Vụ nhân viên Vinaconex 1 chửi bới, xúc phạm phóng viên: Cần phải xử lý nghiêm theo quy định!

Sau khi vụ việc phóng viên Người Đưa Tin bị một người xưng là quản lý của chủ đầu tư chung cư Vinaconex 1 dùng lời lẽ chợ búa, chửi bới, xúc phạm được đăng tải, rất nhiều độc giả bày tỏ thái độ bức xúc. Dưới góc nhìn của luật sư, hành động này là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm theo quy định.

Phải xử lý nghiêm

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, mới đây phóng viên của báo nhận được "Đơn kêu cứu" của những cư dân sinh sống tại tòa B2, chung cư Vinaconex 1 - 289A Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Những hộ dân này cho hay họ đang phải sống trong cảnh hoang mang lo lắng vì hệ thống PCCC không hoạt động. Chưa hết, có một số công trình xây dựng trái phép gây cản trở công tác PCCC, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC, người dân không được hướng dẫn sử dụng hệ thống PCCC khi mua, thuê nhà…

Đáng nói, khi phóng viên báo Người Đưa Tin đến công ty Vinaconex1 liên hệ, tìm hiểu thông tin về thực trạng công tác PCCC của chung cư do công ty quản lý thì được gặp ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng ban quản lý công ty cổ phần xây dựng số 1 (Vinaconex 1).

Tuy nhiên, sau khi được phóng viên giới thiệu và cung cấp Chứng minh nhân dân, Giấy giới thiệu theo quy định pháp luật, ông Dũng đã dùng ngôn từ chợ búa, lời nói vô văn hóa xúc phạm, đe dọa phóng viên.

Clip: Nhân viên Vinaconex 1 chửi bới, xúc phạm phóng viên Người Đưa Tin

Sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến bình luận, bức xúc về hành vi của Phó trưởng ban quản lý Vinaconex 1 Nguyễn Quốc Dũng.

Luật sư Quách Thành Lực.

Luật sư Quách Thành Lực.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: “Tại điểm c, khoản 2 điều 4 Luật Báo chí đã ghi nhận Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”.

Để thực hiện các chức năng Luật định, phục vụ quyền lợi của người dân thì trong hoạt động tác nghiệp của Phóng viên, Nhà báo các tổ chức cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin. Điều 38 Luật Báo chí về Cung cấp thông tin cho báo chí ghi nhận: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp”.

Liên quan đến vấn đề trên, một lãnh đạo Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết: “Sự việc cần xem xét nhiều yếu tố, trong luật Báo chí cũng đã có quy định rõ ràng. Khi nắm được sự việc cụ thể, phía Hội Nhà Báo sẽ có ý kiến”.

Đặc biệt nghiêm cấm hành vi: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, quy định tại khoản 11, điều 9 Luật Báo chí.

Vị đại diện công ty cổ phần xây dựng số 1 (Vinaconex 1) là ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng ban quản lý dùng ngôn từ chợ búa, lời nói vô văn hóa xúc phạm, đe dọa phóng viên là hành động không thể chấp nhận được. Hành động này là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản".

“Hành động cản trở phóng viên tác nghiệp còn là hành động xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận của nhân dân, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của cá nhân ông Dũng”, luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh.

Vi phạm luật Báo chí

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng ban quản lý công ty Cổ phần xây dựng số 1 (Vinaconex 1) lớn tiếng xúc phạm, đe dọa và xua đuổi phóng viên Người Đưa Tin.

Trao đổi thêm với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp và gặp những trường hợp cản trở tác nghiệp, đập máy quay, đánh nhà báo… đã xuất hiện nhiều".

Luật sư Vinh nhìn nhận: “Việc nhân viên dùng những lời lẽ, cử chỉ như vậy là không chấp nhận được. Cán bộ đơn vị bất hợp tác với phóng viên khi liên hệ làm việc như vậy là có khuyết điểm”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho hay: "Với những thông tin trên có thể thấy hành vi thiếu tôn trọng, lời lẽ mang tính chất đe dọa gián tiếp, bất hợp tác, thiếu tôn trọng phóng viên đã vi phạm điều cấm được quy định tại Khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí, đó là: Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật báo chí ông Nguyễn Quốc Dũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin báo chí. Như vậy, việc ông Dũng từ chối cung cấp thông tin báo chí cũng là hành vi vi phạm luật báo chí".

Văn hóa ứng xử kém

Trước những lời nói không hay đối với phóng viên, khi theo dõi sự việc trên phương tiện thông tin đại chúng, dư luận cho rằng cách ứng xử của cán bộ công ty đối với những người ở cơ quan khác đến liên hệ làm việc như vậy là không được, làm xấu hình ảnh của công ty, doanh nghiệp.

Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: “Việc tác nghiệp của phóng viên, nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí. Quy trình làm việc cũng đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, chúng ta vẫn thường thấy có những sự việc phản ứng lăng mạ như: Đánh đập, thu máy ảnh, giam giữ nhà báo… Về phía phóng viên, khi đi tác nghiệp cần phải có thông báo về tòa soạn, giấy giới thiệu của cơ quan theo đúng quy trình, còn nếu phía tòa soạn có đầy đủ giấy tờ mà phía nhân viên công ty có những lời lẽ xúc phạm như vậy là sai”.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, việc nhân viên Vinaconex 1 chửi bới, xúc phạm phóng viên như vậy là không đúng: “Nhân viên phản ứng như vậy thì rõ ràng văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp kém, thậm chí còn vi phạm đạo đức. Trong quá trình làm việc, nếu đôi bên trao đổi một cách cởi mở, hài hòa với nhau thì sự việc không đến mức khiến đôi bên căng thẳng”.

Điều 7. Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

Thanh Lam - Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-nhan-vien-vinaconex-1-chui-boi-xuc-pham-phong-vien-can-phai-xu-ly-nghiem-theo-quy-dinh-a452116.html