Vụ nổ bí ẩn ở Nga là do thử nghiệm siêu tên lửa hạt nhân thất bại?

Quan chức Mỹ nghi ngờ vụ nổ bí ẩn tại Nga khiến 7 người thiệt mạng ngày 8/8 là do thử nghiệm thất bại tên lửa hạt nhân thế hệ mới của Moscow.

Các quan chức tình báo Mỹ đang gấp rút tìm hiểu vụ nổ bí ẩn cuối tuần qua làm phát tán phóng xạ ở ngoài khơi phía bắc nước Nga.

Nhiều người nghi ngờ vụ việc là hậu quả của thử nghiệm một loại tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vũ khí này từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi là mảnh ghép chính trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.

Ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 nhà khoa học, trong vụ nổ ngày 8/8. Nhiều người đánh giá đây là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ thảm họa Chernobyl, dù có vẻ quy mô ảnh hưởng nhỏ hơn nhiều.

Giới chức Mỹ vẫn chưa phát ngôn công khai về vụ nổ hôm 8/8. Tuy nhiên, theo New York Times, sự phản ứng chậm chạp và bí ẩn của chính phủ Nga khiến nhiều thành phố và thị trấn lân cận khu vực nổ ngày càng lo lắng. Điều này cũng thu hút sự tò mò của giới phân tích tại Washington và châu Âu. Họ cho rằng vụ nổ sẽ hé lộ điểm yếu kỹ thuật trong chương trình vũ khí mới của Moscow.

Vụ nổ bí ẩn

Vụ nổ ngày 8/8 xảy ra tại điểm thử nghiệm tên lửa Nenoska nằm xa đất liền. Thông cáo ban đầu của quân đội Nga nói đây là vụ nổ động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn đang được thử nghiệm, đồng thời khẳng định mức phóng xạ vẫn bình thường.

Ảnh chụp năm 2011 của cơ sở thử nghiệm tên lửa Nenoska. Ảnh: AFP.

Ảnh chụp năm 2011 của cơ sở thử nghiệm tên lửa Nenoska. Ảnh: AFP.

Điều này mâu thuẫn với thông tin từ giới chức thành phố Severodvinsk, cách vị trí vụ nổ khoảng 40 km. Một quan chức phụ trách phòng vệ dân sự cảnh báo hai máy đo phóng xạ khí quyển ghi nhận chỉ số tăng đột biến. Truyền thông Nga sau đó cho biết mức phóng xạ tăng gấp 200 lần bình thường.

Thời điểm thông báo bị gỡ khỏi các cổng thông tin của thành phố Severodvinsk, người dân địa phương đã đổ xô đi mua iodine để phòng nhiễm xạ.

"Thông tin này đáng lẽ phải được công bố rõ đến những người có nguy cơ phơi nhiễm hoặc muốn thực hiện các biện pháp phòng tránh. Thế nhưng ở Nga họ không hành động theo kiểu đó", Aleksandr Nikitin, cựu sĩ quan hải quân Nga và chuyên gia tại nhóm nghiên cứu môi trường Bellona của Na Uy, nhận định.

Khuya 11/8, Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga (Rosatom) thông báo vụ nổ xảy ra do thử nghiệm thất bại "nguồn năng lượng sử dụng đồng vị phóng xạ cho động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng".

Đây là lần đầu tiên Nga xác nhận một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ đã phát nổ trên Biển Trắng và đang tiến hành điều tra vụ việc. Cơ quan này có 5 nhà khoa học làm việc tại nơi xảy ra vụ nổ.

Xác nhận trên tờ báo địa phương, Vyacheslav Solovyov, Giám đốc khoa học Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga, xác nhận cơ quan này đang nghiên cứu "các nguồn năng lượng quy mô nhỏ sử dụng nguyên liệu phân hạch".

Thành phố Severodvinsk, cách vị trí vụ nổ khoảng 40 km, ghi nhận mức phóng xạ tăng đột biến. Ảnh: Tass.

