Vụ Navalny: EU có gì để trừng phạt Nga?

EU dọa trừng phạt Nga sau khi Đức kết luận ông Navalny bị đầu độc, nhưng theo chuyên gia, phương tiện để EU gây áp lực lên Nga rất ít.

EU dọa áp đặt chế tài mới lên Nga

Ngày 3/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã lên án “cuộc tấn công” nhằm vào nhà lãnh đạo đối lập Nga Navalny, hối thúc Moskva tiến hành một cuộc điều tra “toàn diện và minh bạch”.

Trong một thông báo công bố cuối ngày 3/9, thay mặt cho 27 nước thành viêu EU, đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell kêu gọi Moscow làm việc với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để "đảm bảo một cuộc điều tra quốc tế công bằng" nhằm xác định những người có trách nhiệm liên quan tới việc ông Navalny bị đầu độc.

Cũng theo ông Borrell, EU khả năng cao sẽ áp đặt chế tài mới lên Moskva vì sự việc này nhưng chưa ngay tức thì để có thời gian tìm ra thủ phạm.

Cùng ngày, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Peter Stano cho biết EU sẽ phản ứng căn cứ trên những bước kế tiếp của Moscow.

Trước đó, chính phủ Đức ngày 2/9 thông báo họ có kết luận rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất Novichok, loại chất độc hóa học mà Anh từng cáo buộc được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này tại thành phố Salisbury (Anh).

Hãng tin Reuters cũng dẫn thông tin từ bệnh viện đang điều trị cho ông Navalny tại Đức cho biết ông này vẫn đang phải thở máy trong phòng điều trị tích cực và dự kiến còn phải điều trị lâu dài nữa. Bệnh viện nói không loại trừ khả năng ông Alexei Navalny sẽ bị di chứng tổn thương kéo dài.

Chính phủ Đức ngày 2/9 thông báo họ có kết luận rằng ông Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất Novichok.

Chính phủ Đức ngày 2/9 thông báo họ có kết luận rằng ông Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất Novichok.

Theo kênh DW, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu chính phủ Nga giải thích, nhưng Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc ông Navalny bị đầu độc và nói rằng họ muốn kiểm tra kết quả phòng thí nghiệm.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas thông báo rằng Đức sẽ trao đổi với các đối tác về "câu trả lời thích hợp" có thể là gì trong vài ngày tới.

Một phản ứng "thích hợp" là gì?

Viết trên tạp chí Zeit (Đức), nhà khoa học chính trị Klaus Segbers cho hay, với việc Nga kiểm soát một phần lãnh thổ Georgia và Ukraine, bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines cùng nhiều cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia đối lập, Moskva cho thấy họ không quan tâm tới việc giao tiếp với phương Tây.

Ở chiều ngược lại, ông Helmut Scholz – nghị sĩ người Đức của Nghị viện châu Âu không đồng ý với nhận định của ông Segbers. Ông Scholz lập luận rằng việc tăng cường quan hệ với Nga là điều quan trọng.

“Tôi không nghĩ rằng căng thẳng và đối đầu hơn sẽ giúp ích cho quan hệ song phương”, ông nói.

Ông Scholz kêu gọi hợp tác với Nga, nhưng nói thêm rằng cơ quan mật vụ của Nga và EU nên hợp tác nhiều hơn nữa.

Ông Segbers và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức – ông Norbert Rottgen đã kêu gọi trừng phạt Nga và chấm dứt dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 vốn đã hoàn thành 90% và dẫn khí gas trực tiếp từ Nga sang Đức.

Trả lời DW, ông Alexander Graf Lambsdorff thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức nói rằng sẽ không có ý nghĩa gì nếu chấm dứt hoàn toàn dự án Nord Stream 2. Tuy vậy, ông cũng nói cần có lệnh tạm hoãn dự án này cho tới khi trường hợp của ông Navalny được giải quyết.

Ông Lambsdorff chỉ ra rằng Nga sẽ không chịu thiệt hại lớn nếu Nord Stream 2 không được hoàn thành. Đường ống dẫn khí đốt này vẫn sẽ được bán cho khách hàng ở phương Tây - những người cần nó.

“Chúng ta phải nhớ rằng EU và Đức có rất ít biện pháp để gây sức ép thật sự lên Nga”, ông Hans-Henning Schroder của Viện Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Tự do Berlin (Đức) nhận định.

Theo ông Schroder, biện pháp thực sự duy nhất có tác động đó là nếu Đức và EU ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga.

“Tuy nhiên điều này không thực tế vì sẽ cực kỳ tốn kém và đòi hỏi một cuộc tái tổ chức hậu cần khổng lồ”, ông nói.

Theo Ủy ban châu Âu, xuất khẩu dầu khí từ Nga sang EU đã tăng lên trong những năm gần đây bất chấp căng thẳng dâng cao. Hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt của Đức là đến từ Nga.

“Sẽ là sai lầm khi phản ứng vụ đầu độc ông Navalny bằng các lệnh trừng phạt kinh tế hơn nữa. Điều này sẽ tác động lên các công ty và người dân Nga vốn chẳng có liên quan gì tới vấn đề này”, ông Oliver Hermes, Chủ tịch Ủy ban về quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức lập luận.

Ở một diễn biến khác, tại cuộc họp báo ngày 4/9, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ không có bất kỳ bằng chứng nào về việc nhà lãnh đạo đối lập Nga bị đầu độc như tuyên bố của Đức.

"Tôi không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Tôi nghĩ thật bi thảm, thật khủng khiếp, chuyện đó không nên xảy ra", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, đề cập trường hợp lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny.

"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào, nhưng tôi sẽ xem xét sự việc", ông Trump cho biết về cáo buộc rằng Navalny đã bị đầu độc.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vu-navalny-eu-co-gi-de-trung-phat-nga-3418485/