Vụ người đàn ông sát hại tình nhân của vợ cũ: 'Giọt nước tràn ly sẽ sinh ra tội ác'

Các chuyên gia cho rằng, khi những mâu thuẫn, hiểu lầm không được giải quyết đến nơi đến chốn sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với người trong cuộc. Đến một lúc nào đó, giọt nước tràn ly sẽ sinh ra tội ác.

Như Báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quang Định (SN 1968, trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Cổ Phúc) về hành vi “Giết người”.

Tại cơ quan công an, Định khai năm 2022 đã ly hôn với chị H. Tuy nhiên thấy anh B. thường xuyên qua lại, giúp đỡ vợ cũ nên gã ghen tuông, nảy sinh ý định giết người.

Trước đó, khoảng hơn 21h ngày 30/8, Định đến nhà vợ cũ là chị Nguyễn Thị H. (SN 1976, ở tại xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên) và dùng dao đâm anh Lê Hồ B. (SN 1974, ở xã Đào Thịnh, Trấn Yên). Nạn nhân bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đến ngày hôm sau thì tử vong.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cho rằng, vụ án mạng do ghen tuông xảy ra vừa qua đã thể hiện sự cuồng ghen đến mức lệch lạc về nhận thức, lệch chuẩn về hành vi của Trần Quang Định.

Với hành vi Giết người vì động cơ đê hèn khiến người phạm tội có thể đối mặt với hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự” - luật sư Lực phân tích.

Về sự việc này, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đánh giá, hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong một thời gian dài.

Trong quá trình này, người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng. Nếu người đó nhận thức và đạo đức kém, họ sẵn sàng làm liều, thậm chí cướp đi sinh mạng của người khác.

Điều đáng nói, những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn do ghen tuông xuất hiện ngày càng nhiều. Theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, để giảm thiểu tình trạng trên trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền với người dân.

Cụ thể, cần tuyên truyền những hành vi nào pháp luật cho phép, những hành vi nào pháp luật ngăn cấm và chế tài khi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác như thế nào để người dân nắm rõ quy định.

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, vai trò cần của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện chiến lược an sinh xã hội là điều đặc biệt quan trọng. Việc giải quyết các xung đột xảy ra trong cuộc sống của người dân sẽ giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là án mạng tới từ những mâu thuẫn này.

"Khi những mâu thuẫn, hiểu lầm không được giải quyết đến nơi đến chốn sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với người trong cuộc. Đến một lúc nào đó, giọt nước tràn ly sẽ sinh ra tội ác. Do vậy vai trò của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể cơ sở trong việc phát hiện, xử lý, hóa giải từ các xung đột nhỏ nhất rất quan trọng” - Đại tá Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-nguoi-dan-ong-sat-hai-tinh-nhan-cua-vo-cu-giot-nuoc-tran-ly-se-sinh-ra-toi-ac-169230906113522545.htm