Vụ ông Nguyễn Đức Tồn: Đây là khoa học, không phải tranh chấp bản quyền

'Việc ông Tồn đạo văn, sao chép gần như toàn bộ luận án của tôi như. Kết luận của HĐCD GS ngành Ngôn ngữ học năm 2002 và như những phản ánh của báo chí gần đây, là hoàn toàn đúng' - TS Nguyễn Thúy Khanh khẳng định.

Như Dân Việt đã thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập Tổ thanh tra để quyết liệt làm rõ nghi án đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, báo cáo lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Được biết, Tổ thanh tra đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng từng tham gia giải quyết vụ việc vào những năm 2002, 2006, đây là thời điểm hồ sơ xin phong Giáo sư của ông Nguyễn Đức Tồn bị bác.

TS Nguyễn Thúy Khanh – nguyên Trưởng Phòng Từ điển học, Viện Ngôn ngữ là một trong những người đã làm việc với Tổ Thanh tra. TS Khanh cũng là một trong những người cho rằng đã bị ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn.

Dưới đây là bài viết TS Khanh gửi đến Báo Điện tử Dân Việt, làm rõ thêm thông tin xung quanh vụ việc.

Nghi vấn ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn đang được Bộ GDĐT làm rõ. IT

Nghi vấn ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn đang được Bộ GDĐT làm rõ. IT

“Tôi là Nguyễn Thúy Khanh, sinh ngày 29.8.1951, là cán bộ, nguyên Trưởng phòng Phòng Từ Điển Học, Viện Ngôn Ngữ học, nghỉ hưu năm 2008.

Tôi đã hợp tác với ban Thanh tra của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong việc làm sáng tỏ một số vấn đề còn nghi vấn hoặc chưa rõ ràng, liên quan đến luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga)” (bảo vệ 1996) của tôi, trong nghi vấn đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn với cuốn sách “Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt” của ông.

Tôi xin có một số ý kiến khẳng định quan điểm cá nhân về việc này như sau:

1. Cuốn luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” là do tôi viết, trên cơ sở tư liệu khác hoàn toàn với luận án của ông Tồn (từ ngữ chỉ tên gọi bộ phận cơ thể người) nên không thể có sự trùng lặp.

Tư liệu tiếng Việt và tiếng Nga, tư liệu thực nghiệm do tự tay tôi thống kê, phân tích, tổng hợp và viết bài (ông Tồn không có tư liệu này, chỉ được xem một số phiếu xử lí ban đầu của tôi và rất hài lòng, không có ý kiến gì).

Đề cương chi tiết của luận án do tôi viết (sau khi tôi đã phân tích, xử lí xong toàn bộ phần tư liệu), sau đó có sự bổ sung, góp ý của ông Tồn với tư cách người hướng dẫn tôi (không có chuyện “viết hộ” như ông Tồn có lần nói).

Sau khi có sự chuẩn bị khá kĩ về lí luận, đề cương chi tiết và tư liệu tôi bắt tay vào viết. Thời kì này tôi hoàn toàn độc lập, không cần sự giúp đỡ của người hướng dẫn. Từ khi đặt bút viết cho đến khi hoàn thành toàn bộ các chương (viết tay) của luận án, tôi mới đưa cho ông Tồn xem. Lúc đó, Ông Tồn chỉ đọc nhanh tại chỗ, sắp xếp, ghi lại bằng chữ in đầu đề các chương của luận ánvà không đặt bút chữa luận án của tôi một câu,một ý nào. Trong quá trình viết, tôi chỉ đưa cho ông Tồn xem những bài viết của tôi (trích từ các chương của luận án) trước khi tôi đưa đăng tạp chí và ông Tồn cũng không phải chữa bất kì một bài nào.

Vì vậy, không có chuyện ông Tồn “gợi ýcho tôi chuyển các chương thành bài viết” như ông nói . Đấy chỉ là một cách nói để lí giải, hợp pháp hóa cái “công” và “lí” trong chuyện ông bê nguyên xi các chương luận án của tôi vào sách của ông. Thực tế, tôi hoàn toàn chủ động trong cách viết các bài báo sau khi đã hoàn thành các chương của luận án, mà không cần phải viết đi viết lại.

Theo TS Nguyễn Thúy Khanh phản ánh của báo chí về vụ việc ông Nguyễn Đức Tồn là hoàn toàn đúng. IT

2. Về ý kiến của ông Tồn: “Các tài liệu tham khảo chính của luận án trong đó có các tài liệu bằng tiếng Nga được dựa trên các tư liệu và kết quả nghiên cứu từ trước đó của ông Tồn”, tôi cho rằng đây là một cách nói rất tinh vi, nhằm mục đích mập mờ, không rõ ràng.

Ở đây cần phải nói rõ:

Với tư cách là người hướng dẫn, ông Tồn có gợi ý và cho tôi danh sách các tài liệu tham khảo, cho tôi mượn sách. Đó là chuyện bình thường giữa người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Vấn đề, đây là những tài liệu tiếng Nga mà tôi phải tự đọc, tự dịch, tự tổng hợp. Không liên quan gì tới việc ông Tồn cũng đọc hay cũng thu thập những quyển sách đó. Đây chỉ là một cách lèo lái để biện hộ cho việc ông Tồn chép luận án của tôi mà thôi.

