Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên: Nhiều chi tiết mới không thể bỏ qua

Bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 đã cho thấy nhiều điều trong tâm thế mới của Triều Tiên. Dường như, Bình Nhưỡng đã rất kỹ lưỡng và bài bản trong việc 'trình làng' loại 'vũ khí chiến lược lớn mới'.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và con gái trong khu vực bãi phóng tên lửa ICBM Hwasong-17. (Nguồn: KCNA)

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và con gái trong khu vực bãi phóng tên lửa ICBM Hwasong-17. (Nguồn: KCNA)

Những tính toán bài bản của Bình Nhưỡng

Cuối tuần qua, truyền thông Triều Tiên đã công bố những bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 ngày 18/11. Bức ảnh tiết lộ những chi tiết mới, làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Báo chí Hàn Quốc dẫn nguồn Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết tên lửa được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 18/11.

Tên lửa bay được 999,2 km/h, bay trong 8 phút 55 giây ở độ cao 6.040,9 km trước khi hạ cánh xuống vùng biển phía Đông Bán đảo.

Triều Tiên cho rằng vụ phóng thử là bằng chứng về "độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược lớn mới" và cho rằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần đây do Hàn Quốc và Mỹ phối hợp thực hiện là lý do khiến họ phải khai hỏa.

Không giống như các tên lửa có tầm bắn hạn chế khác, Hwasong-17 có khả năng mang nhiều đầu đạn với tầm bắn khoảng 15.000 km, đủ để vươn tới toàn bộ lãnh thổ trên đất liền của Mỹ.

Trước đó, Triều Tiên cũng phóng thử Hwasong-17 vào ngày 3/11 nhưng không thành công như dự định. Tuy nhiên, vụ phóng thử mới nhất được coi là tiến bộ lớn, mặc dù không rõ liệu Triều Tiên có đảm bảo đầy đủ công nghệ đầu đạn cho ICBM hay không.

Một tiết lộ quan trọng khác được đưa ra là Triều Tiên chính thức đề cập sự tồn tại của các đơn vị quân đội phụ trách các hoạt động ICBM - phản ánh sự đầu tư của quân đội và các nguồn lực chuyển đến các đơn vị này.

KCNA cho biết: “Vụ phóng thử đã chứng minh rõ ràng độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược lớn mới, đại diện cho các lực lượng chiến lược của Triều Tiên và hiệu suất chiến đấu mạnh mẽ của nó như một vũ khí chiến lược mạnh nhất trên thế giới”.

Triều Tiên vẫn chưa chứng minh được khả năng công nghệ của mình để đảm bảo rằng các đầu đạn có thể chịu được các điều kiện khắc nghiệt khi bay vào bầu khí quyển. Vì vậy, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm nhiều vụ phóng ICBM để tăng tốc độ tiếp thu công nghệ.

Điều đáng lo ngại là các ICBM như vậy, được thiết kế để mang nhiều đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công một số mục tiêu, bao gồm Washington, D.C. và New York, cùng một lúc. Theo nghĩa này, ICBM Hwasong có thể được gọi là “công cụ thay đổi cuộc chơi” trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn nào.

Quyết tâm không thể ngăn cản?

Để đối phó với vụ phóng thử ICBM, Hàn Quốc đã tổ chức tập trận chung với Mỹ trong ngày 20/11 với sự xuất kích của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ, hộ tống bởi máy bay phản lực F-35A của Hàn Quốc và máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Tuy nhiên, các cuộc tập trận chung cũng như việc giám sát chặt chẽ các hành động quân sự của Triều Tiên là không đủ, vì Triều Tiên hiện đang cho thấy quyết tâm thực hiện bất cứ biện pháp nào để thúc đẩy dự án tên lửa.

Trong khi đó, Liên hợp quốc lại khó có thể đưa ra lệnh trừng phạt mới với nước này do có sự hiện diện của Trung Quốc và Nga tại Hội đồng Bảo an. Bình Nhưỡng được cho là sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân như một phần trong nỗ lực triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Vấn đề mà Hàn Quốc và các đồng minh phải đối mặt là làm thế nào để ứng phó với chương trình vũ khí hạt nhân sắp hoàn thành của Triều Tiên. Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng cần phải có động thái thể hiện quan hệ hợp tác an ninh ba bên giữa Seoul, Washington và Tokyo.

Điều thu hút sự chú ý của những người theo dõi tình hình trên bán đảo Triều Tiên là những bức ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi cùng con gái trong bối cảnh phía sau là tên lửa và bệ phóng.

Giới chuyên gia nhận xét rằng việc lần đầu tiên công khai con gái của ông Kim Jong Un có thể cho thấy sự tự tin của ông liên quan đến những tiến bộ rõ ràng đang đạt được trong việc phóng thử ICBM, cũng như dấu hiệu khích lệ các nhà khoa học và kỹ sư vì đã nâng cao độ tin cậy của vũ khí.

Một số chuyên gia cho rằng những bức ảnh mới là dấu hiệu cho thấy chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một dự án dài hạn có thể được giao cho những người kế nhiệm ông trong tương lai.

Trong năm nay, Triều Tiên đã phóng tổng cộng hơn 30 tên lửa đạn đạo, trong đó có 3 tên lửa hành trình.

(theo Yonhap, KCNA)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-phong-ten-lua-dan-dao-cua-trieu-tien-nhieu-chi-tiet-moi-khong-the-bo-qua-206796.html