Vụ phóng tên lửa Triều Tiên bất ngờ thành tâm điểm tại APEC

Giữa lúc APEC chuẩn bị khai mạc, Triều Tiên phóng một tên lửa nghi là ICBM. Phó tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước liên quan họp khẩn tại APEC, nhưng khó có thể phản ứng mạnh.

Ngày 18/11, một giờ trước khi Hội nghị APEC lần thứ 29 khai mạc ở Bangkok (Thái Lan), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã triệu cuộc họp khẩn với các nhà lãnh đạo từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và New Zealand. Lý do là họ nghi Triều Tiên vừa phóng tên lửa liên lục địa (ICBM), vốn có thể vươn tới đất liền nước Mỹ.

Điều đó khiến vấn đề Triều Tiên trở thành tâm điểm trong nhiều cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo tham dự APEC.

“Tôi tin việc Triều Tiên phóng tên lửa giữa lúc có Hội nghị cấp cao APEC là có chủ ý”, ông Carl Schuster - cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ - chia sẻ với Zing.

Chưa dừng lại ở đó, sự chú ý dường như lên tới đỉnh điểm khi một ngày sau đó, hôm 19/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố hình ảnh ông Kim Jong Un cùng vợ và con gái xuất hiện tại bãi thử vụ phóng ICBM.

Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy con gái của ông Kim Jong Un tại một sự kiện công khai. Việc ông Kim để cô bé ra mắt công chúng theo cách này thể hiện ông ấy đang có thái độ thoải mái nhất định".

Vị chuyên gia nhận định rằng con gái ông Kim có thể đang được giáo dục và đào tạo để trở thành lãnh đạo, có thể là "vị trí lãnh đạo trung tâm hoặc một cố vấn hậu trường giống như cô của mình (em gái ông Kim Jong Un)".

Tuyên bố tên lửa mới được phóng là một ICBM mới có tên Hwasongpho-17, KCNA nêu rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết đất nước của ông sẽ tiếp tục đáp trả các mối đe dọa bằng vũ khí hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn Zing, ông Charles K.Armstrong - giáo sư Hàn Quốc học, khoa Lịch sử Đại học Columbia - nhận định những gì Mỹ có thể thực hiện để ngăn chặn Triều Tiên phóng tên lửa là rất hạn chế.

 Ông Charles K.Armstrong là giáo sư Hàn Quốc học, khoa Lịch sử Đại học Columbia. Ông từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Columbia và quyền giám đốc Viện Đông Á Weatherhead. Ảnh: NCNK.

Ông Charles K.Armstrong là giáo sư Hàn Quốc học, khoa Lịch sử Đại học Columbia. Ông từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Columbia và quyền giám đốc Viện Đông Á Weatherhead. Ảnh: NCNK.

“Gần đây, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm thể hiện tính sẵn sàng bảo vệ Seoul trước mối đe dọa đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, cả những lời đe dọa hay lệnh trừng phạt đều không ảnh hưởng nhiều đến hành động của Triều Tiên vào thời điểm này”, ông cho hay.

Lý giải cho nhận định này, ông cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế với Triều Tiên đều đã ở mức nghiêm trọng, do đó khó có thể trừng phạt mạnh tay hơn.

Qua đó, theo ông Armstrong, việc Triều Tiên thử hạt nhân sẽ khiến Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, song họ dường như không có khả năng đưa ra hành động mới và quan trọng.

Trong năm nay, Triều Tiên liên tục thử vũ khí, bất chấp lời chỉ trích từ Mỹ và đồng minh. Truyền thông Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã phóng thử tên lửa ở mức kỷ lục hơn 50 lần kể từ ngày 25/9.

Kế hoạch thử vũ khí của Triều Tiên bắt đầu từ tháng một, với việc phóng tên lửa siêu vượt âm mới, sau đó là tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo tầm ngắn bắn từ tàu hỏa, sân bay và tàu ngầm; và ICBM.

Khó lay chuyển Triều Tiên

Theo ông Schuster, Triều Tiên không nghĩ hành động của mình đã khiến Mỹ và đồng minh họp khẩn ngay giữa hội nghị APEC, chỉ một ngày sau khi ông Tập Cận Bình tiếp xúc song phương và ca ngợi những đóng góp của Trung Quốc cho hòa bình và ổn định.

“Vụ thử tên lửa đã chuyển trọng tâm chú ý ra khỏi các hoạt động của ông Tập tại APEC. Tôi cho rằng đây là tính toán sai sót từ giới chức Triều Tiên”, ông Schuster cho hay.

Với việc họp khẩn bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Schuster cho rằng điều này phản ánh mối quan ngại từ Mỹ và đồng minh về trước hành động làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và Đông Bắc Á nói chung.

Ngoài ra, cuộc họp cũng phản ánh mong muốn của ông Biden trong việc tạo phản ứng đồng thuận đa phương sau mỗi sự cố hoặc diễn biến quốc tế.

“Mỹ và đồng minh cũng hy vọng sự đoàn kết của họ sẽ thúc đẩy ông Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng và đòn bẩy của Trung Quốc để kiềm chế hành động của Triều Tiên”, ông nhấn mạnh.

Nhiều nhà lãnh đạo đã lên án mạnh mẽ động thái của Triều Tiên.

“Chúng tôi lên án rõ ràng hành động này và sẽ xem xét những biện pháp cần thiết”, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói sau vụ phóng của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp răn đe mở rộng để đáp trả động thái của Triều Tiên. Trong khi đó, bà Harris khẳng định hành động gần nhất của Triều Tiên đã vi phạm hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

“Vụ phóng tên lửa này làm mất ổn định an ninh trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng tình hình một cách không cần thiết”, bà phát biểu trong cuộc họp khẩn.

