Vụ nhà báo Saudi Arabia mất tích bí ẩn: Nguy cơ bùng phát khủng hoảng quốc tế

Vụ việc nhà báo mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ biến mất một cách bí ẩn sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 2/10/2018 có nguy cơ bùng phát thành 'khủng hoảng quốc tế', theo nhận định của nhiều chuyên gia. Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố sẽ theo dõi sát sự việc này.

Nhà báo mang 2 quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ, Jamal Khashoggi (Ảnh: AFP)

Tranh cãi nảy lửa

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/10 cáo buộc Saudi Arabia đã không hợp tác trong việc điều tra vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích sau khi vào lãnh sự quán nước này đặt tại thủ đô Istanbul, AFP đưa tin.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ sự hợp tác nào nhằm đảm bảo cuộc điều tra diễn ra tốt đẹp và làm sáng tỏ mọi việc”.

Ông Cavusoglu kêu gọi Riaydh cho phép các công tố viên và chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận lãnh sự quán để thực hiện việc điều tra. Cũng theo quan chức này, một phái đoàn Saudi Arabia đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và có các cuộc thảo luận vào cuối tuần tại Ankara, cũng như tham gia nhóm điều tra chung vụ nhà báo Khashoggi mất tích.

Ông Jamal Khashoggi mất tích sau khi đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)

Theo hãng tin AFP, bình luận của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thể hiện quan điểm cứng rắn của Ankara đối với vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích. Truyền thông nước này dẫn lời các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Khashoggi đã bị tra tấn và sát hại trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.

Trong khi đó, Saudi Arabia một mực khẳng định Jamal Khashoggi, nhà báo đang làm việc cho tờ Washington Post và có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền nước này, đã rời tòa nhà lãnh sự một cách an toàn, dù chưa đưa ra bằng chứng chứng minh điều này.

Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia - Hoàng thân Abdel Aziz bin Saud bin Nayef tuyên bố cáo buộc Saudi Arabia ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi trong lãnh sự quán là “những cáo buộc vô căn cứ và dối trá”.

Mỹ đe dọa trừng phạt

Trong buổi trả lời phỏng vấn của đài CBS được phát sóng hôm 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Saudi Arabia có thể đứng đằng sau vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi, bất chấp sự bác bỏ mạnh mẽ của nước này. Nếu điều này là thật, ông Donald Trump cảnh báo chính quyền Mỹ “sẽ có sự trừng phạt nghiêm khắc”.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng một lần nữa nhấn mạnh, sẽ không có chuyện trả đũa kinh tế cũng như hạn chế bán vũ khí cho Saudi Arabia. Theo ông, nếu làm như vậy cũng đồng nghĩa với một sự tự trừng phạt, trong khi vẫn có những lựa chọn khác “vô cùng quyền uy và mạnh mẽ”. Tuy nhiên, ông không tiết lộ cụ thể biện pháp mạnh tay mà Washington sẽ thực hiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi trả lời phỏng vấn đài CBS

Tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ được giới chuyên gia nhìn nhận như một “gáo nước lạnh” dội vào mối quan hệ đồng minh vốn đang lung lay giữa Mỹ và Saudi Arabia. Quốc gia Trung Đông này hiện đang ký thỏa thuận mua bán vũ khí với Mỹ trị giá 110 tỷ USD.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường áp lực đối với Saudi Arabia, nhằm buộc nước này cung cấp thêm thông tin về phóng viên bị mất tích Khashoggi và muốn biết ngọn ngành của “tình hình hết sức nghiêm trọng” này. Tổng thống Mỹ trong một tuyên bố được đưa ra tại Phòng Bầu dục cho biết, ông đã nêu vấn đề về Khashoggi với phía Saudi Arabia “ở mức cao nhất” và nhiều hơn một lần trong những ngày gần đây.

Trong khi đó ngày 12/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá vụ nhà báo Jamal Khasoggi mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ là “rất nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cảnh báo,Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” nếu nghi ngờ của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ là đúng sự thật.

Các phóng viên, nhà báo túc trực suốt cả tuần vừa qua bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Ảnh: AFP)

Được biết, Hội nghị thượng đỉnh “Sáng kiến đầu tư tương lai” lần thứ 2 được tổ chức tại Riyadh từ ngày 23 - 25/10 tới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Lagarde sẽ vẫn tới Riyadh để tham dự theo đúng kế hoạch. Hội nghị được so sánh như “Davos trong sa mạc” này của Saudi Arabia đã bị một loạt các phương tiện truyền thông lớn như New York Times, Financial Times “tẩy chay”, như một cách để phản đối vụ việc nhà báo Khashoggi mất tích.

Nhà báo Jamal Khasoggi là ai?

Jamal Khashoggi sinh ngày 13/10/1958 tại Medina, Saudi Arabia. Ông tốt nghiệp trường Đại học bang Indiana (Mỹ) với tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh vào năm 1982. Ông từng làm phóng viên cho nhiều tờ báo khác nhau của Saudi Arabia và giữ chức quyền Tổng biên tập tờ Al Madina, Al Watan.

Sau khi từ chức tại Al Watan vào năm 2010, ông Khashoggi được bổ nhiệm làm giám đốc Kênh tin tức Al Arab News tại Bahrain. Ông cũng là một nhà bình luận về chính trị cho các kênh Ả-rập và quốc tế, bao gồm MBC, BBC, Al Jazeera và Dubai TV. Được biết, nhà báo Khashoggi từng có nhiều bài báo chỉ trích các chính sách của Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen.

Nhà báo Khashoggi mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington DC, Mỹ (Ảnh: AFP)

Theo Nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Jamal Khashoggi có thể đã ghi âm lại toàn bộ quá trình mình bị bắt cóc, tra tấn và sát hại bên trong lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul hôm 2/10 bằng chiếc đồng hồ Apple Watch.

Dữ liệu trên chiếc đồng hồ này được đồng bộ hóa với tài khoản iCloud và chiếc điện thoại iPhone mà hôn thê của ông cầm ở bên ngoài tòa nhà. Do đó, những gì xảy ra bên trong lãnh sự quán đều được tải lên iCloud, dù các nhân viên Saudi Arabia đã tìm cách xóa đi một số dữ liệu.

Tuy nhiên, thông tin này gây nhiều nghi vấn, bởi theo các chuyên gia công nghệ, rất khó để chiếc đồng hồ này chuyển dữ liệu về điện thoại nếu không có kết nối Bluetooth hoặc mạng Wi-Fi của lãnh sự quán. Trong khi đó, khoảng cách từ vị trí của Khashoggi tới nơi hôn thê đứng bên ngoài là quá xa để sử dụng Bluetooth, còn nhà báo này nhiều khả năng sẽ không đăng nhập vào mạng Wi-Fi của lãnh sự quán.

Theo các chuyên gia, hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất thận trọng trong việc tiết lộ các thông tin này bởi chúng có thể sẽ làm lộ bí mật về cách thức tình báo mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng.

Thục Anh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/vu-nha-bao-saudi-arabia-mat-tich-bi-an-nguy-co-bung-phat-khung-hoang-quoc-te-d2056564.html