Vụ Phó chánh án quận 4 (TP HCM) bị bắt: Dấu hiệu vi phạm tố tụng

Theo thông tin các luật sư bảo vệ cho các bị can cung cấp, ngày 27/2, ông Nguyễn Hải Nam (SN 1974, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4) và ông Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM) bị cáo buộc 'Xâm phạm chỗ ở của người khác' sẽ hết hạn tạm giam.

Luật sư Nguyễn Văn Thân, một trong những luật sư bào chữa cho ông Nam

Luật sư Nguyễn Văn Thân, một trong những luật sư bào chữa cho ông Nam

Luật sư không được dự cung

Ông Nam và ông Tùng bị khởi tố, bắt giam liên quan đến sự việc xảy ra tại căn nhà số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM; nơi được cho là chỗ ở của bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, ngụ quận Bình Thạnh).

Ngày 25/9/2019, bà Thảo có đơn tố giác tội phạm với ông Nam và ông Tùng. Hai ngày sau, ngày 27/9/2019, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an quận 1 khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác”.

Bốn ngày sau, CQĐT Công an quận 1 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nam và ông Tùng. Lệnh bắt tạm giam có phê chuẩn của VKSND quận 1. Sau khi hết hạn tạm giam, CQĐT đã gia hạn tạm giam và ngày 27/2 tới sẽ hết hạn gia hạn tạm giam.

Trong quá trình vụ án được điều tra, các LS bào chữa cho ông Nam phản ánh CQĐT và VKSND có nhiều vi phạm và im lặng trước những kiến nghị của họ.

LS Lưu Vũ Anh (Đoàn LS TP Hà Nội), bào chữa cho ông Nam nói: “Tôi là LS tham gia vụ án ngay từ ngày ông Nam bị bắt. Lúc ở CQĐT Công an quận 1, tôi gửi nhiều kiến nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nam là trái thẩm quyền nhưng họ không trả lời. Thậm chí, họ không mời tôi dự cung lần nào. Tôi có gặp ông Nam 1 – 2 lần nhưng là do tôi đề xuất được gặp. Từ ngày hồ sơ chuyển lên CQĐT Công an TP HCM (23/10/2019), tôi chỉ được mời dự cung 1 lần qua điện thoại vào khoảng đầu tháng 2/2020. Theo tôi biết, họ nhiều lần lấy cung ông Nam nhưng không hiểu tại sao không mời tôi tham gia”.

“Mới đây nhất, tôi có đề xuất được gặp ông Nam. Tại buổi làm việc, ông Nam không làm việc thêm vì cho rằng đã khai rõ diễn biến vụ việc khi còn ở CQĐT Công an quận 1. Từ ngày hồ sơ chuyển lên cấp thành phố, ông Nam giữ quyền im lặng và không làm việc gì thêm”.

Vấn đề thứ hai mà LS Vũ Anh phản ánh là việc CQĐT, VKS không tống đạt quyết định chuyển hồ sơ vụ án từ quận 1 lên thành phố cho ông Nam và các LS bào chữa. LS đã có văn bản kiến nghị về việc này nhưng không nhận được trả lời. Cũng theo LS Vũ Anh, hiện nay ông Nam có 6 LS bào chữa. Do đó, nếu bản lời khai của ông Nam mà không có LS chứng kiến thì bản lời khai đó không hợp pháp, không có giá trị pháp lý làm căn cứ để buộc tội ông Nam. “Tất cả các kiến nghị về khởi tố, về thẩm quyền, về tống đạt hồ sơ, về tại ngoại thì không được bất cứ cơ quan nào trả lời. Đó là một việc làm vi phạm tố tụng và thiếu tôn trọng đối với LS”, LS Vũ Anh nói.

Làm mất đi quyền của bị can?

LS Nguyễn Văn Thân (Đoàn LS TP Hà Nội), bào chữa cho ông Nam cũng phản ánh chưa được mời dự cung lần nào. Duy nhất 1 lần được mời vào ngày 10/2/2020 nhưng sau đó thông báo hoãn. Giống như đồng nghiệp, LS Thân nhiều lần kiến nghị liên quan đến vụ án nhưng CQĐT, VKSND quận 1 và TP HCM không trả lời.

Đánh giá sự việc bước đầu, LS Thân nói vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai. “Qua thông tin từ báo chí, người liên quan, người nhà bị can thì quyết định khởi tố, bắt giam là quá vội vàng. Chứng cứ chưa được cụ thể, vững chắc”, LS Thân nói.

Cũng theo LS Thân, việc không tống đạt quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho bị can, cho LS là vi phạm tố tụng được quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 về chuyển vụ án để điều tra. Điều 169 quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định chuyển vụ án, VKS phải gửi quyết định đó đến CQĐT đang điều tra vụ án, CQĐT có thẩm quyền tiếp tục điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại và VKSND”.

Vẫn theo các LS, Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định rõ quyền của bị cáo là được nhận tất cả các quyết định tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Như vậy, việc không tống đạt quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho bị can, cho LS là vi phạm tố tụng, làm mất đi quyền của bị can. Vì bị can, LS có quyền khiếu nại các quyết định tố tụng. Ngoài ra, theo thông tin thì 2 LS khác của ông Nam cũng khẳng định không được mời dự cung lần nào và chỉ được gặp ông Nam một lần do chính họ đề nghị được gặp.

Chuyển hồ sơ vì thấy không thuộc thẩm quyền?

Các LS bảo vệ quyền lợi cho ông Nam cho hay, việc CQĐT Công an quận 1 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Nam là trái thẩm quyền. Vì ngay từ khi chưa khởi tố, CQĐT Công an quận 1 biết rõ chức vụ của ông Nam thông qua việc triệu tập ông Nam làm việc, khám xét nơi làm việc của ông Nam.

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 268 BLTTHS thì thẩm quyền xét xử với ông Nam là Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4 thuộc TAND TP HCM. Thẩm quyền xét xử thuộc TAND TP HCM thì phải do Công an TP HCM điều tra, khởi tố. Nhưng gần 1 tháng sau, tức ngày 23/10/2019 thì hồ sơ mới được chuyển từ CQĐT Công an quận 1 lên CQĐT Công an TP HCM. Trước khi chuyển hồ sơ, CQĐT Công an quận 1 đã thực hiện lấy lời khai nhiều lần, dựng lại hiện trường.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/vu-pho-chanh-an-quan-4-tp-hcm-bi-bat-dau-hieu-vi-pham-to-tung-495005.html