Vụ nhà nghỉ Panorama trên Mã Pì Lèng: Ứng xử thế nào với danh thắng?

Dù rằng vụ việc nhà hàng, nhà nghỉ Panorama 'mọc' trên Mã Pì Lèng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng ý cải tạo thành điểm dừng chân, thế nhưng dường như vẫn chưa thể… lặng sóng với những bàn cãi, những tranh luận từ giới chuyên môn trước bài toán: Ứng xử thế nào để bảo vệ danh thắng?

Nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama được đề nghị cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh

Danh thắng đang… “bơ vơ”?

Không phải ngẫu nhiên mà những ngày qua Panorama vẫn liêp tiếp nhận được sự quan tâm từ dư luận. Đặc biệt là giới kiến trúc đã có nhiều tranh luận với công chúng để… hiến kế. Có thể thấy, phần lớn góc nhìn của giới kiến trúc thiên nhiều về việc cải tạo lại Panorama thành một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng.

KTS Nguyễn Hoàng Phương là một trong số những người sớm lên tiếng về vụ việc với tinh thần đầy trách nhiệm. Trên trang cá nhân của mình, ông Phương chia sẻ, ông đã dành ngày cuối tuần qua để lên Mã Pì Lèng (hay còn gọi là Mã Pí Lèng) “thực mục sở thị” về Panorama 7 tầng bám ở bên hông đèo. Từ những gì “mắt thấy tai nghe”, ông đã chụp tấm hình với biểu tượng báo xấu về Panorama đồng thời khẳng định nếu ai đó có lỗi ở vụ việc này thì đó phải là chính quyền!

Đặt ra câu hỏi về tầm nhìn quy hoạch cũng như vai trò của Tổng cục Du lịch, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư trong việc tổ chức những cảnh quan mang tầm vóc quốc gia, ông Phương dẫn chứng: Mã Pì Lèng đã có cả nghìn năm nay, được coi là cảnh quan đẹp tầm quốc gia, thế mà từ 1959 đến nay không có cơ quan, ban, ngành nào lập kế hoạch nghiên cứu xem nên quy hoạch cảnh quan môi trường ra sao.

Thêm nữa, trách nhiệm của công chúng cũng được KTS Nguyễn Hoàng Phương nhắc đến, đó là trách nhiệm… giám sát. Theo ông Phương, nếu người dân tự coi tất cả cảnh quan quý giá của đất nước là tài sản của mình, là gia tài của mình do ông cha để lại để rồi cùng theo dõi, cùng giữ gìn thì đâu đến nỗi thỉnh thoảng lại phát hiện ra một nơi nào đấy bị xâm hại như thế.

KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích 4 tầng trách nhiệm, từ trách nhiệm của chủ nhân Panorama cho đến trách nhiệm của: Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bởi lẽ, Bộ này chưa bổ sung kẽ hở của Luật Di sản hiện hành. Và khi phê duyệt danh thắng đèo Mã Pì Lèng, nhưng Bộ lại không xếp khu vực xây nhà hàng vào trong ranh giới vùng bảo vệ của di sản. Từ đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn trông đợi Luật Di sản sớm được điều chỉnh để không chỉ cứu một mình Mã Pì Lèng, mà còn cứu hàng nghìn di sản khác trên toàn quốc. Đồng thời, ông cũng hy vọng tất cả những danh thắng, di sản quốc gia của Việt Nam phải đi kèm hồ sơ quy hoạch chứ không “bơ vơ” như bây giờ.

Cần sự hòa hợp với thiên nhiên

Đều nhấn mạnh về việc Panorama sai phạm thì đương nhiên phải chịu những hình thức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên các kiến trúc sư vẫn thẳng thắn kiến nghị, đề xuất những giải pháp tối ưu nhất. KTS Nguyễn Hoàng Phương đề xuất thay vì chỉ nhìn thấy tiêu cực và tìm cách đổ lỗi cho nhau để thoái thác trách nhiệm, cả nhà quản lý lẫn chủ đầu tư và khách du lịch thử cùng ngồi xuống bàn cách đưa ra giải pháp tích cực và khả thi; cần thì gọi thêm vốn đầu tư để làm cho tới.

