Vụ ngộ độc khí than ở Nghệ An: Các nạn nhân có thể xuất viện

Ngày 27-11, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang tiếp tục điều trị cho hai bệnh nhân trong vụ ngộ độc khí than khiến 1 người tử vong, 3 người nhập viện cấp cứu. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân Vũ Thị Th. (1948, trú P. Cửa Nam, TP Vinh) và Nguyễn Thị Thanh Nh. (1983, trú P. Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) đã dần hồi phục, có thể xuất viện về nhà.

Ngày 27-11, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang tiếp tục điều trị cho hai bệnh nhân trong vụ ngộ độc khí than khiến 1 người tử vong, 3 người nhập viện cấp cứu. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân Vũ Thị Th. (1948, trú P. Cửa Nam, TP Vinh) và Nguyễn Thị Thanh Nh. (1983, trú P. Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) đã dần hồi phục, có thể xuất viện về nhà.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Kính khuyến cáo người dân không nên đốt than sưởi ấm.

Trước đó, đêm 24, rạng sáng ngày 25-11, gia đình bà Vũ Thị Th. đốt than để sưởi ấm cho hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Nh. trong phòng kín và xảy ra sự việc ngạt khí CO. Vụ việc khiến ông Nguyễn Công T. (1943, chồng bà Th.) tử vong, bà Th, chị Nh. và cháu nhỏ (con chị Nh.) được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bà Vũ Thị Th.cho biết: Con gái tôi sinh được 28 ngày rồi. Gia đình vẫn thường đốt than sưởi ấm cho hai mẹ con. Tối 24-11, cũng như mọi ngày, tôi đốt than sưởi ấm cho cháu ngoại. Do gia đình chỉ có hai ông bà, phòng ngủ kín có 2 giường nên tôi nói ông T. vào ngủ cùng mấy bà cháu, mẹ con cho vui. Khoảng 1 giờ sáng ngày 25-11, tôi dậy ru cháu thì sau đó lịm dần không biết gì nữa. Sau đó nghe mọi người kể, khoảng 7 giờ sáng khi con rể vào phòng thấy sự việc mới đưa mọi người đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa TP Vinh. Sau đó, hai mẹ con tôi được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An điều trị.

Sau khi sự việc xảy ra, do sợ bà Th. và chị Nh. bị sốc nên người nhà vẫn chưa cho hai mẹ con bà Th. biết việc ông T. đã tử vong. Đợi đến khi sức khỏe của các bệnh nhân hoàn toàn hồi phục mới xuất viện, đưa về nhà. Riêng con trai chị Nh. hiện đang được điều trị tại Bệnh viện sản nhi Nghệ An. Theo các bác sĩ tại bệnh viện này, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nhiễm trùng, tím tái do ngộ độc khí CO và CO2. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết và điều trị kịp thời, hiện bệnh nhi đã có thể tự thở và bú bình thường.

Nằm bên cạnh giường của bà Vũ Thị Th. là chị Nguyễn Thị Thanh Nh., hiện sức khỏe đã ổn định và được các bác sĩ tiếp tục theo dõi. Chị Nh. kể: Tôi sinh xong được đưa về nhà mẹ đẻ ở, bà đốt than Lào cho sưởi ấm. Đến khoảng 12 giờ đêm 24-11, con trai tôi quấy khóc nên mẹ tôi dậy bế ru cháu. Khoảng 1 tiếng sau tôi thấy mẹ lịm dần nhưng sau đó tôi cũng lên cơn, cứng miệng, không nói được. Còn ông nằm ở dưới nhà, không biết lịm đi từ lúc nào. Đến sáng ngày 25-11, chồng tôi mới đến đưa mọi người đi cấp cứu” - chị Nh. cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Xuân Kính (khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An) cho biết: Các bệnh nhân nhập khoa trong trạng thái khó thở nhẹ, tinh thần hoảng loạn, có tím tái nhẹ ở đầu chi và môi. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi cho thở oxy và làm các xét nghiệm cơ bản. Hiện tại sau 3 ngày điều trị, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số đã ổn định và có thể xuất viện được.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân Vũ Thị Th.

Cũng theo bác sĩ Kính, hàng năm khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An có tiếp nhận nhiều ca nhập viện do đốt than sưởi ấm. “Đến mùa lạnh, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên dùng bếp và than đá sưởi ấm. Đặc biệt, trong điều kiện nhà đóng kín cửa, việc đốt than sưởi ấm có thể gây ngạt khí, rất nguy hiểm cho tính mạng”, bác sĩ Kính cho biết.

Đây được xem là vụ ngộ độc khí CO đầu tiên xảy ra trong năm nay và là vụ ngộ độc thứ 10 trong 3 năm gần đây trên địa bàn Nghệ An. Hầu hết vụ ngộ độc này, đều xảy ra tại các căn hộ chung cư cao tầng, xung quanh bao bọc bằng kính và vào ban đêm. Trong khi các nạn nhân đều từ từ rơi vào hôn mê nên rất khó được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Hầu hết các nạn nhân khi được chuyển đến bệnh viện đều đã nhiễm độc rất nặng: nôn, chóng mặt, thậm chí là hôn mê...

Bác sĩ CKI Vũ Ngọc Lân- Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho hay: Trước đây, ông bà ta sưởi than, nhưng nhà thoáng, nên khí độc bị pha loãng nên nếu bị ngộ độc thì cũng xảy ra nhẹ. Còn hiện nay do cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, nhà cao tầng nhiều, cửa kính kín nên khí độc không thoát được ra ngoài. Chính vì vậy, nhiều vụ ngộ độc khí CO hầu hết bị cả nhà. Người dân nếu sưởi ấm không nên dùng than mà có thể thay bằng bếp sưởi điện và phải thường xuyên theo dõi, giám sát kỹ càng.

Dương Hóa

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_198821_vu-ngo-doc-khi-than-o-nghe-an-cac-nan-nhan-co-the-xuat-vien.aspx