Vụ ô tô khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc: Vì sao chưa quyết định tố tụng?

Cơ quan điều tra chưa có quyết định tố tụng nào liên quan đến vụ tai nạn xe ô tô khách đâm xe cứu hỏa bởi đang thu thập, đánh giá tài liệu chứng cứ.

Cơ quan điều tra chưa có quyết định tố tụng nào liên quan đến vụ tai nạn xe ô tô khách đâm xe cứu hỏa bởi đang thu thập, đánh giá tài liệu chứng cứ.

Liên quan đến vụ tô tô khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (huyện Thường Tín, Hà Nội) khiến một chiến sĩ cảnh sát PCCC tử vong, trao đổi với Pv báo Dân Việt, một lãnh đạo Công an huyện Thường Tín cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn, tài xế xe khách cũng bị thương nhẹ nên cơ quan chức năng đã đưa vào viện. Cơ quan điều tra đang thu thập lời khai của lái xe khách, các nhân chứng trong vụ tai nạn.

Lãnh đạo Công an huyện Thường Tín cho biết thêm: Cơ quan điều tra chưa có quyết định tố tụng nào liên quan tới vụ tai nạn bởi đang thu thập, đánh giá tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, bước đầu cơ quan điều tra xác định, xe cứu hỏa là xe ưu tiên được phép đi ngược chiều trên cao tốc. Về phần xe khách, tài xế có giấy phép lái xe đầy đủ và thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe khách chạy trong khoảng tốc độ cho phép trên cao tốc, dưới 100 km/h.

Cụ thể, trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chiếc xe khách 29B-078.43 (xe khách trong vụ tai nạn với xe cứu hỏa) chạy tốc độ 88 km/h. Trong khi, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được lưu thông tối đa 100 km/h ở tất cả các làn, trừ làn khẩn cấp.

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

"Do vụ tai nạn có liên quan tới cán bộ công an nên Công an huyện đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự công an thành phố điều tra", lãnh đạo Công an huyện Thường Tín nói.

Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Tri thức Trực tuyến, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng cần xem xét trách nhiệm từ cả hai phía.

Luật sư Thơm cho rằng, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không gây cản trở cho xe ưu tiên. Trong vụ việc này, xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ nên có quyền đi ngược chiều. Dù đã có tín hiệu cảnh báo nhưng do tài xế xe khách thiếu quan sát, không giảm tốc độ và nhường đường nên để xảy tai nạn.

Về phía xe cứu hỏa, luật sư Thơm cho hay cần phải xem xét cách xử lý của Cơ quan phòng cháy chữa cháy trong việc điều động xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ khi lưu thông trên đường cao tốc.

Khi Cơ quan PC&CC nhận được tin báo và điều động xe cứu hỏa đi vào đường cao tốc cần thiết phải thông báo cho CSGT đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường đó hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện khác nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Nếu cơ quan PC&CC chưa có biện pháp thông báo cho CSGT hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc thì cũng cần thiết phải xem xét trách nhiệm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Như tin tức đã đưa, khoảng 16h30 ngày 18/1, nhận thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng giữa ôtô chở khách 16 chỗ với ôtô tải trên cao tốc Pháp Vân (đoạn qua địa phận xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội), Phòng cảnh sát PCCC số 12 đã điều một xe cứu hỏa cùng nhiều cán bộ chiến sĩ đến hiện trường cứu hộ những người bị thương, mắc kẹt trong ôtô khách 16 chỗ.

Khi di chuyển ngược chiều trên cao tốc để đến địa điểm xảy ra tai nạn, xe cứu hỏa không may bị một ôtô khách tông trực diện. Vụ tai nạn khiến chiến sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi, cán bộ đội Cảnh sát PC&CC số 12) tử vong, nhiều người khác bị thương.

Hoàng Yên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/vu-o-to-khach-dam-xe-cuu-hoa-tren-cao-toc-vi-sao-chua-quyet-dinh-to-tung-a223112.html