Vụ phóng thử tên lửa Zircon của Nga bị tố cáo là giả mạo

Giới chuyên môn xác định tên lửa siêu thanh được phóng đi từ khinh hạm Đô đốc Gorshkov thực chất là loại 3M55 Oniks chứ không phải 3M22 Zircon như Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Báo chí Nga cho biết, cuộc thử nghiệm tiếp theo của tên lửa Zircon dự kiến diễn ra vào tháng 11 này và lại sử dụng khinh hạm Đô đốc Gorshkov thuộc biên chế Hạm đội Phương Bắc. Hải quân Nga đã lên kế hoạch tấn công mục tiêu mô phỏng tàu sân bay đối phương.

Báo chí Nga cho biết, cuộc thử nghiệm tiếp theo của tên lửa Zircon dự kiến diễn ra vào tháng 11 này và lại sử dụng khinh hạm Đô đốc Gorshkov thuộc biên chế Hạm đội Phương Bắc. Hải quân Nga đã lên kế hoạch tấn công mục tiêu mô phỏng tàu sân bay đối phương.

Dự kiến tầm bay của tên lửa chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon trong cuộc thử nghiệm mới sẽ tăng hơn gấp đôi, cụ thể nó được yêu cầu phải bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.000 km.

Dữ liệu trên đã được hãng thông tấn TASS đăng tải sau khi tham khảo từ một nguồn tin trong khu liên hợp công nghiệp - quân sự Nga, điều này thu hút sự chú ý lớn từ các chuyên gia.

Như đã đưa tin trước đó, cuộc thử nghiệm mới nhất của tên lửa siêu thanh Zircon đã diễn ra vào đầu tháng 10, nó đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 450 km. Tốc độ bay rất ấn tượng đạt Mach 8, độ cao 28 km.

Đồng thời vụ phóng lần đầu tiên được chiếu trên truyền hình Nga, tuy vậy đoạn video ngắn gọn tới mức tên lửa sau khi rời bệ phóng thẳng đứng ngay lập tức biến mất khỏi tầm nhìn, điều này gây ra một số thắc mắc cần giải đáp.

Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố thì họ nhận định vụ thử tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon thế hệ mới nhất hóa ra là giả.

Trên thực tế, tên lửa thoát ra khỏi bệ phóng thẳng đứng UKSK-M hoàn toàn không phải 3M22 Zircon - nó được xác định là tên lửa chống hạm siêu âm 3M55 Oniks phát triển từ thời Liên Xô.

Cụ thể trang blog Covert Shores của Mỹ đã ra nghi vấn, căn cứ vào đoạn video, các chuyên gia tin rằng đây thực chất là tên lửa chống hạm 3M55 Oniks.

Covert Shores đã nhận ra tên lửa Oniks căn cứ vào chi tiết phần mũi quả đạn, cũng như cách nó thoát ra khỏi bệ phóng. Ngoài ra tên lửa Oniks có ống hút khí ở mũi, lúc đầu chi tiết này được đóng bằng nắp, nhưng sau khi động cơ chính khởi động, nắp che văng ra và tên lửa rời đi.

Theo các chuyên gia Mỹ, tên lửa Zircon có phần mũi rất hẹp và hình dáng tổng thể không cân xứng, hoàn toàn khác biệt với quả đạn đã bay đi từ khinh hạm Đô đốc Gorshov.

"Nếu xem kỹ đoạn video, bạn có thể thấy hình dạng tên lửa được phóng giống hệt Oniks và khác với Zircon đã từng được đăng tải trước đó, đồng thời màu sắc quả đạn thử nghiệm cũng trùng khớp".

"Chưa rõ chúng ta đang nói về việc thử nghiệm Zircon hay tên lửa vẫn chỉ đang trong quá trình phát triển, nhưng có khả năng Nga tiến hành vụ thử bằng đạn 3M55 và công bố thông tin sai lệch nhằm tung hỏa mù với đối phương", Covert Shores nhận định.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia còn cho rằng với tầm bắn rất xa của mình, tên lửa Zircon dự kiến sẽ được dẫn đường bằng vệ tinh trong giai đoạn giữa, ngoài ra đầu dò radar chủ động của nó cũng phải làm thật đặc biệt để chịu được tốc độ rất cao do ma sát không khí.

Tầm xa 1.000 km được hiểu là tên lửa Zircon thực hiện đường bay theo kiểu "đạn đạo" khi lên tới độ cao rất lớn rồi bổ nhào xuống, phương thức này cho tầm bắn tối ưu nhưng lại dễ bị phát hiện bởi hệ thống phòng không hạm tàu.

Chính vì vậy trong thời gian tới dự kiến Nga sẽ phải nghiên cứu cách thức để Ziron có thể hạ độ cao xuống, tuy nhiên khi đó chưa rõ vận tốc tối đa cũng như tầm bay xa nhất mà tên lửa 3M22 sẽ đạt được là bao nhiêu?

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-vu-phong-thu-ten-lua-zircon-cua-nga-bi-to-cao-la-gia-mao-post449455.antd