Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Ngăn chặn nguồn thải để xử lý tận gốc

'Các cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố nguồn nước cấp cho Nhà máy Nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là biện pháp tình thế, không mang tính bền vững. Nếu không có biện pháp ngăn chặn nguồn thải tận gốc, những sự cố trên hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai'.

Đó là chia sẻ của ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, về những biện pháp ngăn chặn nguồn nước cấp cho Nhà máy Nước sông Đà bị ô nhiễm.

Ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.

Ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.

Xin ông cho biết, nước nhiễm dầu có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và sức khỏe của người dân?
Trong thành phần của dầu mỡ khoáng (dầu máy - PV) có chứa nhiều chất gây ung thư như các hợp chất có vòng thơm benzene, ethylbenzene, toluene, xylene… Ngoài ra, dầu khoáng còn chứa các chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, bất tỉnh…

Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ khoáng, xăng, dầu có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi… thậm chí có thể gây ưng thư, tử vong.

Ngoài ra, dầu mỡ khoáng cũng gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái sông, biển, với hàm lượng dầu từ 0,2mg/l trong nước biển cũng đủ làm chết các phù du - nguồn thức ăn cho cá, tôm và làm thối, hỏng trứng cá, tôm do tạo màng bề mặt, làm giảm lượng oxy trong nước dẫn đến chết các loài thủy sinh.

Bên cạnh đó, dầu mỡ khoáng còn tích lũy trong lớp trầm tích ven bờ và đáy sông, biển làm suy giảm thành phần loài hoặc nguy hiểm hơn là làm biến mất các loài sinh vật đáy, làm chết lớp bùn hoạt tính, các vi sinh vật trong hệ thống xử lý nước thải.
Như vậy có thể thấy, ô nhiễm nguồn nước do hệ thống dầu thải chưa qua xử lý là câu chuyện không chỉ của riêng Nhà máy Nước sông Đà. Vậy việc xử lý ở Hà Nội đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Như đã nói, hậu quả của tình trạng ô nhiễm dầu, mỡ là rất nghiêm trọng đối với hệ thống thoát nước, hệ sinh thái và sức khỏe của người dân, đặc biệt với những người vô tình tiếp xúc dù thời gian ngắn hay dài. Từ thực tế trên, đơn vị đã có báo cáo và đề xuất UBND TP Hà Nội, các sở, ngành giải pháp tách dầu mỡ trước khi đấu nối với hệ thống thoát nước TP.

Ngày 1/2/2019, UBND TP đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị triển khai ứng dụng thiết bị tác dầu mỡ ại các khu vực kinh doanh có phát sinh chất thải dầu mỡ trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, đơn vị đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị tách dầu mỡ, đồng thời phối hợp với UBND các địa phương kiểm tra việc xả nước thải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trước khi xả ra hệ thống thoát nước. Đây là thiết bị được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, thân thiện với môi trường lần đầu áp dụng tại Việt Nam và có khả năng xử lý hơn 95% lượng dầu mỡ tồn đọng trong nước.

Đến nay, đơn vị đã lắp đặt được gần 100 thiết bị, trong đó hơn 90 thiết bị tách dầu mỡ (dầu mỡ của các cơ sở kinh doanh quán ăn) và 4 thiết bị tách dầu mỡ khoáng trên địa bàn TP và các địa phương lân cận đem lại kết quả sau xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, số lượng các đơn vị có phát sinh dầu mỡ tiến hành lắp đặt hệ thống lọc dầu mỡ vẫn quá ít so với thực tế.

Cống xả của Nhà máy nước sông Đà xả ra... bốc mùi khó chịu. (ảnh: Công Trình).

Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân lớn nhất là chưa có quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ trước khi xả ra hệ thống thoát nước, môi trường cũng như quy chuẩn áp dụng đối với nước thải của các cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh đó, quy định “Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường” mới chỉ quy định đối với nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất mà chưa có quy định đối với nước thải phát sinh từ các hộ kinh doanh…

Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, bổ sung nội dung đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở kinh doanh trong kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận đăng ký của UBND cấp huyện. Bởi đây là các cơ sở kinh doanh có điều kiện và hoạt động phải tuân thủ đúng pháp luật về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Đồng thời, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với nước thải của các cơ sở kinh doanh và quy chuẩn xả nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý chất lượng nước xả thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước đô thị…
Trở lại với sự cố nguồn nước cấp cho Nhà máy Nước sông Đà bị nhiễm dầu, theo ông, làm thế nào để ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra?
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố nguồn nước cấp cho Nhà máy Nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là biện pháp mang tính đối phó, không bền vững, những sự cố trên hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Để ngăn chặn những tình huống tượng tự có thể xảy ra, việc đầu tiên là phải ngăn chặn, kiểm soát được hành vi đổ trộm phế thải như sự cố vừa qua. Đồng thời, yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp phải lắp đặt hệ thống xử lý dầu mỡ, chất thải trước khi thải ra môi trường, kiên quyết xử lý, thậm chí cần thiết đóng cửa những cơ sở cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, tại các khu vực nguồn nước dẫn vào hệ thống cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, camera… để kiểm tra, giám sát mức độ an toàn của nguồn nước.
Xin cảm ơn ông!

Vân Nhi (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-nuoc-song-da-nhiem-dau-ngan-chan-nguon-thai-de-xu-ly-tan-goc-355270.html