Vụ 'nhân bản' hàng trăm phiếu siêu âm tim phi công và tiếp viên: Cần nghiêm trị

Việc hàng trăm phiếu siêu âm tim của phi công và tiếp viên hàng không có dấu hiệu bị 'nhân bản' được các chuyên gia giao thông và chuyên gia pháp lý đánh giá là vô cùng nghiêm trọng. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách xử lý có phần nhẹ tay của Cục Hàng không Việt Nam.

Phi công là người chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người khác. Ảnh: Lê Thanh

Phi công là người chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người khác. Ảnh: Lê Thanh

Trên thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đã phát hiện ra sự việc từ tháng 3/2020, nhưng chỉ khi được đăng tải trên mặt báo thì toàn bộ nội dung câu chuyện cũng như các cách giải quyết vấn đề của Cục Hàng không Việt Nam mới được sáng tỏ trước dư luận.

Giống nhau một cách kỳ lạ

Trong những ngày qua, thông tin về việc phát hiện hàng trăm phiếu siêu âm tim của phi công và tiếp viên hàng không được thực hiện tại Trung tâm Y tế hàng không giống nhau một cách kỳ lạ đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Theo hồ sơ phản ánh, đã có tới 154 phi công có phiếu siêu âm giống nhau đến từng chỉ số, chỉ khác tên, tuổi, năm sinh người siêu âm cũng như ngày tháng thực hiện. Đơn cử như phiếu siêu âm - Doppler tim của một phi công nam sinh năm 1972 ghi ngày thực hiện 7/8/2019 với một phi công nam sinh năm 1992 ghi ngày thực hiện 23/10/2019, cả hai phi công này đều có van hai lá dạng di động “Ngược chiều”, khoảng cách 2 bờ van 21mm. Đối với van động mạch chủ, biên độ mở van của cả hai là 20mm, hở van 2 lá rất nhẹ (0,5/4). Van động mạch phổi của cả hai cũng đều có đường kính gốc ĐMP 20mm, đều hở van ĐMP nhẹ (1/4)… và đều được kết luận có cấu trúc tim bình thường, chức năng tâm thu tất trái trong giới hạn bình thường, không thấy tăng áp lực động mạch phổi.

Trước tính chất nghiêm trọng của vấn đề, tối 24/7, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức lên tiếng. Cơ quan này cho biết đã nắm bắt sự việc từ 18/3/2020 qua báo cáo Chủ tịch Hội đồng đánh giá, giám định sức khỏe nhân viên hàng không về công tác đánh giá giám định sức khỏe nhân viên hàng không. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy nội dung phản ánh của Chủ tịch Hội đồng giám định sức khỏe nhân viên hàng không là có cơ sở. Cụ thể, việc khám siêu âm tim cho 600 trường hợp (154 hồ sơ sức khỏe phi công giám định sức khỏe lần đầu và 470 hồ sơ sức khỏe tiếp viên khám tuyển) đã được thực hiện không đúng quy chế chuyên môn y tế. Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định kỷ luật ông Nguyễn Tuấn Anh - bác sỹ chẩn đoán hình ảnh do những vi phạm về quy chế chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ được giao bằng hình thức khiển trách; yêu cầu Trung tâm Y tế Hàng không tổ chức giám định lại sức khỏe cho 624 phi công và tiếp viên.

Cục Hàng không Việt Nam nhận định, đây là sai sót của các cá nhân ghi kết quả trong quy trình thực hiện giám định sức khỏe nhân viên hàng không, dẫn đến việc kết quả siêu âm không đúng thực tiễn.

Việc to vo thành bé?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông khẳng định, việc “nhân bản” hàng trăm phiếu siêu âm tim của phi công và tiếp viên tại Trung tâm Y tế hàng không là rất nghiêm trọng nhưng cách xử lý của Cục Hàng không Việt Nam lại quá nhẹ nhàng. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, Trung tâm Y tế hàng không là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho các phi công. Trong khi đó, mỗi phi công lại chịu trách nhiệm cho sức khỏe, tính mạng của hàng trăm, hàng nghìn người. Như vậy mới thấy, rõ ràng việc bảo đảm sức khỏe cho phi công là vô cùng quan trọng. “Người ta nói phải mất nhiều cây vàng mới đào tạo được một phi công. Chọn khắp cả nước mới tìm ra một số thanh niên có đủ điều kiện sức khỏe để làm phi công. Một cơ quan quản lý sức khỏe phi công mà lại làm việc dối trá, thiếu trung thực như thế là không thể chấp nhận được” - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Từ phân tích trên, TS Thủy đề nghị Bộ GTVT cần phải làm rõ việc “nhân bản” hàng trăm phiếu siêu âm tim phi công, tiếp viên tại Trung tâm Y tế hàng không là nhằm mục đích gì? Có nhằm trục lợi hay không?... Thậm chí cần phải mời cơ quan công an vào cuộc để điều tra. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, không chỉ liên quan đến công tác quản lý sức khỏe phi công, tiếp viên mà còn ảnh hưởng đến cả lòng tin của người dân, của dư luận dành cho ngành hàng không.

