Vũ 'nhôm' và 2 cựu thứ trưởng công an khai gì tại tòa?

Sáng 28-1, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với năm bị cáo cựu cán bộ ngành công an bắt đầu với phần xét hỏi.

Clip: Lời khai của 2 cựu thứ trưởng công an tại tòa. Thực hiện: Đức Minh

Đáng chú ý, các bị cáo cựu cán bộ lãnh đạo Bộ công an đều đồng loạt cho rằng không biết việc Vũ “nhôm” làm, tự nhận mình thiếu trách nhiệm...

Người đầu tiên bước lên bục khai báo là bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Vũ khai hai công ty (Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79) do bị cáo thành lập, hoạt động hoàn toàn độc lập,có đăng ký chức năng là kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà hàng, cafe…

"Bị cáo chuyển tên là có lý do"

Theo Vũ “nhôm”, bị cáo kinh doanh từ năm 2000, tới nay là 18 năm. Vũ được tuyển vào ngành tình báo viên từ 2009, đến khi xuất ngũ là 2017. “Bị cáo được giao đúng một việc là làm kinh tế, phát triển tiềm lực. Tổng cục V lấy công ty của bị cáo làm tổ chức bình phong, ngoài ra không giao bất cứ một nghiệp vụ nào khác. Quá trình kinh doanh, bị cáo đã tìm hiểu hai thị trường là Đà Nẵng và TP. HCM. Tất cả mọi việc làm của bị cáo, bị cáo đều có báo cáo về Tổng cục V”, Vũ “nhôm” khai.

Dự án đầu tiên HĐXX hỏi là dự án 319 Lê Duẩn (Đà Nẵng).

. Mục đích xin nhà 319 Lê Duẩn để làm gì? Chủ tọa hỏi

+ Vũ “nhôm”: Vì vị trí này quá nhỏ, có hơn 100m2, chỉ có thể mở cửa hàng hay nhà hàng. Do tài chính của công ty 79 đang khó khăn, không đủ tiền để nộp nên tài sản này chưa thuộc về công ty…

. Hồ sơ thể hiện mục đích bị cáo xin dự án này để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, có đúng không?

+ Trong công văn xin bị cáo có nêu như vậy. Nhưng mục đích là để phát triển kinh tế.

. Đầu tiên bị cáo làm tờ trình xin được mua số nhà 319 với mục đích hoạt động nghiệp vụ. Sau đó, bị cáo lại chuyển nhà đó sang đứng tên của mình. Vì sao?

+ Bị cáo xin được trình bày cho có đầu có đuôi. Bị cáo chuyển tên là có lý do. Vì thời điểm UBND TP. Đà Nẵng ra quyết định nộp tiền, trong vòng 60 ngày, nếu không nộp tiền thì mất quyền mua. Thời điểm đó công ty 79 không có tiền để nộp, kinh tế khó khăn. Bị cáo cho công ty 79 vay số tiền đó. Để bảo đảm quyền lợi của bị cáo và Công ty 79, hai bên làm hợp đồng vay mượn. Kết luận điều tra và cáo trạng không đưa chi tiết này vào.

. Cho vay khác việc bị cáo chuyển tên quyền sử dụng sang cho bị cáo. Hai quan hệ là hoàn toàn khác nhau…

+ Nếu Công ty 79 đi vay số tiền này phải có tài sản thế chấp, nhưng công ty này không có tài sản thế chấp. Ở đây công ty không có tài sản thế chấp nhưng có ông Vũ cho mượn tiền, đó là sự may mắn. Nếu công ty 79 là công ty 100% của Tổng cục V, nếu bị cáo chiếm đoạt thì tội gì bị cáo phải chuyển tên từ công ty sang tên của bị cáo làm gì cho rắc rối, lại mất tiền thuế…

. Bị cáo nói công ty 79 không có năng lực, nếu vậy UBND TP Đà Nẵng có cho phép bị cáo mua và chuyển nhượng không?

+ Công ty 79 không chỉ làm một dự án mà làm rất nhiều dự án trong toàn quốc, mà thị trường tài chính, bất động sản khi đó như bong bóng. Công ty của bị cáo dàn trải đầu tư nhiều nhưng trong tay bị cáo có cái khó…

Vũ xin phép được trình bày, vì nếu chỉ nhìn cáo trạng sẽ oan cho bị cáo. “Sau khi nhận cáo trạng, bị cáo đã làm đơn gửi VKS xin được trình bày”- bị cáo Vũ nói.

Chủ tọa cho biết, phần tranh luận bị cáo sẽ được quyền trình bày.

"Bị cáo không biết việc Vũ làm"

HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Hữu Bách, nguyên Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V (Bộ Công an).

Ông Bách khai không nhớ đã soạn thảo bao nhiêu văn bản, nhưng “công việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ thì lãnh đạo đều giao cho bị cáo soạn thảo văn bản cả”.

