Vụ mẹ nghi giết con do trầm cảm sau sinh: Xin hãy ngừng nguyền rủa!

Những ngày này, câu chuyện đau lòng về bé trai 35 ngày tuổi nghi bị chính mẹ đẻ dìm chết đã khiến dư luận bàng hoàng.

Đau xót thương cảm cho cháu bé tội nghiệp bị cướp đi quyền sống một cách oan ức.

Căm phẫn người mẹ đã nhẫn tâm sát hại con mình. Thậm chí, trên mạng xã hội có những người dường như hả hê khi sự phỏng đoán của mình về hung thủ vụ án quá đau lòng này chính xác!

Tôi thực sự thấy rùng mình! Không phải vì câu chuyện quá kinh hoàng mà vì đã trót đọc quá nhiều lời nguyền rủa.

Tôi là mẹ của 2 đứa trẻ và cũng mới chỉ vượt qua những tháng ngày trầm cảm sau sinh được hơn 1 năm nên tôi hiểu cảm giác kinh khủng của những tháng ngày mà niềm hạnh phúc làm mẹ luôn phải gồng lên để gánh cho những bất ổn tâm lý lúc nào cũng trực chờ bùng nổ ấy.

Chưa 'hoàn hồn' sau những đau đớn về thể xác trong cơn vượt cửa tử không dễ dàng, người mẹ ngay lập tức bắt đầu phải đối diện với hàng loạt những áp lực: Sữa về hay chưa về? Con khóc mà không biết cách nào dỗ?... Kiêng cữ và bị tách biệt với thế giới bên ngoài.

Cảm giác cô độc, áp lực, sợ hãi thường trực với những người mẹ trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa. Nguồn IT)

Đó là chưa kể, với một số gia đình mang nặng tư tưởng bảo thủ phong kiến, những người phụ nữ vừa sinh còn bị coi là 'đen đủi bà đẻ', phải tách chồng, kiêng tránh thăm hỏi.

Mặc nhiên, trong tình trạng yếu ớt nhất cả về thể xác và tâm hồn, người vợ bị tách khỏi nơi bấu víu tinh thần lớn nhất là người chồng, một mình đối diện với các bà mẹ, bà cô, bà thím với rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm khác nhau, đôi khi mang nặng tính áp đặt, trong việc chăm sóc chính con đẻ của mình.

Rồi ai cũng chỉ thấy chúng tôi cáu bẳn, buồn rầu, dễ giận, dễ khóc vì những thứ chẳng đâu vào đâu.

Nhưng nếu không trải qua những tháng ngày hậu sản, chắc ít người có thể hiểu cảm giác cô độc, mệt mỏi, lo sợ, tủi thân và cả nỗi sợ hãi chính bản thân của những bà mẹ sau sinh.

Khi tôi sinh bé thứ 2, con yếu hơn nên việc chăm bẵm cũng phải cẩn thận hơn.

Mệt mỏi, lo âu, áp lực khiến tôi vô thức dồn hết lên đứa thứ nhất.

Tôi quát mắng, đay nghiến con mỗi khi nó vô tình làm sai, thậm chí là cả khi nó chẳng hề sai.

Nhiều khi sau cơn 'lên đồng' không kiểm soát, tôi lại bật khóc nức nở khi thấy không biết tự lúc nào, mình đã bấu, véo con đến bật máu, đã chì chiết con chẳng vì lý do gì hoặc chỉ với cái lỗi nhỏ như móng tay.

Nhìn cánh tay non nớt 3 tuổi của con rớm máu, tôi ngập tràn trong đớn đau và ân hận.

Cảm giác kinh khủng hơn bất cứ thứ cảm giác nào đã trải qua trong đời.

Bạn cũng đừng bất ngờ nếu biết rằng cũng có đôi lần tôi nghĩ quẩn.

Dù tôi sinh con thuận lợi, nuôi con vất vả nhưng vẫn có mẹ đỡ đần. Chồng tuy không bên cạnh thường xuyên nhưng cũng hết mực yêu thương vợ.

Nghĩa là, tôi là một bà mẹ trầm cảm sau sinh cực kỳ may mắn!

Sự quan tâm chia sẻ của người thân là hỗ trợ đắc lực nhất giúp các bà mẹ vượt qua trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa. Nguồn IT)

Nên tôi không bất ngờ, khi người mẹ trẻ kia có thực sự bị trầm cảm sau sinh và đã vô thức sát hại con đẻ của mình.

Với cá nhân tôi, người mẹ đó không có được may mắn như tôi hoặc nhiều người phụ nữ sau sinh khác vì những lý do nào đó.

Đã có nhiều nghiên cứu về trầm cảm sau sinh ở phụ nữ ở cả quy mô lớn và nhỏ. Không phải không có những cảnh báo được đưa ra cách đây rất nhiều năm.

Trong một nghiên cứu của BV Hùng Vương năm 2001, đã có gần 41% sản phụ sinh tại bệnh viện này có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.

Trong đó, không ít bà mẹ thường trực ý nghĩ tự sát hoặc hại con mình.Tôi nghĩ, thực tế có lẽ còn nhiều hơn vì rất nhiều bà mẹ thậm chí còn không biết mình 'có vấn đề'.

Tất cả đều 'cố gắng chịu đựng' để vượt qua chứng trầm cảm đó. Có người thành công, nhưng tôi chắc cũng không ít người thất bại.

Tôi nhớ, cách đây không lâu, khi nói chuyện về trầm cảm sau sinh với vài người bạn, khi đó đã là các ông chồng và ông bố, nhiều người trong số họ đã cười.

Họ cho rằng, chúng tôi nghiêm trọng hóa vấn đề, hoặc rảnh rỗi nghĩ linh tinh… Hoặc giả, nếu có thừa nhận sự tồn tại của trầm cảm sau sinh, thì 'đó cũng chỉ là tâm lý buồn rầu, cáu giận lúc vất vả'.

Xin thưa, tôi đã từng thấy 1 người bạn của mình phải đi cấp cứu và điều trị dài ngày vì cơ thể tự nhiên chối bỏ tiếp nhận thức ăn do trầm cảm.

Tôi cũng từng phải nhắn tin, trò chuyện điện thoại cả đêm với bạn mình vì nếu tôi rời máy, cô ấy có thể sẵn sàng cứa dao vào tay mình…

Vậy nên, trong câu chuyện quá đau lòng này, không chỉ xót xa cho em bé mà tôi thực sự thấy thương cho cả người mẹ trẻ.

Tôi nghĩ, chưa cần đến phán quyết của luật pháp, những dằn vặt cũng đã đủ cắn xé người mẹ ấy cho đến hết đời rồi.

Câu chuyện đớn đau này, dẫu do gì, vì gì cũng nên khép lại... Để giảm đi một chút nỗi đau cho những người đang sống.

Chỉ mong rằng, chúng ta hãy cố gắng mở lòng cảm nhận, lắng nghe và giúp đỡ những bà mẹ sau sinh, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và cũng là quan trọng nhất trong cuộc đời. Để chúng ta và chính những bà mẹ đó sẽ không phải bàng hoàng thêm lần nào nữa…

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Theo Huệ Tâm (Hà Nội)/Danviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/24/vu-me-nghi-giet-con-do-tram-cam-sau-sinh-xin-hay-ngung-nguyen-rua.html