Khi viết luận án tôi đã có hơn hai mươi năm làm từ điển và nghiên cứu từ vựng ngữ nghĩa. Sau khi cuốn từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Giải thưởng Nhà nước), chúng tôi được đi thực tập ở Nga 2 năm và được coi là những người có khả năng nghiên cứu độc lập. Vì vậy mới có chế độ bảo vệ luận án tiến sĩ đặc cách. Tức là, trên cơ sở những nghiên cứu đã có của mình có thể phát triển lên thành luận án tiến sĩ (thời hạn là 1 năm). Đó cũng là lí do luận án không ghi “người hướng dẫn” mà ghi” cố vấn khoa học”. Luận án của tôi có quyết định chính thức vào ngày 29.10.1994 nhưng thực tế tôi đã triển khai đề tài từ năm1993. Cụ thể là đầu năm 1994 tôi đã có 3 bài báo thuộc chương II của luận án và một bài báo đăng 1995: 1)”Đặc điểm định danh của trường tên gọi động vật tiếng Việt đăng ở TC VHDG, số 1,1994; 2) “Đặc điểm định danh của trường tên gọi động vật tiếng Nga trong sự so sánh đối chiếu với tiếng Việt.” đăng ở TC VHDG s.2,1994; 3) “Đối chiếu ngữ nghĩa của trường tên gọi động vật tiếng Việt với tiếng Nga.” Đăng ở TCNNH, s.2,1994. 4) “ Một vài nhận xét về thành ngữ so sánh có tên gọi động vật tiếng Việt” đăng ở Tạp chí NNH số 3,1995.

3. Về bằng chứng của ông Tồn cho rằng viết hộ đề cương cho tôi, ý kiến của tôi như sau:

Khi bàn với ông Tồn về đề cương luận án, tôi chưa bao giờ nhìn thấy tờ giấy “viết hộ” đó. Hơn nữa, nếu viết hộ tôi thì tờ giấy đó phải ở trong tay tôi chứ sao ông Tồn lại cầm?

Cuốn Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ngôn ngữ ở người Việt của ông Nguyễn Đức Tồn được cho là đạo văn của học trò.

4. Về cuốn sách chuyên khảo “Đặc trưng văn hóa dân tộc và tư duy ngôn ngữ của người Việt” của ông Nguyễn Đức Tồn có nội dung sao chép luận văn của tôi, ý kiến của tôi như sau:

Trước tiên tôi khẳng định: việc ông Tồn đạo văn, sao chép gần như toàn bộ luận án của tôi như. Kết luận của HĐCD GS ngành Ngôn ngữ học năm 2002 và như những phản ánh của báo chí gần đây, là hoàn toàn đúng.

Việc sẽ ra chung một chuyên đề về “đặc trưng văn hóa….”, tôi và ông Tồn đã thống nhất từ khi tôi viết luận án. Vì như đã nói,mục đích các đề tài của tôi và ông Tồn, chị Thu là để dẫn đến vấn đề “đặc trưng văn hóa của ngôn ngữ và tư duy của người Việt”.

Như đã nói, sau khi tôi bảo vệ luận án (1996), trái với kế hoạch ban đầu,ông Tồn đã một mình đăng kí đề tài cấp Viện chuyên đề về “đặc trưng văn hóa…”.

Năm 2002, khi ông Tồn ra cuốn sách nói trên thì câu chuyện mới vỡ lở. Việc ra sách mà không có tên tôi, không có ý kiến của tôi cũng có thể thông cảm. Còn việc “trích dẫn” theo kiểu bê nguyên văn gần như cả các chương của luận án của người khác vào thì ông Tồn phải chịu trách nhiệm.

Cuốn sách này của ông Tồn đã hai lần bị Hội đồng chức danh giáo sư không chấp nhận, đã nhiều lần bị đưa ra giải quyết trong chi bộ Viện Ngôn ngữ học và Đảng bộ Viện KHXHVN (nay là Viện Hàn lâm KHXHVN). Những lần đó tôi không được tham dự.

Trong lần cuối Viện KHXHVN tổ chức buổi làm việc công khai, tôi đã chủ động ngồi đối diện với ông Nguyễn Đức Tồn và lần đầu tiên chính thức có bài phát biểu dài, rõ ràng, có tình có lí về những vấn đề ông Tồn đã vu cáo cho tôi khi tôi không có mặt. Lúc đó ông Tồn không có một phản ứng gì.

Chuyện này cứ nhùng nhằng, không thấy có kết luận, nhưng sau đó Viện NNH bị chia tách thành hai viện: “Viện Từ điển học và bách khoa thư”và “viện NNH”. Ông Nguyễn Đức Tồn được cử làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học .Cán bộ Viện Ngôn ngữ học chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Kết luận:

Nói tóm lại, những lí lẽ của ông Tồn, lúc thế này, lúc thế khác, tất cả chỉ là để chống chế, cố gắng biện minh cho việc làm sai trái và không thể chối cãi của ông là bê gần như nguyên xi luận án của tôi vào cuốn sách của ông.

Một cách khiêm tốn và công tâm nhất, tôi đánh giá, luận án của tôi lúc đó được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc. Người hướng dẫn hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ “cố vấn khoa học” của mình. Nghiên cứu sinh cũng chủ động thực hiện và hoàn thành tốt luận án của mình. Chúng tôi đã có mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau, nếu như không có chuyện này xảy ra.

Cuối cùng, chúng tôi muốn đặt niềm tin và hi vọng vào lần xem xét cuối cùng này của Ban thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mong rằng sẽ có một kết luận công tâm, xác đáng để có thể nhanh chóng khép lại sự việc bất đắc dĩ đã kéo dài gần hai thế kỉ (2002-2018). Chúng tôi nay cũng đã xấp xỉ tuổi 70 rồi, chỉ mong muốn một cuộc sống yên bình, vui vẻ.

Tôi xin cam đoan những vấn đề tôi viết ở trên là hoàn toàn đúng sự thật. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

PV

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/vu-ong-nguyen-duc-ton-day-la-khoa-hoc-khong-phai-tranh-chap-ban-quyen-950465.html