Vụ 'rừng cao ốc' mọc ở đường Lê Văn Lương: Phải làm rõ ai đúng, ai sai?

Đối với tuyến đường Lê Văn Lương, chúng ta phải nhìn nhận cái sai lớn nhất không phải nằm ở vấn đề xây dựng quy hoạch, mà là vấn đề thực hiện vận hành cả tuyến đường...

Hồi tháng 5.2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận số 39. Trong đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án.

Theo Kết luận, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc vi phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước, đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỷ lệ lớn hơn; điều chỉnh quy hoạch sai quy định, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo đề xuất của chủ đầu tư, chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án điều chỉnh 5 lần, tăng từ 5 tầng thành 30 tầng…

Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tính trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN)… Trong đó, Quy hoạch phân khu H2-2, cập nhật 6 dự án không có chỉ tiêu quy hoạch. Đáng chú ý có 11 dự án cập nhật sai quy hoạch chi tiết đã được duyệt, 21 dự án cập nhật sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được chấp thuận trước đó.

Ngay sau đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phản hồi kết luận thanh tra "chưa đầy đủ", "chưa chính xác" và cần trao đổi thêm.

Nổi tiếng với 1 km đường gánh 40 cao ốc, trục đường Lê Văn Lương từ lâu đã thành điểm nóng bất động sản ở thủ đô với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Nguồn: Zing

Nổi tiếng với 1 km đường gánh 40 cao ốc, trục đường Lê Văn Lương từ lâu đã thành điểm nóng bất động sản ở thủ đô với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Nguồn: Zing

Mới đây, trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân lần thứ 10, dự kiến ngày 5-8.12 về quy hoạch đường Lê Văn Lương, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, hai bên trục đường Lê Văn Lương đều được xây dựng đúng với định hướng quy hoạch. Các quy hoạch đều cho phép xây dựng nhà cao tầng hai bên đường, cao nhất 45 tầng.

Chính quyền thành phố Hà Nội cũng đưa ra căn cứ pháp lý: Năm 2022, thành phố đã có Quyết định số 112/2002 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Thanh Xuân trong đó có đoạn Lê Văn Lương được phép xây dựng cao tối đa 33 tầng.

Năm 2008, khi thực hiện hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu phương án định hướng không gian kiến trúc cảnh quan hai bên đường Lê Văn Lương và Phạm Hùng và đã có công văn gửi Bộ Xây dựng và được Bộ thống nhất về nguyên tắc chủ trương quy hoạch tổ chức không gian.

Từ Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, năm 2015 TP Hà Nội ban hành quy hoạch phân khu đô thị H2-2 với chức năng hỗn hợp, tầng cao 30, 35 và cao nhất 45 tầng hai bên đường Lê Văn Lương

Ai đúng, ai sai?

Trước thông tin có phần “mâu thuẫn” từ Thanh tra Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, TS-KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng quy hoạch trục đường Lê Văn Lương xác định trong quy hoạch chung. Trong quy hoạch phát triển rất nhiều lần được điều chỉnh, không phải ngẫu nhiên mà thành phố Hà Nội điều chỉnh mà những vấn đề liên quan của các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội bao giờ cũng tham vấn ý kiến của Bộ Xây dựng.

Trong nội dung này, Hà Nội cũng có lý, bởi vì trục đường này phát triển theo nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại có một chính quyền, người lãnh đạo khác nhau. Mỗi thời kỳ người ta lại có nhận thức khác nhau và có những sự điều chỉnh khác nhau (Sự điều chỉnh này có thể phải xem xét, điều chỉnh có đúng hay không đúng, thì chúng ta chưa bàn). Việc điều chỉnh đương nhiên là có nhưng làm sao nó không bị ảnh hưởng.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhiều kết luận về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương cần trao đổi, bổ sung làm rõ thêm. Ảnh: Báo Nhân dân

TS-KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội có vấn đề nọ vấn đề kia nhưng bây giờ đã định vị rồi. Vì vậy cần giải pháp, tổ chức, giải quyết chủ yếu kiểm điểm trách nhiệm hay vấn đề rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất là thực hiện theo quy hoạch và vận hành thông minh, không thể tùy tiện được, đặc biệt vấn đề giao thông. Trong quy hoạch đô thị, vấn đề tổ chức giao thông đặc biệt quan trọng nếu chúng ta không làm được.