"Bầu trời sụp đổ"

Việc Nga liên tục thay đổi thông tin về vụ việc khiến Washington quan tâm hơn đến vụ nổ. Giới chức tình báo Mỹ nghi vụ nổ có liên quan đến phiên bản mẫu của một tên lửa hạt nhân được NATO đặt mật danh là "Bầu trời sụp đổ" SSC-X-9.

Tên lửa hành trình chạy thế hệ mới có tên gọi chính thức ở Nga là 9M370 Burevestnik. Tổng thống Putin từng khẳng định có thể bắn đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Chạy bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, tên lửa vượt qua khỏi giới hạn tầm bắn thông thường của các tên lửa chạy bằng nhiên liệu khác.

Tên lửa 9M370 được ông Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang năm 2018 với đoạn video minh họa hoành tráng, là một phần của thế hệ vũ khí mới được Nga thiết kế nhằm tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong các báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc và chính phủ Mỹ, viễn cảnh tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân đã nhiều lần được xem là mối đe dọa mới đối với an ninh quốc gia.

Trong một đánh giá về năng lực phòng thủ của Mỹ, Lầu Năm Góc mô tả "giới lãnh đạo Nga khẳng định họ sở hữu một thế hệ tên lửa mới". Nó có khả năng bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh, di chuyển sát trên tầng khí quyển, tạo ra lộ trình khó đoán và có thể đánh bại công nghệ chống tên lửa của Mỹ.

Điều này khiến tên lửa hành trình chạy bằng hạt nhân gần như không thể cản phá. Nó có thể xuyên thủng hệ thống lá chắn tên lửa ở Alaska và California, vốn được thiết kế chỉ để đánh chặn tên lửa hành trình xuyên lục địa có đường bay dễ đoán là di chuyển vào không gian rồi tái xâm nhập khí quyển.

Hình ảnh mô phỏng 3D của tên lửa hành trình chạy bằng hạt nhân 9M370 Burevestnik. Ảnh: Aviation.com.

Nga cố che giấu vụ thử nghiệm vũ khí chiến lược thất bại ngày 8/8 với những từ ngữ gây khó hiểu như "nguồn năng lượng đồng vị" cùng một loạt các bản tin không dẫn rõ nguồn được đăng tải trên truyền thông quốc gia làm nhiễu thông tin. Tuy nhiên, các ảnh chụp vệ tinh lại hé lộ một câu chuyện khác.

Ảnh vệ tinh do Planet Labs công bố ngày 8/8 ghi nhận sự xuất hiện của tàu chở vật liệu và chất thải hạt nhân Serebryanka ngoài cơ sở thử nghiệm tên lửa Nenoska.

Theo Jeffrey Lewis, chuyên gia của Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Chống phổ biến hạt nhân, chiếc Serebryanka từng được nhìn thấy tại một điểm thử nghiệm khác của tên lửa 9M370 Burevestnick. Chi tiết này cho thấy vụ thử nghiệm có thể liên quan đến tên lửa hành trình chạy bằng hạt nhân.

Lewis nhận định những thất bại khi thử nghiệm hệ thống phản lực là dấu hiệu cho thấy Nga "gặp khó khăn trong phát triển lò phản ứng nhẹ" và tạo đủ nhiệt lượng để tiếp nhiên liệu cho tên lửa. "Có thể ông Putin sẽ hiện thực hóa được điều này, nhưng cũng có thể ông ấy sẽ thất bại", Lewis nói.

Tham vọng hồi sinh sức mạnh hạt nhân

Sự cố hạt nhân ở Nenoska diễn ra giữa lúc cạnh tranh hạt nhân Nga - Mỹ vừa hồi sinh. Chính phủ Mỹ đầu tháng 8 vừa chính thức rút khỏi Hiệp định Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được ký từ thời Chiến tranh Lạnh, lấy lý do Nga vi phạm thỏa thuận trong thời gian dài. Hiệp định hạn chế các lực lượng hạt nhân, New START, có khả năng không được gia hạn dù chỉ 2 năm nữa là kết thúc.

Những vũ khí siêu thanh và vũ khí hạt nhân dưới biển vẫn chưa được quy ước nghiêm cấm trong bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào. Điều này cho phép Moscow thoải mái phát triển, thử nghiệm và triển khai thế hệ vũ khí mới.

