giết hoặc vứt con mới đẻ, dựa trên yếu tố thứ 2: “Người mẹ trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi”. Bởi yếu tố thứ nhất “Người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu” bị loại bỏ vì Đinh Thị V. A sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tri thức, nữ sinh này lại đang học tập tại Thủ đô.

Tuy nhiên, theo kết quả thông tin ban đầu, cô gái này đến nhà bạn trai chơi, khi đẻ con ra trong nhà vệ sinh thì muốn giấu giếm việc sinh nở đó với bạn trai nên có hành vi như vậy. Vậy hoàn cảnh này có phải hoàn cảnh khách quan đặc biệt không?

Khách quan là yếu tố ban ngoài tác động đến, tác động một cách bình thường hay một cách đặc biệt.

Cơ quan điều tra đang khởi tố vụ án về tội Giết hoặc vứt con mới đẻ khiến dư luận tranh cãi.

Cơ quan điều tra đang cho rằng đó là hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào khách quan đặc biệt. Nhưng tư duy của các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu luật cho rằng: hoàn cảnh khách quan đặc biệt phải là yếu tố bên ngoài tác động đến ý chí của chủ thế hành vi phạm tội.

Yếu tố tác động này không phải là các yếu tố đơn thuần mà phải là yếu tố có ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Chứ không phải là một sự giấu giếm, ích kỷ, tàn nhẫn như trường hợp của nữ sinh Đinh Thị V. A.

Đinh Thị V. A không muốn con ruột của mình được sống, đang tâm giết chết con mình một cách tàn nhẫn chỉ vì muốn giấu giếm bạn trai mới yêu 1 tuần. Hoàn cảnh của nữ sinh này không có gì đặc biệt đến mức từ bỏ cả tính mạng, cuộc sống của con mình. Để lựa chọn giữa tình yêu và sự sống của đứa con dứt ruột đẻ ra thì những người mẹ bình thường sẽ không có sự đánh đổi như Đinh Thị V. A.

Thêm nữa, Đinh Thị V. A cũng không phải là người tôn trọng tình yêu bởi trong vòng 8 tháng, nữ sinh này yêu tới 3 người. Do đó, cũng không thể nói rằng, nữ sinh này vì tình yêu mà bắt buộc phải giết con.

Như vậy, cho rằng, hoàn cảnh khiến V. A giết con mình là hoàn cảnh khách quan đặc biệt là chưa đủ cơ sở vững chắc. Bởi vậy, quan điểm này của cơ quan điều tra chắc chắn sẽ khiến dư luận gây tranh cãi.

Trước đó, luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Vụ việc này rất khó có thể áp dụng tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124, BLHS 2015 đối với đối tượng V.A. Thay vào đó, người mẹ này có thể phải đối mặt với tội danh Giết người theo quy định tại Điều 123, BLHS.

Các luật sư đều cho biết, việc khởi tố vụ án chỉ là bước đầu của vụ án. Tòa án sẽ quyết định tội danh và mức hình phạt.

Cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội Giết hoặc vứt con mới đẻ trong trường hợp này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật còn có tính nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa. Do vậy, cơ quan điều tra cũng nên thận trọng trong việc đánh giá ý thức chủ quan, yếu tố tác động lên ý chí của đối tượng này khi thực hiện hành vi. Phải làm rõ, đánh giá khách quan và toàn diện trên cơ sở tình tiết, chứng cứ về hoàn cảnh của nữ sinh này để xác định đúng: hoàn cảnh phạm tội có phải là hoàn cảnh đặc biệt hay không?

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/vu-me-nem-con-o-linh-dam-da-dung-voi-toi-giet-hoac-vut-con-moi-de-d14762.html