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng, Bộ Xây dựng, cho rằng: “Việc phân định ai đúng ai sai rất khó trả lời, nhưng vẫn phải dựa vào quy định của pháp luật để làm rõ những nội dung đấy. Xem xem là đúng sai như thế nào hoặc là chưa phù hợp hay là phù hợp thì phải dựa vào quy định của pháp luật”.

Quy định của pháp luật trong suốt 10 năm vừa rồi có những sự thay đổi nhất định từ luật, ngay cả như các quy định, các quy hoạch được phê duyệt.

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 108. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tại Quyết định số 1259- đây là những quy hoạch khung. Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai nhiều quy hoạch phân khu, trong quy hoạch phân khu làm rõ nội dung của các quy hoạch trục đường Lê Văn Lương. Để xác định đúng hay sai hoặc phân định rõ thì cần phải có sự khách quan, tiến rà soát lại các quy hoạch phân khu và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đó như thế nào

“Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng còn chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch là Ủy ban nhân dân Hà Nội. Cho nên, Ủy ban nhân dân Hà Nội và Bộ Xây dựng phải ngồi lại với nhau để làm rõ những cái phù hợp và chưa phù hợp”, ông Tiến nhận định.

Giao thông có chịu trách nhiệm cho tình trạng tắc đường?

Đối với tuyến đường Lê Văn Lương, TS-KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, điều quan trọng nhất, chúng ta phải nhìn nhận cái sai lớn nhất không phải nằm ở vấn đề xây dựng quy hoạch, mà là vấn đề thực hiện vận hành cả tuyến đường. Ví dụ tuyến đường này trước kia trong quy hoạch không có tuyến BRT, sau này chúng ta đưa tuyến giao thông công cộng và dành một làn đường riêng cho nó. Vì thế năng lực của giao thông bị hạn chế.

Theo ông Quảng, điều này một phần do lỗi của Sở GTVT Hà Nội vì trong quy hoạch không có. Trước kia, tuyến đường lộ giới vốn to, rộng hơn nhưng sau đó đã điều chỉnh vì chưa tính đến lưu lượng phương tiện gia tăng nhiều do nhu cầu phát triển, lưu lượng phương tiện gia tăng. Bây giờ toàn bộ câu chuyện phát triển con đường bị ảnh hưởng Tuyến BRT đưa vào hoàn toàn là bột phát, không theo quy hoạch. Đúng ra, khi xây dựng bất cứ tuyến giao thông công cộng nào cần phải có quy hoạch và sau đó thiết kế mặt cắt cho phù hợp rất quan trọng.

Cảnh ùn tắc trên tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: Báo Lao động

Ở góc nhìn khác, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến khẳng định, giao thông không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho nạn kẹt xe trên đường Lê Văn Lương. Không thể nói một tuyến đường ùn tắc giao thông do tuyến đường đó gây nên mà cần phải nhìn nhận trên một bức tranh tổng thể.

Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng cho rằng việc ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cách thức tổ chức giao thông hiện nay có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Giờ cao điểm, có những tuyến đường ùn tắc, có những tuyến đường không bị tắc, tuyến đường Lê Văn Lương có thể làm tăng thêm áp lực, chứ nó không phải là nguyên nhân lớn gây ùn tắc.

Mặt khác, mạng lưới đường giao thông giống như mạch máu, có thể bị ùn chỗ nọ, chỗ kia. Ví dụ như tuyến đường Lê Văn Lương sau khi làm hầm chui, đã giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại nút giao Lê Văn Lương- Khuất Duy Tiến nhưng lại gây ùn tắc ở khu vực phía trong nội đô cũng trên tuyến đó.

Vì vậy, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến cho rằng muốn giải quyết ùn tắc giao thông trên từng tuyến, thì phải nhìn tổng thể, đưa vào một mạng lưới để người ta người ta dự báo, điều chỉnh lại tổ chức giao thông cho hợp lý, bao gồm cả điều chính hệ thống đèn xanh đèn đỏ.

Nguyễn Lê

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vu-rung-cao-oc-moc-o-duong-le-van-luong-phai-lam-ro-ai-dung-ai-sai-37557.html