Vụ phá 2ha rừng tại Quảng Bình: Có dấu hiệu hình sự?

Ngày 10/4, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 27/3, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng tuần tra trạm Kiểm lâm Troóc, thuộc hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, đã phát hiện nhiều cây gỗ bị đốn hạ, ước tính khoảng 2ha rừng tự nhiên nằm dưới chân đèo Đá Đẻo thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch.

Ngay khi nhận được báo cáo của trạm Kiểm lâm Troóc, lãnh đạo hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã chỉ đạo tổ công tác phối hợp với UBND xã Xuân Trạch tổ chức kiểm tra hiện trường.

Qua kiểm tra hiện trường, đơn vị chức năng phát hiện diện tích 2,3ha rừng bị chặt phá. Sau khi có kết quả kiểm tra, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật kết hợp với QĐ 4534/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020 thì diện tích rừng này đã được đưa vào quy hoạch, được khoanh nuôi bảo vệ, thuộc đối tượng rừng sản xuất (trước Quyết định 4534, diện tích rừng này là rừng tự nhiên nghèo kiệt được khoanh nuôi bảo vệ nhưng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng).

Hiện trường vụ phá rừng được lực lượng kiểm lâm huyện Bố Trạch phát hiện.

Hiện trường vụ phá rừng được lực lượng kiểm lâm huyện Bố Trạch phát hiện.

Qua công tác xác minh điều tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Phượng và bà Nguyễn Thị Hoàng (đều trú tại xã Xuân Trạch) đã thực hiện hành vi chặt phá rừng.

“Họ thừa nhận việc phá diện tích rừng nói trên nhằm mục đích khai phá để trồng rừng kinh tế. Qua điều tra thì diện tích này giao cho UBND xã Xuân Trạch quản lý. Và hiện nay, UBND xã Xuân Trạch đã giao cho 2 hộ này quản lý, bảo vệ nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền quản lý, bảo vệ diện tích rừng đó”, ông Tân thông tin.

Một gốc cây sau khi bị chặt phá.

“Gỗ ở đây chủ yếu là gỗ ba bét, mán đĩa, sung thuộc nhóm 7, 8; có đường kính từ 10 đến dưới 20cm, giá trị kinh tế thấp. Và việc chặt phá được thực hiện bằng phương pháp thủ công (rựa, rìu) nên rất khó phát hiện. Nhưng theo nghiên cứu đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là Nghị định 157/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì với diện tích 2,3ha nó sẽ không thuộc phạm vi xử lý hành chính mà có dấu hiệu về mặt hình sự.

Hạt Kiểm lâm Bố Trạch đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của chi cục Kiểm lâm tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”, ông Tân cho biết.

Hiện, hạt Kiểm lâm Bố Trạch đang giao trách nhiệm cho UBND xã Xuân Trạch cùng 2 hộ gia đình, trạm kiểm lâm Troóc, kiểm lâm phụ trách, có trách nhiệm bảo vệ nguyên hiện trường, tránh việc tẩu tán tang vật gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Liên quan đến sự việc, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sau khi có kết quả cụ thể, Chi cục sẽ có chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật; đồng thời, chi cục Kiểm lâm cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm của kiểm lâm sở tại, đặc biệt là kiểm lâm địa bàn được giao nhiệm vụ phụ trách, trực tiếp là trạm trưởng trạm kiểm lâm khu vực”.

Ngoài ra, ông Thái cũng cho biết đã chỉ đạo hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch có biện pháp tăng cường lực lượng kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng và đất nông nghiệp trên địa bàn. Dừng ngay các hoạt động sử dụng rừng trái phép ở các diện tích rừng được giao về cho xã quản lý, đặc biệt là quản lý chặt diện tích rừng tự nhiên.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-pha-2ha-rung-tai-quang-binh-co-dau-hieu-hinh-su-a429368.html