Vụ quán phở Hòa bị 'khủng bố': Sao không ngăn chặn từ đầu?

Trong vòng 20 ngày, quán phở Hòa đã 8 lần bị người lạ tấn công bằng sơn, mắm tôm, nhưng đều không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan công an.

Vì sao cơ quan chức năng chậm vào cuộc xử lý các vụ việc như vậy? Sao không ngăn chặn ngay từ lần "khủng bố" đầu tiên?

Quán Phở Hòa Pasteur phải đóng cửa để khắc phục hậu quả. Ảnh: Người Lao động

Quán Phở Hòa Pasteur phải đóng cửa để khắc phục hậu quả. Ảnh: Người Lao động

Những ngày qua dư luận vô cùng phẫn nộ trước sự lộng hành của giang hồ đất Sài Thành khi liên tục "khủng bố" quán phở Hòa (đường Pasteur, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh) bằng cách tạt sơn, mắm tôm, chất bẩn… khiến thực khách phải hoảng loạn bỏ chạy, còn chủ quán thì phải đóng cửa, cầu cứu công an.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh cho hay, đang điều tra vụ việc quán phở Hòa bị một số đối tượng tạt mắm tôm, hắt sơn… gần 2 tháng nay. Đồng thời, Công an TP Hồ Chí Minh cũng vào cuộc để điều tra và phía Bộ Công an phía Nam cũng quan tâm, theo dõi sát sao vụ việc này.

Như truyền thông đã đưa tin, ông Phạm Tùng Linh (chủ quán phở Hòa) cho biết trong vòng 20 ngày, quán của ông đã 8 lần bị người lạ tấn công bằng sơn, mắm tôm. Nguyên nhân của sự việc này là do người con rể thứ 6 của gia đình là ông Trần Anh Tuấn có nợ nần với một số người bên ngoài xã hội và quán phở Hòa bị “tai bay vạ gió”.

Đây không phải là lần đầu tiên, mà chỉ là một trong số nhiều những nhóm giang hồ có những hành động mang tính chất khủng bố tinh thần “con nợ” và người thân của “con nợ”. Dư luận vừa qua thực sự nóng với một loạt vụ những băng nhóm cộm cán chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Ví như: Trung tuần tháng 5/2019, gia đình bà Đỗ Thúy Kiều (SN 1959, ngụ ấp Bình Lâm, xã Lộc An, huyện Long Thành) đã mạnh dạn làm đơn tố cáo sự việc ra cơ quan công an. Theo đơn kêu cứu của bà Kiều, bà có người con rể tên Thanh làm ăn thua lỗ hay như thế nào đó dẫn đến nợ nần với số tiền 1,3 tỷ đồng, nhưng không có khả năng chi trả nên đã bỏ xứ đi biệt tích. Vì thế các đối tượng giang hồ đã đòi nợ người thân bằng cách tạt nhiều ống kim chích, mắm tôm và sơn đỏ.

Đầu tháng 1/2019, Công an TP Vinh - Nghệ An bắt khẩn cấp một nhóm đối tượng đòi nợ kiểu “xã hội đen” để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. Nhóm đối tượng xã hội đên đã dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ, thậm chí pha trứng thối với dầu nhớt rồi ném vào nhà người thân của “con nợ” để khủng bố tinh thần, ép “con nợ” trả tiền.

Hoặc, trước đây thông tin Công ty Smartland gửi công văn dọa “truy sát cả gia đình Giám đốc Đài Truyền hình VTV9, truy sát cán bộ nhân viên có liên quan” cũng khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ..v..v.

Khách quan mà nói, việc các băng nhóm liên tục đến nhà người thân của “con nợ” khủng bố tinh thần nhằm mục đích bắt người thân phải trả tiền thay cho là điều vô lý, không chấp nhận được. Vì ai mượn thì người đó trả, làm sao bắt người không liên quan trả thay.

Trở lại với trường hợp phở Hòa, đây là quán phở lớn và nổi tiếng, lại nằm giữa trung tâm TP nên có rất nhiều thực khách, nhất là kiều bào và khách Tây ghé ăn. Do đó, việc quán phở này bị tạt sơn, chất bẩn sẽ rất ảnh hưởng đến hình ảnh của TP và tình hình an ninh trật tự.

Liên quan đến vấn đề này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việc phở Hòa bị tạt chất bẩn sẽ làm hình ảnh TP không được đẹp trong mắt người dân và khách du lịch. Không thể chấp nhận ở ngay trung tâm TP lại để xảy ra hình ảnh xấu xí như vậy được. Cho nên công an cần phải sớm tính toán, xử lý nghiêm vụ việc, răn đe đối tượng, không để diễn ra tình trạng tương tự ở TP”.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nói: “Những trường hợp uy hiếp tinh thần người khác để trả nợ thay, thực hiện hành vi ném mắm tôm, sơn, rác vào nhà người khác… nếu hậu quả hạn chế thì bị xử phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.

Nếu các hành vi vi phạm gây hư hỏng tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản. “Trường hợp đi đòi nợ mà tự tiện vào nhà khi chưa có sự đồng ý của chủ nhà thì có dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở của công dân”,

Vấn đề đặt ra ở đây là, giang hồ đang có nhiều “đất diễn”, quá lộng hành ngay giữa trung tâm TP. Nhiều người muốn hỏi, trách nhiệm của công an phường, quận ở đâu? Không phải 1 lần mà đến 8 lần, chẳng lẽ chính quyền địa phương bó tay rồi chăng?

Xin nói thẳng là không phải chính quyền, công an bó tay, không xử lý được vấn đề này, mà chỉ là do chậm xử lý, thiếu trách nhiệm thôi.

Dù lý do gì đi nữa, những vụ việc trên cho thấy, nếu không xử lý nghiêm thì những tiêu cực sẽ tiếp diễn, ngày càng phức tạp. Khi mà các đối tượng xã hội đen có quyền đi đòi nợ bất chấp pháp luật, hành xử tự do, tấn công vào quán xá, cơ sở làm ăn, nhà riêng … khiến cho người dân bất an, lo lắng.

Chẳng lẽ, pháp luật trong một xã hội luôn đề cao tính pháp quyền đang bị suy yếu chỉ vì sự “thờ ơ” của một bộ phận cơ quan quản lý xã hội và một vài đối tượng xã hội đen?

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vu-quan-pho-hoa-bi-khung-bo-sao-khong-ngan-chan-tu-dau-155313.html