Cùng với đó, KTS Phương còn hiến kế với hai tình huống: Nếu cho phạt tồn tại theo hướng “vô hình hóa” bằng cách sử dụng các vách kính chịu lực thay cho tường đặc để làm cho công trình trở nên trong suốt hơn. Nên phá dỡ phần mái chỉ để lại 2 tầng bám theo triền núi dốc, không nên làm cao tầng mà nên làm dàn trải bám men theo bờ dốc để đỡ có cảm giác thô cứng của nhân tạo phá vỡ cái hoang sơ của tự nhiên. Còn nếu phải phá dỡ để làm “điểm”, thì nên ưu tiên bù lại cho chủ đầu tư bằng cách cho mở trên một mặt bằng rộng hơn, cho phép nhiều người có thể cùng đứng chụp ảnh check-in và uống cafe tại vị trí siêu hạng này. Địa điểm này nên tận dụng để làm giới thiệu du lịch cho khu vực, bán vé dịch vụ trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế chỉ cách đó vài km.

Dưới góc nhìn của mình, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh đến một giải pháp mang tính dung hòa hơn là cải tạo công trình để làm nơi ngắm cảnh, điểm dừng chân cho du khách, hòa hợp với danh thắng Mã Pì Lèng chứ không được có chức năng khách sạn, nhà hàng. Những việc cụ thể cần cải tạo như: Phá bỏ hai tầng nhô lên phía trên, có thể cải tạo các tầng dưới thành sân vượt cấp để du khách đi bộ xuống ngắm cảnh, nhà vệ sinh giấu bên trong. Đặc biệt, theo ông Nam Sơn, không gian hai bên cần được đắp đất, trồng cây để công trình chìm trong đất, hòa lẫn với thiên nhiên.

Ở góc nhìn của một nhà mỹ thuật, PGS, họa sĩ Huy Oánh chia sẻ, trên thế giới có những danh thắng nổi tiếng được đi kèm với nhiều công trình kiến trúc là các lâu đài hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng câu chuyện về Panorama trên Mã Pì Lèng lại là câu chuyện con người không có ý thức làm tôn vẻ đẹp của thiên nhiên. “Các công trình vẫn có thể xây dựng nhưng vấn đề là người thực hiện phải có hiểu biết chứ không phải có tiền thì muốn làm thế nào thì làm.

Có một câu chuyện buồn mà tôi muốn nhắc thêm ở đây là lần tôi lên Pác Bó. Trong tưởng tượng của tôi, Pác Bó là một khu rừng âm u, suối chảy róc rách, rất hoang sơ… Vậy mà lên đến nơi, tôi rất thất vọng khi thấy sàn bê tông ra tận mép suối Lênin. Tôi có hỏi ban quản lý thì được biết để đáp ứng nhu cầu bãi đỗ xe. Sau đó, họ còn bảo làm cáp treo lên hang Pác Bó, tôi đã phản đối với lý do cần để cho du khách được trải nghiệm” – PGS, họa sĩ Huy Oánh nói.

Cải tạo thành điểm dừng chân

Được biết, công trình nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama có tên trên hồ sơ là “Điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng”. Tuy nhiên, nơi đây lại mọc lên công trình nhà hàng – nhà nghỉ “bốn chưa”: Dự án đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; công trình chưa được cấp phép xây dựng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất (vẫn đang là đất trồng trọt); công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Dẫu vậy, trong thời gian chờ quyết định xử lý từ các cơ quan chức năng, nhà nghỉ Panorama vừa được phủ xanh bằng sơn và vẫn tiếp tục hoạt động đến tận sáng ngày 14/10. Và, hài hước thay, trong thời gian này, tại Mã Pì Lèng đã xảy ra vụ việc bốn người đàn ông “khỏa thân” (trong đó có facebooker Hiếu Orion (Trần Chí Hiếu)) đi mô tô đến Panorama để ủng hộ công trình và bị dư luận chỉ trích. Ngay sau đó, Hiếu Orion đã nhận sai, xin lỗi cộng đồng và chấp nhận xử phạt. Tuy nhiên, nhóm người này đã không bị xử phạt mà chỉ bị công an huyện Mèo Vạc nhắc nhở vì hiện nay pháp luật chưa có quy định chi tiết về xử phạt hành vi khỏa thân hay chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng, danh lam thắng cảnh.

Chùng chình suốt nửa tháng trời, cuối cùng, từ kiến nghị của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị Hà Giang tham vấn chuyên gia để cải tạo công trình này thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Bộ cũng đã kết luận, đây là sai phạm cần được xử lý nghiêm; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hà Giang xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và vùng cảnh quan xung quanh phù hợp với nội dung 3 Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4 tầng trách nhiệm, từ trách nhiệm của chủ nhân Panorama cho đến trách nhiệm của: Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. - KTS Ngô Viết Nam Sơn

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/vu-nha-nghi-panorama-tren-ma-pi-leng-ung-xu-the-nao-voi-danh-thang-4041774-b.html