Vụ nạo vét cát tại Bình Định: Trình, cấp giấy phép trong ngày

Theo luật sư, các chuyên gia, việc khai thác khoáng sản cần có giấy phép, hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định, không tạo 'tiền lệ', 'vùng cấm.'

Trình, cấp giấy phép trong ngày

Liên quan đến loạt bài phản ánh trên Người Đưa Tin về việc ồ ạt chở cát đêm ngày, tuồn cát ra ngoài tỉnh và chưa giấy phép xây dựng, tại dự án nạo vét cát Đập dâng Phú Phong (TT Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (TT Phú Phong), Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho hay, UBND tỉnh Bình Định vừa ký Giấy phép 75/GP-UBND khai thác hoáng sản cho dự án này.

Theo đó, Quyết định do ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 26/4/2024, cho phép Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc được hai thác, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường (trúng đấu giá) trong quá trình thực hiện dự án nạo vét sông Kôn đoạn từ đập dâng Phú Phong đến khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong, xã Tây Phú (Tây Sơn).

Mặc dù chưa có phép, nhưng những đoàn xe ben hạng nặng vẫn ồ ạt nối đuôi nhau vận chuyển cát ra khỏi dự án nạo vét cát khu vực Đập dâng Phú Phong của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc gây ách tắc giao thông.

Diện tích khai thác gần 54 ha, tại 6 khu vực khai thác, với tổng trữ lượng hơn 431.000m3 cát xây dựng ở thể nguyên khai. Ngay tại các quy định Giấy phép khai thác khoáng sản số 75 này, UBND tỉnh Bình Định nêu rõ, mục đích khai thác, chỉ được “phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó, ưu tiên cung cấp vật liệu cho các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh và các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn Tây Sơn, không được xuất bán, vận chuyển cát ra khỏi tỉnh".

Việc ký giấy phép cũng diễn ra với quy trình "siêu nhanh", cụ thể, ngày 26/4/2024, Sở TN&MT tỉnh có Tờ trình số 478/TTr-STNMT trình UBND tỉnh về việc cấp giấy phép. Ngay trong ngày, UBND tỉnh này đã ký Giấy phép khoáng sản số 75. Trong khi, với những loại giấy phép đặc thù như khai thác khoáng sản rất cần thời gian để rà soát, đánh giá.

Ngoài ra, Giấy phép khoáng sản số 75 quy định rõ: công suất khai thác hơn 431.000m3 cát nguyên khai trên trong vòng 3 tháng và thời gian khai thác theo hiệu lực của ngày ký giấy phép này (26/4/2024). Tuy nhiên, ghi nhận của PV, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản tại dự án nạo vét cát khu vực đập dâng Phú Phong được Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc “cầm đèn chạy trước ô tô” ồ ạt khai thác cát gần cả tháng trước đó. Thậm chí, hoạt động này diễn ra từ rạng sáng (trước 7 giờ) và tối muộn (sau 5 giờ), tuồn cả lượng cát lớn, chở về TX An Khê (Gia Lai), bất chấp quy định của hoạt động khai thác khoáng sản.

Cát từ dự án nạo vét Đập dâng Phú Phong chưa được cấp phép khai thác vô tư vận chuyển vượt đèo An Khê về phía Gia Lai

Trao đổi với vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn cho biết, cuối năm 2023, UBND huyện này ban hành quyết định về phương án đáu giá khối lượng cát xây dựng nằm trong lòng sông thuộc phạm vi dự án nạo vét cát sông Kôn. Đến tháng 2/2024, UBND huyện Tây Sơn ban hành Quyết định 652 về công nhận kết quả trúng giá cho Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc về triển khai dự án trên với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Tại Quyết định 625 do Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng ký này, nêu rõ: đơn vị trúng đấu giá (Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc) chỉ được thực hiện di dời tài sản trúng đấu giá (cát lòng sông Kôn) sau khi nhận bàn giao tài sản trúng đấu giá và được UBND tỉnh cấp phép (ngày 26/4/2024 mới có Giấy phép khai thác khoáng sản) đến hết ngày 30/6/2024.

Đến ngày 4/4, huyện này thành lập Tổ giám sát việc khai thác cát trên, do ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, cùng liên ngành chức năng huyện để đảm bảo hoạt động triển khai dự án nạo vét cát trên đúng quy định pháp luật.

Mới đây, ngày 24/4, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng tiếp tục họp bàn các giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoạt động thu hồi khối lượng cát tại khu vực trúng đấu giá trên. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc chỉ được thực hiện thu hồi (khai thác) cát khi “có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về cấp phép hoạt động theo quy định”.

Các đoàn xe chở cát từ dự án nạo vét Đập dâng Phú Phong của Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc được tập kết tại bãi vật liệu xây dựng Hiệp Anh Xuân, TX An Khê, tỉnh Gia Lai

Hàng loạt quy định, giải pháp từ lập cả Tổ giám sát đến kiểm tra, họp bàn của huyện Tây Sơn, nhưng điều lạ Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc vẫn ngang nhiên thu hồi, vận chuyển cát trái quy định và chưa bị xử lý, ngăn chặn.

Luật sư cho rằng đủ yếu tố có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Sở TN&MT, đơn vị đang đôn đốc địa phương để có thông tin phản hồi vấn đề trên cho Người Đưa Tin. Đồng thời báo cáo kết quả thực hiện lên UBND tỉnh trước ngày 10/5 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Lê Minh Hương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP HCM cho hay, thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Với vụ việc thu hồi cát dự án nạo vét trên, rất cần các cơ quan chức năng, điều tra của tỉnh, huyện vào cuộc để làm rõ, có kết luận cuối cùng.

Căn cứ theo các thông tin phản ánh, việc khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép khai thác là vi phạm quy định Luật khoáng sản hiện hành. Theo đó, khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010, khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm già, các hoạt động khác có liên quan. Khi đó, việc khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Với quy định này, việc trúng đấu giá chỉ là một bước trong các quy trình thủ tục được phép khai thác khoáng sản theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Khi chưa có giấy phép khai thác mà đã triển khai là hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

“Chính vì khoáng sản là tài nguyên quan trọng, việc khai thác khoáng sản có ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống cộng đồng, an ninh kinh tế, xã hội nơi có khoáng sản nên Nhà nước cần quản lý nghiêm và các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện khai thác khoáng sản cần tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn trong khai thác; bảo vệ môi trường trong và sau khi khai thác; khai thác nhằm định hướng bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên được khai thác; phát triển kinh tế địa phương nơi có khoáng sản được phép khai thác”, Luật sư Hương phân tích.

Cũng theo Luật sư Hương, hành vi khai thác khoáng sản (trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) không có Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP với mức xử phạt đối với cá nhân lên đến 200.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (mức xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần đối với cá nhân). Đồng thời, người vi phạm còn tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên.

Trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự, người có hành vi vi phạm có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với cá nhân. Trường hợp pháp nhân phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Hành vi sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép là hành vi trái quy định pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 52 Nghị định 36/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Trần Sơn Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-nao-vet-cat-tai-binh-dinh-trinh-cap-giay-phep-trong-ngay-a661844.html