Vũ khí thế hệ mới mà Nga đang theo đuổi phát triển được xem là một phần trong tham vọng hồi sinh nước Nga trở lại vị thế siêu cường mà Liên Xô từng nắm giữ thông qua sức mạnh hạt nhân.

Khi ông Putin lần đầu đề cập đến các vũ khí mới vào năm 2018, phần lớn sự quan tâm của giới quốc phòng tập trung vào tàu ngầm không người lái Poseidon. Trong kịch bản xảy ra chiến tranh hạt nhân, các quan chức Mỹ lo ngại thiết bị này cho Nga khả năng phát động đợt tấn công hạt nhân thứ hai nhắm vào bờ Tây nước Mỹ ngay sau màn không kích đầu tiên.

"Từng không ai muốn nói chuyện với chúng ta. Giờ đây, họ buộc phải lắng nghe chúng ta", ông Putin tuyên bố năm 2018 về ý định xây dựng kho vũ khí chiến lược mới cho đất nước.

Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu thế hệ vũ khí mới của ngành quốc phòng Nga năm 2018. Ảnh: Getty.

9M370 Burevestnik, hay "Bầu trời sụp đổ" SSC-X-9, được xem là vũ khí có tương lai hứa hẹn nhất trong kho vũ khí thế hệ mới mà ông Putin nhắm đến. Đây là câu trả lời cho những vũ khí có khả năng "không kích toàn cầu" của Mỹ, được phát triển để bắn đến mọi vị trí trên Trái Đất nhưng không có đầu đạn hạt nhân.

SSC-X-9 dường như chưa thành công như Moscow từng khoe. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình gặp nhiều thất bại, trước cả thảm họa tuần qua ở Nenoska.

Giới tình báo Mỹ đang tìm hiểu liệu sự cố ngày 8/8 đã làm bốc hơi toàn bộ giấc mơ hồi sinh kho vũ khí hạt nhân của nước Nga, hay chỉ là một bước lùi trong nỗ lực phát triển vũ khí tầm xa thế hệ mới mà Mỹ không thể cản phá.

Nhiều chuyên gia vũ khí cho rằng ông Putin đang theo đuổi một ảo tưởng cũ. Công nghệ mà Nga đang nghiên cứu từng được Mỹ thử nghiệm nhưng thất bại trong hai thập niên 1950 và 1960, giữa cao trào Chiến tranh Lạnh Xô - Mỹ.

"Cá nhân tôi cho rằng nỗ lực phát triển tên lửa hành trình chạy bằng hạt nhân với tầm bắn vô hạn là ý tưởng điên rồ", Ankit Panda, chuyên gia hạt nhân tại tổ chức Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

"Vẫn chưa rõ liệu ai trong bộ máy công nghiệp quốc phòng Nga đã thuyết phục thành công giới lãnh đạo nước này, vốn không thể hiểu biết sâu về mặt kỹ thuật, rằng đây là một ý tưởng hay. Công nghệ này từng được Mỹ thử nghiệm nhưng đã nhanh chóng nhận ra nhiều giới hạn và rủi ro. Họ nhận thấy tốt nhất là từ bỏ nó", ông nói.

Chuyên gia quân sự Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm Các xu thế Chiến lược tại Moscow, mô tả những thí nghiệm mà Nga theo đuổi là công trình "mang tính tiên phong" khai phá một công nghệ mới nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

"Trong thử nghiệm thì điều gì cũng có thể xảy ra", ông đánh giá.

Giới chức tình báo Mỹ còn nghi ngờ Trung Quốc đang theo đuổi một dự án tương tự. Những cáo buộc này nếu chính xác sẽ cho Washington thêm lý do để đầu tư phát triển vũ khí hạt nhân mới đối phó chính sách tăng cường hạt nhân của đối thủ.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa diệt mục tiêu trong 3 phút Tàu hộ vệ tên lửa Stoikiy phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran đánh trúng mục tiêu giả định chỉ trong 3 phút tại cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Baltic.

Thanh Danh
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vu-no-bi-an-o-nga-la-do-thu-nghiem-sieu-ten-lua-hat-nhan-that-bai-post977837.html