Vụ người dân tố đường dây tiền ảo Ifan lừa 15.000 tỷ đồng: Chuyên gia pháp lý nói gì?

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỉ đồng. Rất nhiều nhà đầu tư và người dân đang đứng trước nguy cơ 'ném tiền qua cửa sổ'.

Rất nhiều người tìm đến trụ sở Công ty Modern Tech tại TPHCM để tố cáo mình bị lừa tiền. Ảnh: TL

Mờ mắt vì lợi nhuận “siêu khủng”

Như trước đó Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, ngày 8/4, rất đông người đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại đường Nguyễn Huệ, TPHCM để căng băng rôn tố cáo bị lừa đảo khi tham gia vào dự án đầu tư tiền ảo. Theo phản ánh từ các nhà đầu tư, số tiền lừa đảo được cho là đến hơn 15.000 tỉ đồng.

Theo lời các nạn nhân, họ biết đến đồng tiền ảo Ifan và Pincoin qua sự giới thiệu của các thành viên nhóm kinh doanh, gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính. Ifan được giới thiệu là một dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo luật pháp Singapore, được thành lập dựa trên ý tưởng là dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. Người đầu tư được cam kết rằng giá trị Ifan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Còn Pincoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai. Nhóm kinh doanh còn cho người đầu tư xem các video cũng như hình ảnh chủ của đồng Pincoin và khẳng định rằng đó là một dự án nghiêm túc và tiềm năng cao, thậm chí tổ chức gặp người được cho là ông chủ thật sự của đồng tiền này.

Ifan, Pincoin ủy quyền cho Công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Công ty này đã tổ chức nhiều sự kiện lớn tại TPHCM và Hà Nội, thậm chí về tận vùng quê để chào mời đầu tư vào đồng tiền ảo Ifan với cam kết hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu kêu gọi được người chơi mới thì sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Nhiều người ham lãi suất khủng đã rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, sau khi thu được số tiền khủng thì nhóm điều hành các đồng tiền ảo này đã đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Lúc này nhiều người mới biết bị lừa vì những dự án này được nhóm người trên dựng lên chứ không có ông chủ nước ngoài nào cả. Thực chất, đây là mô hình tiền số đa cấp hoạt động dựa trên hình thức lấy tiền người sau để trả cho người trước. Nhiều người tham gia đầu tư vào các đồng tiền này đã ôm nợ, thậm chí tán gia bại sản.

Trên các diễn đàn tiền ảo, nhiều nạn nhân đã tố cáo về việc mình bị nhóm người trên lừa đảo, kêu gọi những người bị lừa khác cùng ký tên tố cáo. Mới đây, vào đầu tháng 3, những người này đã tổ chức gặp mặt nhau và thu thập các đơn kiện của những nạn nhân khác nhằm mục tiêu đòi lại số tiền bị lừa đảo.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mô hình tiền ảo đa cấp nở rộ trên thị trường, đặc biệt là trong năm 2017. Chiêu thức của mô hình này là đưa ra lãi suất khủng để kích thích lòng tham và trả hoa hồng cao cho người giới thiệu. Các đối tượng cũng liên tục đánh bóng hình ảnh bằng cách đưa những hình ảnh người tậu xe, tậu nhà nhờ đầu tư vào đồng tiền này để lôi kéo thêm người chơi. Từ đó, người chơi trước lôi kéo người sau, trở thành người tiếp tay cho những kẻ lừa đảo. Kết cục nhiều người không những không nhận được lãi mà còn mất trắng số tiền dành dụm, thậm chí là vay mượn, bán nhà cửa để có.

Có dấu hiệu hình sự?

Liên quan đến vấn đề pháp lý xung quanh câu chuyện trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Luật sư Trần Văn Lý (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm, trước khi xảy ra vụ việc trên, từ cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Thậm chí, từ ngày 1/1/2018, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, việc sử dụng thanh toán bằng tiền ảo có thể bị xử lý hình sự, song song với đó là mức phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: "Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi, trong đó có hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho biết thêm, vụ việc trên rõ ràng là lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo trong vụ này có thể bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Kinh doanh đa cấp trái pháp luật”.

Ở một diễn biến khác, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỉ đồng. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trên đề xuất biện pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/4 tới.

Trong khi đó, trước cáo buộc là người cầm đầu nhóm Ifan lừa đảo 15.000 tỉ đồng, ông Diệp Khắc Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty FNC đã lên tiếng phủ nhận việc liên quan đến nhóm sáng lập Ifan và cho rằng mình đã bị lợi dụng tên tuổi nhằm trục lợi.

Nhìn dưới góc độ tâm lý vụ việc trên, ông Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn bày tỏ quan điểm: Sở dĩ các nạn nhân bị lừa tiền dễ dàng như vậy một phần do họ “mờ mắt” trước lợi nhuận siêu khủng mà chủ đường dây vẽ ra, phần khác do sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực mà họ đang đầu tư, cũng như các quy định về pháp luật. Chính việc quá dễ dãi khi bỏ tiền túi của mình ra đầu tư vào những thứ mơ hồ, mà rất nhiều nạn nhân đã, đang và sẽ phải trả những cái giá rất đắt.

Huyền Chi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vu-nguoi-dan-to-duong-day-tien-ao-ifan-lua-15000-ty-dong-chuyen-gia-phap-ly-noi-gi-20180413183836184.htm