Vụ người cha không được thừa nhận: Hội Bảo vệ Quyền trẻ em lên tiếng

Giadinh.net - Sau khi bài báo “Chuyện khó tin: Người cha không được thừa nhận” được đăng tải, Báo GĐ&XH liên tiếp nhận được ý kiến của bạn đọc gửi về chia sẻ nỗi éo le của bố con anh Long, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng giải quyết để đảm bảo quyền được làm bố của anh Long và quyền trẻ em tối thiểu của cháu Phương Anh.

Công văn của Hội BVQTE Ngày 20/10/2009, Báo GĐ&XH nhận được công văn số 1686/HBVQTE của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) gửi đến Tòa án Nhân dân quận Đống Đa và các cơ quan chức năng đề nghị sớm giải quyết vụ việc liên quan đến tên người cha trong giấy khai sinh của cháu Nguyễn Thị Phương Anh. Hội Bảo vệ Quyền trẻ em cho rằng: Nguyện vọng có tên trong giấy khai sinh của anh Nguyễn Đức Long (cha của cháu bé) là chính đáng. Đồng thời với việc gửi công văn đến TAND quận Đống Đa, Hội BVQTEVN cũng đã gửi đến Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, UBND phường Quốc Tử Giám nội dung công văn này. Ngoài công văn của Hội BVQTEVN, Công an phường Quốc Tử Giám (trực tiếp là Trung tá Nguyễn Văn Khanh) và Tổ dân phố 27 (nơi bố con anh Long sinh sống) cũng đã xác nhận cháu Nguyễn Thị Phương Anh đã sinh sống cùng gia đình anh Long từ ngày 19/7/2006 (ngày chị Nguyễn Thị Thu Thủy – mẹ cháu bé bỏ đi) đến nay. Theo bà Ninh Thị Hồng, Trưởng Ban bảo vệ trẻ em (Hội BVQTEVN): Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, trường hợp của anh Long, do có sự mâu thuẫn giữa anh Long và chị Thủy, lại không có giấy đăng ký kết hôn nên anh Long đã không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, đây là trường hợp cá biệt. Cháu bé không phải do người mẹ nuôi dưỡng mà là do người bố nuôi dưỡng. Mẹ cháu bé đã bỏ đi suốt 4 năm nay và cũng không biết có trở về hay không. Nếu vì sự vắng mặt của mẹ cháu bé mà Tòa không thể ra quyết định được là sai. Theo Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2005, Tòa vẫn có thể đơn phương giải quyết đơn thư và ra quyết định khi có đủ bằng chứng của người khởi kiện và thông qua việc xác minh của Tòa. Bà Hồng cho rằng: Với những bằng chứng để chứng minh về nhân thân của anh Long, về mối quan hệ cha con giữa anh Long và cháu Phương Anh hiện nay (kết quả xét nghiệm ADN; xác nhận của Công an phường và tổ dân phố) cũng như những thông tin mà Báo GĐ&XH đã phản ánh thì không có lý do gì để nghi ngờ rằng: Anh Long không phải là “cha” của đứa trẻ. Cũng chính bởi lẽ đó, Hội BVQTEVN đã đề nghị TAND quận Đống Đa “khẩn trương xem xét giải quyết vụ việc này để đảm bảo quyền được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con của người cha và đảm bảo quyền được chăm sóc, phát triển toàn diện của cháu Nguyễn Thị Phương Anh”. Ý kiến luật sư Cũng trên quan điểm này, Luật sư Nguyễn Tiến Quang, Văn phòng Luật sư Smic cho biết: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 khi đề cập đến vấn đề đăng ký khai sinh cho trẻ đã quy định: Trong trường hợp không có giấy đăng ký kết hôn thì chỉ có người mẹ mới làm khai sinh cho trẻ được. Mục đích của điều luật này là để tránh việc người đàn ông mạo nhận là cha có những hành vi không tốt với đứa trẻ. Tuy nhiên, trường hợp của anh Long và cháu Nguyễn Thị Phương Anh hoàn toàn khác. Xét về cả lý và tình thì trường hợp của anh Long là đã có đủ cơ sở để được Tòa án giải quyết. Kết quả xét nghiệm ADN; xác nhận mối quan hệ cha con anh Long của các cơ quan đoàn thể. Đây là những bằng chứng sống khẳng định rằng: Anh Long là bố của đứa trẻ. Tuy nhiên, để tiến hành thủ tục truy nhận cha cho con thì cần phải có quyết định của Tòa án. Khi có quyết định của TAND quận Đống Đa thì việc truy nhận tên cha trong giấy khai sinh của cháu Phương Anh sẽ được tiến hành một cách dễ dàng. Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi của bố con anh Nguyễn Đức Long, dư luận đang mong chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng, cụ thể là UBND quận Đống Đa, TAND quận Đống Đa.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091021081026683p0c1001/vu-nguoi-cha-khong-duoc-thua-nhan-hoi-bao-ve-quyen-tre-em-len-tieng.htm