Vụ 'Nga đầu độc Navalny': Không thấy Novichok cũng...trừng phạt

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt Nga do vụ Navalny mặc dù không có bằng chứng nào.

EU quyết định trừng phạt Nga

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga do tình hình xảy ra với nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nói sau cuộc họp của các ngoại trưởng ở Luxembourg.

"Một thỏa thuận chính trị đã đạt được về việc đưa ra các biện pháp hạn chế, sau đó, các cơ quan kỹ thuật của Hội đồng sẽ giải quyết tiếp việc này" - ông Josep Borrell nói và nhấn mạnh rằng “tất cả các nước thành viên đã nhất trí thông qua quyết định này”.

"Chúng tôi kiên quyết thực hiện các Thỏa thuận Minsk và đây là điều kiện then chốt cho bất kỳ thay đổi nào trong quan hệ với Nga. Chúng tôi phải tăng cường hỗ trợ xã hội dân sự Nga, các nhà hoạt động nhân quyền. Cần phải tiếp tục xây dựng cầu nối giữa các dân tộc" - Borrell nói thêm.

Trước khi diễn ra hội nghị các ngoại trưởng EU, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã từng nói rằng, mặc dù sau khi hội nghị thảo luận xong mới đi đến quyết định cuối cùng, nhưng trừng phạt chống Nga vì vụ Navalny là điều hầu như “không thể tránh khỏi”.

OPCW không tìm thấy Novichok trong xét nghiệm của Navalny

Hôm 06/10, Tổ chức cấm vũ khi hóa học (OPCW) cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, các chất được tìm thấy trong cơ thể của Alexei Navalny không nằm trong danh sách các chất bị cấm, nhưng chúng có đặc điểm tương tự như Novichok.

Nga bị trừng phạt, mặc dù không có bằng chứng về việc đầu độc Sergei Skripal và Alexei Navalny

Theo báo cáo của OPCW, các dấu hiệu sinh học chất ức chế cholinesterase được tìm thấy trong mẫu máu và nước tiểu của ông Navalny có đặc điểm cấu trúc tương tự như cấu trúc của các hóa chất độc hại trong Bảng 1.A.14 và 1.A.15, đã được thêm vào Phụ lục Hóa chất của Công ước Cấm vũ khí hóa học trong phiên họp thứ 24 của Hội nghị các quốc gia thành viên vào tháng 11 năm 2019.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chi rõ là chất ức chế cholinesterase này không được liệt kê trong Phụ lục Hóa chất của Công ước, nhưng không nói rõ chất ức chế cholinesterase này là chất nào và vì sao nó có đặc điểm giống Novichok mà lại không bị cấm.

Tổ chức cũng nêu rõ rằng Phái đoàn thường trực của Đức đã liên hệ với ban thư ký kỹ thuật của OPCW với yêu cầu công bố công khai bản tóm tắt của báo cáo.

Nga: Novichok là sản phẩm của phương Tây

Bộ Ngoại giao Nga hôm 11/10 đã gọi "Novichok" là thương hiệu hoàn toàn của phương Tây và không còn tồn tại ở Nga. Điều này được nêu trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được công bố trên trang web của Bộ.

Theo đó, cơ quan tình báo [Đông] Đức BND đã tiếp cận Novichok từ những năm 1990. Ngoài ra, khoảng 20 quốc gia phương Tây, bao gồm Anh, Mỹ, Thụy Điển, Cộng hòa Séc cũng đã nghiên cứu về chất này. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, cấu trúc và khối phổ của "Novichok" lần đầu tiên được trình bày trong cơ sở dữ liệu phổ của Viện Tiêu chuẩn Hoa Kỳ.

Còn tại Nga, tất cả vũ khí hóa học này đã bị tiêu hủy "dưới sự kiểm soát chặt chẽ nhất của quốc tế". Theo sắc lệnh của tổng thống năm 1992, Nga đã ngừng phát triển trong lĩnh vực vũ khí hóa học và vào năm 2017 và đã tiêu hủy toàn bộ kho chứa các chất này, điều này đã được OPCW xác nhận.

Do đó, Novichok hiện nay là một thương hiệu thuần phương Tây. Nó được tổng hợp và hiện diện ở các quốc gia này với khoảng 140 biến thể, còn ở Nga hoàn toàn không còn.

Bộ ngoại giao nhấn mạnh rằng, hành động của Đức trong tình huống xung quanh nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny cho thấy đã có kế hoạch vạch sẵn từ trước về sử dụng vũ khí hóa học để cuối cùng cáo buộc Nga vi phạm Công ước Cấm vũ khí Hóa học (CWC).

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vu-nga-dau-doc-navalny-khong-thay-novichok-cungtrung-phat-3420578/