Vụ nhập khẩu 1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ kế đồng: Không thể đặt lợi ích doanh nghiệp trên lợi ích quốc gia

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NNPTNT, đến 10.10, cỏ kế đồng (CKĐ) - một loại cỏ cực kỳ nguy hiểm đối với nền nông nghiệp - đã 'theo chân' 1,6 triệu tấn lúa mì vào Việt Nam. Nếu không được kiểm soát tốt, số CKĐ này bị phát tán ra môi trường, thì hệ lụy vô cùng lớn.

Hình ảnh cỏ kế đồng.

Ngành nông nghiệp mất hàng trăm triệu USD vì CKĐ

Theo TS Dương Minh Tú - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), CKĐ có tên khoa học là Cirsium arvense, là loài cỏ xâm hại nguy hiểm, gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại các vườn, vùng trồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Khi cỏ này xuất hiện, chúng “tấn công” trực tiếp cây trồng và môi trường, gây tốn kém chi phí để phòng trừ, kiểm soát.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, hằng năm CKĐ đã gây thiệt hại mùa màng hàng trăm triệu USD, cộng thêm hàng chục triệu USD mua thuốc hóa học phòng trừ. Tuy nhiên, vẫn không thể diệt trừ triệt để vì chúng có bộ rễ ăn sâu xuống đất nên phun thuốc chỉ diệt trừ bộ phận trên mặt đất, mầm cỏ vẫn mọc lên từ rễ dưới đất và lại gây hại sau đó. Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (KDTV)-Cục BVTV - cho biết: 43 bang của Mỹ có cỏ này gây hại. Mỹ coi loại cỏ này là nguy hại với môi trường và nền nông nghiệp, bắt buộc phải kiểm soát. Nếu phát hiện ra hàng NK vào Mỹ có nhiễm CKĐ họ yêu cầu tái xuất ra khỏi Mỹ. Thông tin khoa học mới nhất cũng cho thấy, một nước Châu Phi đang kêu gọi thế giới hỗ trợ giải quyết loại cỏ này...

Chưa được tái xuất, ngành BVTV căng mình “canh” cỏ dại

Theo Cục BVTV, kế đồng là cỏ dại, các phương pháp xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ… không phát huy hiệu quả đáng kể mà lại vô cùng tốn kém, khó thực hiện bởi mỗi tàu hàng lúa mì NK trọng lượng lên tới hàng chục nghìn tấn. Vì vậy, ngành KDTV buộc phải chọn giải pháp thủ công là đốt hoặc nghiền các vật thể CKĐ lẫn trong các container lúa mì.

Vậy là Chi cục KDTV vùng I (Hải Phòng) và vùng II (TPHCM) phải cử cán bộ giám sát các lô hàng từ cầu cảng tới lúc vận chuyển lên container chở về kho của các nhà máy xay xát để giám sát và hướng dẫn xử lý đảm bảo tuyệt đối 100% không có bất cứ hạt CKĐ nào phát tán ra ngoài môi trường gây nguy hại cho nền nông nghiệp nước nhà. Việc làm kéo dài gần nửa năm nay đã khiến ngành KDTV trở nên quá tải khi số lượng lúa mì NK về Việt Nam nhiễm CKĐ không giảm mà ngược lại còn tăng mạnh: Tính đến ngày 10.10 đã là 1,6 triệu tấn trên tổng số trên 4 triệu tấn lúa mì NK về Việt Nam, chủ yếu là đến từ ba quốc gia Nga, Mỹ và Canada, ông Lê Sơn Hà chia sẻ. Theo Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng II Đặng Văn Hoàng và Phó Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng I Trần Thị Nhinh, giải pháp xử lý hiện tại chỉ mang tính chất tạm thời, nếu kéo dài anh chị em cán bộ KDTV sẽ kiệt sức”…

Trao đổi với PV và các DN, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV - nêu câu hỏi: Các DN lúa mì của Nga, Mỹ, Canada… trước khi XK lúa mì sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico được yêu cầu phải làm sạch CKĐ, tại sao Việt Nam lại chưa làm được? Trong khi đó, các lô hàng nông sản của Việt Nam XK sang Mỹ, EU chỉ cần phát hiện 1 con bọ rầy, 1 con rệp, 1 quả ớt, một cọng rau muống hay ấu trùng của ruồi đục quả lẫn trong nông sản, ngay lập tức sẽ bị yêu cầu tái xuất, thậm chí là tạm ngừng NK?

Cũng theo ông Hoàng Trung, lợi ích của quốc gia cần được đặt lên cao nhất, trên lợi ích cá nhân. Chính vì vậy, vẫn cần tái xuất các lô lúa mì nhiễm CKĐ nguy hiểm.

Yến Nhi

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/vu-nhap-khau-16-trieu-tan-lua-mi-nhiem-co-ke-dong-khong-the-dat-loi-ich-doanh-nghiep-tren-loi-ich-quoc-gia-638392.ldo