Vụ ông 'trùm' Phượng 'râu': Cục Kiểm lâm nói gì?

Liên quan đến ông 'trùm' Phượng 'râu, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng khẳng định, tính chất vụ việc, đối tượng hoạt động như vậy mà kiểm lâm không biết thì phải xem xét trách nhiệm trong quản lý địa bàn.

Ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ quan này đã cử lãnh đạo vào để chỉ đạo Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, Kiểm lâm vùng 4 và kiểm lâm địa phương rà soát, xem có phá rừng tại VQG Yok Đôn hay không; đồng thời đôn đốc các đơn vị liên quan, phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh làm rõ vụ việc.

Theo ông Tùng, Cục Kiểm lâm đã yêu cầu kiểm lâm các địa phương báo cáo về vụ việc. Ngoài ra, Cục Kiểm lâm trực tiếp phối hợp cùng Công an tỉnh Đắk Nông tham gia kiểm đếm số lượng gỗ tại xưởng của Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu” tại Cư Jút, Đắk Nông). “Sau khi kiểm đếm sẽ phân loại, xác minh nguồn gốc và đối chiếu hồ sơ. Công tác kiểm điểm đã gần hoàn tất, dự kiến có khoảng 200 – 300m3 với nhiều loại gỗ khác nhau” - ông Tùng cho hay.

Ông Tùng cho rằng, với tính chất vụ việc, đối tượng hoạt động như vậy mà kiểm lâm không biết thì cũng phải xem xét trách nhiệm trong quản lý địa bàn. “Quan điểm của Cục Kiểm lâm, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che; nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị cơ quan điều tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Bước đầu, chúng tôi xác định không có phá rừng ở VQG Yok Đôn và các khu vực xung quanh”, ông Tùng thông tin.

Nhiều loại gỗ đang ở bãi của Vượng "râu" là gỗ tươi

Về việc bãi gỗ và lán trại của Phượng “râu” hiện diện trong khu vực VQG Yok Đôn quản lý, Cục Kiểm lâm cho biết, từ những năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho công ty của Phượng “râu” trục vớt gỗ dưới lòng suối Đắk Đam. Và đến năm 2015, VQG Yok Đôn không cho công ty Phượng “râu” trục vớt gỗ nữa.

Tỉnh Đắk Lắk sau đó làm thủ tục để đấu giá tài sản số gỗ trục vớt này. VQG Yok Đôn đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đề nghị đôn đốc công ty của ông Phượng phải vận chuyển gỗ ra khỏi khu vực vườn. Cũng theo ông Tùng, năm 2017, Sở Tài chính Đắk Lắk mới làm xong thủ tục đấu giá gỗ nên phía công ty ông Phượng chưa di chuyển hết gỗ ra nên vẫn còn lán trại để trông coi.

Cuối tháng 3, VQG Yok Đôn đã có văn bản gửi Sở Tài chính Đắk Lắk đề nghị đôn đốc công ty của ông Phượng sớm vận chuyển số gỗ đấu giá ra khỏi khu vực vườn quản lý. Theo văn bản này, tại địa phận do vườn quản lý (khu vực Quốc lộ 14C và khu vực vành đai biên giới thuộc Đồn BP 747 quản lý) còn tồn đọng khối lượng gỗ trục vớt dưới lòng suối Đắk Đam do Sở Tài chính đã bàn giao cho ông Nguyễn Thành Kiệt (Giám đốc Công ty Thảo Trúc, trú tại Cần Thơ) và ông Phan Hữu Phượng (trú thị trấn Ea T’ling, Cư Jút, Đắk Nông) nhưng chưa vận chuyển xong.

VQG Yok Đôn đề nghị Sở Tài chính đôn đốc chủ gỗ nhanh chóng vận chuyển số gỗ trên ra khỏi địa phận vườn quản lý trước ngày 10-4 để tránh nguy cơ cháy rừng, lây lan vào các bãi gỗ; đặc biệt, tránh đối tượng xấu lợi dụng trà trộn vào khu vực bãi gỗ, thực hiện các hành vi xâm hại vào rừng. Sở Tài chính Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị ông Phan Hữu Phượng vận chuyển số gỗ trên ra khỏi khu vực VQG Yok Đôn thời gian sớm nhất.

Theo văn bản này, gỗ Phượng “râu” mua đấu giá, tồn đọng chỉ còn hơn 61m3 gỗ xẻ các loại từ nhóm II đến nhóm VII. Người ra vào vườn như thế nào đều do biên phòng nắm thông tin chứ VQG Yok Đôn không thể nắm được. Kiểm lâm muốn kiểm tra phải phối hợp, báo trước mới được vào. Lãnh đạo VQG Yok Đôn cũng khẳng định, để lán trại công ty Phượng “râu” nằm sát biên giới, trách nhiệm thuộc về biên phòng.

Hàng nghìn mét khối gỗ được vứt ngổn ngang tại xưởng gỗ của Phượng “râu”

Trước đó, VQG Yok Đôn đã có báo cáo gửi Tổng cục Lâm nghiệp và UBND tỉnh Đắk Lắk về vụ bắt gỗ lậu trong khu vực vườn quản lý, sát Đồn BP 747. Tại khu vực Đồn BP 747 không có bãi gỗ nào mới tập kết, mà chỉ còn gỗ trục vớt ở suối lên đã được thanh lý và lập hồ sơ chờ vận chuyển. Lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn cũng đã tiến hành kiểm tra rừng ở dọc hai bên QL14C, từ Đồn BP 747 đến huyện Cư Jút (Đắk Nông) nhưng không phát hiện dấu vết khai thác cũng như tập kết gỗ.

Theo biên bản làm việc giữa cơ quan chức năng với Đồn BP 747, cách lán trại khoảng 300m có một bãi tập kết gỗ (thuộc địa phận Campuchia). Gần lán trại có một bãi đất trống để tập kết phân loại gỗ, nghi vấn là bãi tập kết phân loại gỗ được đưa về từ Campuchia. Quá trình kiểm tra hiện trường, phát hiện tại lán trại của Phượng “râu” nhiều dụng cụ, phương tiện dùng để phục vụ việc khai thác gỗ. Khu vực lán trại nằm sát khu vực biên giới. Toàn bộ điện sáng tại lán trại được nối từ Đồn BP 747.

Liên quan đến vụ việc, ngày 27-4, các phòng nghiệp vụ Bộ Công an đã bắt giữ hai xe gỗ của ông Phượng vận chuyển ra từ khu vực VQG Yok Đôn, gần Đồn BP 747 về Cư Jút (Đắk Nông). Đối tượng Phượng “râu” cùng một số đồng bọn sau đó bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Cơ quan điều tra cũng khám xét nhà riêng Phượng “râu”, thu giữ nhiều tài liệu; khám xét các xưởng chứa gỗ, xưởng chế biến, kiểm kê lâm sản để làm căn cứ xử lý. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thong-tin-phap-luat/kiem-lam-muon-vao-kiem-tra-phai-bao-truoc-voi-bien-phong-moi-duoc-vao-489070/