KCNA công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng vợ và con gái tại vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 18/11. Ảnh: KCNA.

Trước đó, Politico đưa tin hồi tháng 11 rằng một quan chức cấp cao cho biết chính quyền ông Biden đang “xem xét các biện pháp bổ sung kiềm chế Triều Tiên”.

Vài giờ sau, tại cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố mọi đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và đồng minh cũng "sẽ dẫn đến sự diệt vong” của Triều Tiên.

Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra là liệu những hình phạt và lời đe dọa có ngăn Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa không. “Ông Kim Jong Un chưa sẵn sàng đối thoại. Ông ấy cần hoàn thiện hàng loạt vũ khí trước tiên”, Jean Lee - thành viên Trung tâm Wilson - nhận định.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, giới chức Mỹ cho biết họ sẽ gặp những người đồng cấp Triều Tiên ở bất cứ đâu, kể cả ở Bình Nhưỡng - và không có điều kiện tiên quyết - để thảo luận hạt nhân và phi hạt nhân. Đồng thời, Washington đã cải thiện quan hệ với đồng minh trong khu vực, cũng như nối lại tập trận quân sự.

Politico gọi đây là sự kết hợp giữa chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu tổng thống Barack Obama và nỗ lực "ngoại giao thượng đỉnh" được thúc đẩy dưới thời ông Donald Trump. Tuy nhiên, chiến lược của ông Biden đối với Triều Tiên dường như khó có khả năng lay chuyển Bình Nhưỡng, dù những cách tiếp cận khác cũng khó đảm bảo thành công.

“Chính sách Triều Tiên của ông Biden đã đảo ngược nỗ lực của ông Trump nhằm cải thiện hoặc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Biden đồng thời quay trở lại chính sách cứng rắn điển hình hơn và khó có thể thay đổi sớm”, giáo sư Armstrong nói với Zing.

Tuy nhiên, vị giáo sư cũng nhận thấy Tổng thống Biden không đưa ra cách tiếp cận xoa dịu hơn đối với Triều Tiên mà chính quyền ông Obama đôi khi theo đuổi. Quan hệ Mỹ - Triều dường như đang đóng băng đến mức trở thành sự thù địch, cho thấy rất ít khả năng cải thiện trong tương lai gần.

“Vấn đề là Triều Tiên không phản ứng tích cực với cách tiếp cận của ông Biden. Thay vào đó, Bình Nhưỡng đã phóng số tên lửa kỷ lục trong năm nay và có khả năng thử hạt nhân lần thứ 7 trong thời gian tới”, ông lý giải thêm.

Triều Tiên “mặc kệ”

Đề cập tới các giải pháp mà Mỹ có thể đáp trả Triều Tiên, ông Armstrong cho rằng Washington và đồng minh không có nhiều lựa chọn.

“Việc can dự quân sự trực tiếp của Mỹ có thể dẫn đến thảm họa ở bán đảo Triều Tiên, Do đó, Mỹ và các đồng minh chỉ có thể tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế và phô diễn khả năng sẵn sàng quân sự”, vị giáo sư nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện nay, các biện pháp khuyến khích kinh tế và ngoại giao có rất ít hoặc không có khả năng ngăn chặn Triều Tiên thực hiện những hành động như vậy.

“Những gì chúng ta dường như đang hướng tới là tình trạng đối đầu hạt nhân vĩnh viễn hoặc ít nhất là lâu dài trên bán đảo Triều Tiên’, giáo sư Armstrong kết luận.

Triều Tiên đã liên tiếp phóng nhiều tên lửa trong thời gian gần đây. Ảnh: Reuters.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 18/11 cho biết Seoul và Washington đã tổ chức cuộc tập trận không quân chung sử dụng máy bay chiến đấu F-35A, để đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Những đợt tập trận giữa Mỹ cùng Hàn Quốc được chuyên gia Armstrong cho rằng là nguyên nhân dẫn tới phản ứng gay gắt từ phía Triều Tiên.

“Nguyên do đầu tiên là sự phản đối của Triều Tiên trước việc nối lại các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Những cuộc tập trận này vốn đã bị đình chỉ thời gian ngắn, song được nối lại dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol”, ông lý giải.

Bên cạnh đó, theo ông, xung đột tại Ukraine đã khiến Triều Tiên xích lại gần với Trung Quốc và Nga hơn để vào thế đối đầu với phương Tây. Ông nhận định rằng dường như Triều Tiên không còn muốn cố gắng cải thiện mối quan hệ với Mỹ.

Cuối cùng là việc những khó khăn trong nước đã thúc đẩy ông Kim Jong Un phô diễn sức mạnh quân sự để tăng cường vị thế, ông cho biết.

Vị giáo sư cho rằng Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân nhằm chứng tỏ nước này không thể bị tấn công hay xâm lược, nói cách khác là để duy trì quyền lực của chính quyền hiện tại, và vụ thử hạt nhân mới sẽ có cùng mục đích đó.

“Tóm lại, Triều Tiên đã có lập trường kiên quyết chống Mỹ. Dường như họ không còn đặc biệt quan tâm đến các nhượng bộ kinh tế và ngoại giao từ Mỹ và phương Tây”, ông Armstrong nói.

Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-phong-ten-lua-trieu-tien-bat-ngo-thanh-tam-diem-tai-apec-post1376548.html