Đánh giá về cách xử lý vụ việc của Cục Hàng không Việt Nam và lớn hơn là của Bộ GTVT, một số chuyên gia giao thông cho rằng là chưa được. Bởi, với một lĩnh vực đòi hỏi tính kỷ luật rất cao như hàng không thì để xảy ra sự việc nghiêm trọng như thế không thể xử lý theo kiểu “cho có” và “cho xong” như vậy được. “Phải truy cứu trách nhiệm đến cùng những cá nhân, tập thể liên quan và làm rõ động cơ, mục đích thật sự của việc “nhân bản” những phiếu siêu âm tim là gì?” - TS Thủy nói, và nhấn mạnh, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam phải luôn nhớ bài học “mất bò mới lo làm chuồng” vừa xảy ra tại Pakistan, quốc gia có vụ bê bối khi phát hiện hàng trăm phi công dùng bằng lái máy bay giả.

Không chỉ là phạm pháp mà còn là tội ác

Trong khi đó, nhìn nhận vấn đề từ phương diện pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, việc “nhân bản” phiếu siêu âm tim phi công, tiếp viên là hết sức nghiêm trọng. “Theo Luật Khám chữa bệnh, người khám bệnh phải là người có chuyên môn, thực hiện các thủ tục khám bằng các dụng cụ, thiết bị y tế và có kết luận về tình trạng sức khỏe sau khi khám mới có kết luận về sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, “nhân bản” phiếu siêu âm tim có thể coi là hành vi làm khống kết quả khám bệnh khi chưa thực hiện việc khám bệnh theo đúng quy định” - luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Theo chuyên gia pháp lý này, nếu coi phiếu siêu âm tim phi công, tiếp viên là một loại giấy tờ thì việc “nhân bản” chúng chính là một hành vi làm giả giấy tờ, giả chữ ký hoặc giả con dấu, tài liệu. Khi đó, người “nhân bản” các phiếu siêu âm tim kia chính là người làm tài liệu giả và người sử dụng tài liệu con dấu giả này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cho tội danh này có thể lên tới 7 năm tù giam. Trong trường hợp người “nhân bản” phiếu siêu âm tim phi công, tiếp viên được xác định có quyền hạn, chức vụ thì sẽ bị truy cứu thêm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, tẩy sửa chữ ký, con dấu của người khác. Khung hình phạt cho tội danh này có thể lên tới 20 năm tù giam.

“Việc làm giả giấy tờ trong bất cứ trường hợp nào đã là phạm pháp rồi nhưng việc làm giả phiếu siêu âm tim của phi công không chỉ là phạm pháp mà còn là tội ác. Bởi phi công là người chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của biết bao người khác. Nếu trong số các phiếu siêu âm tim kia có trường hợp phi công có vấn đề gì về tim mạch, khi phi công đó lái máy bay tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mà tai nạn máy bay hậu quả là vô cùng khủng khiếp” - luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.

Nếu vụ việc này không được làm rõ, sau này dù cho công tác tuyển chọn phi công được làm chặt chẽ đến đâu, quản lý sức khỏe phi công được thực hiện nghiêm túc đến đâu, người dân vẫn sẽ luôn đặt câu hỏi và nhìn vào đội ngũ phi công bằng ánh mắt hoài nghi, e ngại.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy

Đúng ra trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần thu giữ các phiếu siêu âm tim được “nhân bản” kia rồi tiến hành giám định con dấu và chữ ký trên các phiếu đó. Nếu phát hiện là giả thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-nhan-ban-hang-tram-phieu-sieu-am-tim-phi-cong-va-tiep-vien-can-nghiem-tri-391098.html