Vụ sạt lở núi Cô Tiên làm 4 người chết oan: Chưa khởi tố vụ án vì đang... tìm thủ phạm?

Đến nay, vụ sạt lở dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên (thành phố Nha Trang), vùi sập nhiều nhà dân, làm chết cả gia đình 4 người, đã gần một năm qua nhưng vẫn 'chưa xác định nguyên nhân'. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định 'tạm đình chỉ giải quyết tố giác tội phạm', chưa khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của nhiều công dân bị thiệt hại và thân nhân người chết…

Vụ sạt lở núi Cô Tiên, tại phường Vĩnh Hòa xảy ra trong đợt bão số 8, vào sáng 18.11.2018. “Quả bom nước” dồn trong hố sâu chứa được hàng mấy trăm m3 nước bên mép núi bị sạt vỡ “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” làm chết cả 4 người trong một gia đình và thiệt hại nhà cửa, tài sản của 11 hộ dân.

Đó là hố sâu do chủ dự án - Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thanh Châu (công ty Thanh Châu, tại thành phố Nha Trang) tự tổ chức thi công, đào lấy đất san lấp và làm “hồ bơi vô cực” ngay trên đầu khu dân cư.

Quy hoạch không còn hồ bơi vẫn đào núi làm

Sau khi xảy ra tai nạn, ngày 25.01.2019, có 7 công dân là các nạn nhân và thân nhân người chết trong vụ sạt lở núi Cô Tiên đã gởi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa (PC03 CAKH) “yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản xảy ra tại dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú”. Ngay hôm sau, PC03 CAKH đã ra “quyết định phân công xác minh về nội dung tố giác” đó.

Theo PC03 CAKH, liên tục 10 ngày trước trận mưa bão kể trên (từ ngày 8 đến 17.11.2018) bà Nguyễn Thị Hoài Thanh – tổng giám đốc Công ty Thanh Châu đã “tổ chức điều hành và trực tiếp giám sát hoạt động đào đất tại vị trí khu vực ký hiệu DV-01 chưa được phê duyệt của dự án để thi công san lấp mặt bằng xây dựng nhà hàng”.

Sau gần một năm sạt lở dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên, nhiều nhà dân và tài sản bị hư hại vẫn chưa được bồi thường. Ảnh: Phan Sông Ngân

Đồng thời, cũng theo PC03 CAKH, bà Thanh còn điều động xe đào bánh xích và hai xe ben “để thi công lấy đất san lấp, tạo một hố sâu có kích thước khoảng 50m x 5m, độ sâu khoảng 1,2m - 1,5m cách mép núi về phía đông khoảng 3-5m (phía dưới là khu vực nhà dân) nhưng không có kè bao hoặc biện pháp đảm bảo an toàn khác”.

Đó là khu vực bên mép núi Cô Tiên, nằm ngay trên đầu xóm cư dân đã bị dự án sạt lở chôn vùi.

Về hồ bơi, theo quy hoạch chi tiết (1/500) dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tháng 7.2011 có tổng diện tích gần 116.000m2. Trong đó, có hồ bơi được xây dựng chiếm 432m2 đất.

Thế nhưng, gần ba năm sau, tháng 4.2014 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định điều chỉnh phần diện tích hồ bơi đó thành đất trồng cây xanh của dự án.

Tháng 11.2016 UBND tỉnh Khánh Hòa lại có quyết định điều chỉnh tiếp, chuyển 775m2 thuộc khu đất cây xanh (3.100m2) bên mép núi Cô Tiên kể trên thành đất dịch vụ (ký hiệu lô đất DV01) cho phép xây dựng các hạng mục công trình kinh doanh nhưng trong đó không còn có hồ bơi nữa. Thế nhưng, trong bản vẽ quy hoạch chia lô (ký hiệu QH-02) được duyệt kèm theo quyết định ấy lại vẫn thể hiện hình ảnh công trình hồ bơi tại khu đất DV01.

Khi UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định tiếp tục cho điều chỉnh dự án đến lần thứ ba, vào tháng 4.2017, về chia lô đất khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú thì không điều chỉnh gì đối với lô đất DV01. Như vậy, dù trong quyết định chính thức của UBND tỉnh không còn hạng mục hồ bơi nhưng theo bản vẽ quy hoạch kèm theo có hình hồ bơi như kể trên, Công ty Thanh Châu đã vẽ “hồ bơi vô cực” để quảng cáo cho dự án này và tự tổ chức đào núi để làm hồ bơi ấy.

Chết người rồi mới bị xử phạt vi phạm xây dựng

Theo PC03 CAKH, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, lượng mưa lớn từ núi Cô Tiên đổ xuống dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú chảy theo hệ thống thoát nước, phá vỡ thành hố thu nước, tràn ra ngoài và tạo thành dòng chảy đến hố đào lấy đất đá để làm hồ bơi, làm tích nước, phá vỡ thành hố, làm sạt lở núi Cô Tiên, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã nêu.

Hố sâu mà Công ty Thanh Châu đã tự tổ chức đào núi ngay trên đầu xóm cư dân để làm hồ bơi đó, theo xác định của cơ quan điều tra, rộng đến 250m2, có độ sâu chứa được khoảng 300m3 - 375m3 nước.