. Nếu không có 6 văn bản do bị cáo soạn thảo trình lãnh đạo ký và ký nháy, Phan Văn Anh Vũ có được UBND TP Đà Nẵng và TP.HCM có nhận được các dự án đó không?

+ Nếu không có các văn bản này, Vũ vẫn nhận được dự án. Các văn bản do bị cáo soạn thảo không mang tính quyết định được hay không được mà chỉ thúc đẩy quá trình nhanh hơn.

 Bị cáo Phan Hữu Tuấn.

Bị cáo Phan Hữu Tuấn.

Chủ tọa khẳng định tất cả các văn bản do bị cáo Bách soạn thảo đều có nội dung “để phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. “Thực tế bị cáo Vũ không dùng để hoạt động nghiệp vụ mà để chuyển nhượng hoặc cho thuê”- chủ tọa nhấn mạnh.

“Những việc của bị cáo Vũ bị cáo hoàn toàn không biết. Bị cáo đã thiếu tinh thần trách nhiệm…”- bị cáo Bách nói đồng thời cho hay, quá trình điều tra, bị cáo mới được biết điều này và thấy rất ân hận về những việc mình đã làm.

"Tôi không biết gì cả"

HĐXX hỏi bị cáo Phan Hữu Tuấn, nguyên Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V (Bộ Công an).

Khi tuyển Vũ làm tình báo viên, mỗi tình báo viên có một công ty bình phong. Công ty bình phong Tổng cục V có 20% cổ phần, Công an Đà Nẵng có 20% cổ phần, đều dùng tên khác.

. Các bất động sản Vũ chuyển sang tên mình và gia đình rồi cho thuê thì có sai không?

+ Quá trình này tôi không biết gì cả. Quá trình đọc bản kết luận điều tra và kết luận, tôi nghĩ nếu các dự án này chưa sử dụng vào việc gì nên không sai. Việc chuyển nhượng này xảy ra khi tôi đã nghỉ công tác rồi.

Bị cáo Nguyễn Hữu Bách.

HĐXX tiếp tục gọi Phan Văn Anh Vũ lên bục khai báo. “Tất cả các dự án bị cáo đều sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, phục vụ hoạt động nghiệp vụ”- Vũ khẳng định.

Vũ cũng cho biết cũng tùy thuộc vào quy hoạch của thành phố. Có nhiều cái mình muốn làm nhưng thành phố không cho làm.

. Sau khi mua được, bị cáo bán lại dự án 129 Pasteur cho đơn vị nào?

+ Nói vậy cũng oan cho bị cáo, bị cáo giống như “cò”. Bị cáo muốn làm nhưng TP.HCM không cho. Sau khi bị cáo không đạt được mục tiêu của mình mới bán lại cho công ty Park Hill.

"Bị cáo không biết đằng sau đó là gì"

HĐXX hỏi bị cáo Bùi Văn Thành, cựu Trung tướng- Thứ trưởng Bộ Công an.

Liên quan đến dự án 129 Pasteur, ông Thành khai mục đích mua là xét vị trí phù hợp để phát triển căn hộ, văn phòng phục vụ cho nghiệp vụ.

. Bị cáo Vũ đã bán lại ngay dự án 129 Pasteur, bị cáo có biết không?

+ Cương vị Thứ trưởng, tôi chỉ đạo cả một bộ máy, rất nhiều công việc, không thể biết đằng sau đó là như thế nào. Bị cáo không biết, không có công ty nào trực tiếp báo cáo với bị cáo.

Bị cáo Thành sau đó khẳng định “mục đích phục vụ nghiệp vụ là không thực hiện được”.

Bị cáo Bùi Văn Thành.

Bị cáo Trần Việt Tân.

HĐXX hỏi bị cáo Trần Việt Tân, cựu Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an.

Ông Tân khai khi làm Thứ trưởng được phân công phụ trách Tổng cục V.

“Nói chính xác tôi không ký hay ký nháy văn bản nào xin được thuê, mua. Theo kết luận điều tra, tôi ký 6 văn bản liên quan đến việc thúc đẩy 6 dự án”- ông Tân nói và dẫn chứng hai văn bản liên quan đến hai dự án ở Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng xác định giá đất cho công ty bình phong sớm hoàn thành thủ tục pháp lý.

Ông Tân sau đó cũng khẳng định ông không biết việc sau khi các dự án sau được phê duyệt, Vũ đã sử dụng sai mục đích.

“Tôi không quản lý trực tiếp. Tôi phụ trách Tổng cục V chứ không phục trách B61”- ông Tân nói nhưng cũng khẳng định ông thiếu trách nhiệm, là người phụ trách nhưng không nắm được việc này.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-nhom-va-2-cuu-thu-truong-cong-an-khai-gi-tai-toa-815114.html