Hai ngày sau khi xảy ra tai họa sạt lở, ngày 20.11.2018 Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo kết quả kiểm tra tại dự án Hoàng Phú cũng xác định “tại vị trí khu vực sạt lở có dấu hiệu của việc múc đất tạo thành hố. Nước từ sườn núi đổ vào mương đón nước dẫn về hố ga thu nước bằng đá chẻ, chuyển tiếp đến ống đón nước bằng bêtông. Tuy nhiên, do ống nước đặt theo góc ngược với hướng thoát nước nên dòng nước không thoát theo hệ thống mà phá vỡ thành hố ga, tràn vào khu vực đào múc đất nêu trên, sau đó phá thành hố gây sạt lở nghiêm trọng”.

Nhiều nhà dân bị chôn vùi, hư hại do sạt lở dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên, TP. Nha Trang vào ngày 18.11.2018. Ảnh: Phan Sông Ngân

Về quy định đối với việc xây dựng hồ bơi tại dự án Hoàng Phú, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Dẽ báo cáo “nếu chủ đầu tư có nhu cầu xây dựng tại dự án thì phải hoàn thành các thủ tục đầu tư để được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan trước khi khởi công xây dựng”.

10 ngày sau khi hố đào làm “hồ bơi vô cực” trên núi Cô Tiên sạt lở đã “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” làm chết cả 4 người và thiệt hại tài sản của cả 11 hộ dân, Sở Xây dựng mới lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ dự án đã nêu.

Cùng ngày lập biên bản 18.11.2018 đó, Sở Xây dựng đã ban hành cả ba quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú.

Các hành vi vi phạm của Công ty Thanh Châu bị phạt gồm: tổ chức thi công xây dựng công trình cơ sở hạ tầng dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú và xây dựng nhà hàng không có giấy phép xây dựng; không gởi cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định đối với các công trình xây dựng đã ghi nhận tại biên bản kiểm tra; khởi công xây dựng công trình nhà hàng tại ô số 6 của dự án mà thiếu biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Tổng số tiền bị xử phạt hành chính các vi phạm đó và Công ty Thanh Châu đã chấp hành nộp phạt xong là 132,5 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty cũng đã chi gần 4,5 tỷ đồng để chủ yếu hỗ trợ cho thân nhân 4 người đã chết là hai bên gia đình của vợ chồng thầy giáo Trần Hoàng Phong và hỗ trợ một phần cho các gia đình bị thiệt hại còn sống.

Vì sao “tạm đình chỉ giải quyết tố giác tội phạm”?

Nhiều cư dân sống lâu đời gần dưới núi Cô Tiên và cả lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hòa cũng đều cho biết “từ xưa tới nay, dù mưa lớn cỡ nào thì khu vực núi Cô Tiên đó vẫn chưa bao giờ bị sạt lở như vậy cả. Chính vì không bị sạt lở nên người ta mới đến ở ngày càng đông như vậy”.

Nhiều nạn nhân cũng cho rằng, núi Cô Tiên bị sạt lở là do chủ dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú đào làm dự án, hồ bơi sai phạm nên mới gây ra tai họa đó cho dân.

Còn Sở Xây dựng và cơ quan điều tra đều có xác định, báo cáo về vụ sạt lở núi Cô Tiên như đã nêu trên.

Thế nhưng, sau bốn tháng nhận các đơn “yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc sạt lở tại dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú” của 7 công dân, PC03 CAKH đã ra quyết định “tạm đình chỉ giải quyết tố giác về tội phạm” vào ngày 27.5.2019. Vì việc xác minh, giải quyết các đơn tố giác tội phạm ấy đã hết thời hạn quy định trước đó hai ngày.

Các nạn nhân bị thiệt hại do sạt lở dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên kêu cứu, đòi bồi thường vào tháng 12.2018. Ảnh: N.Đ.T.Đ

Cơ quan điều tra cũng cho rằng “việc xác định nguyên nhân vụ sạt lở rất phức tạp, có liên quan đến nhiều yếu tố (thời tiết, địa chất, xây dựng…) đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan chuyên môn”. Do vậy, tháng 3.2019, PC03 CAKH đã có công văn chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Khánh Hòa nhưng chỉ là nhằm “trao đổi quan điểm để xử lý vụ việc xảy ra tại dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú”.

Tháng 5.2019, PC03 CAKH có văn bản đề nghị Sở TNMT và Sở Xây dựng giới thiệu đơn vị chuyên môn xác định nguyên nhân vụ sạt lở. Sau đó, chỉ có Sở TNMT giới thiệu hai đơn vị là Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ và Liên đoàn Quy hoạch tài nguyên nước miền trung (đều tại TP Nha Trang). Còn Sở Xây dựng không trả lời, khi điều tra viên làm việc trực tiếp thì “Sở Xây dựng trả lời chưa thể giới thiệu đơn vị chuyên môn do Sở Xây dựng không trực tiếp quản lý các đơn vị giám định”.

Cho đến nay, vụ sạt lở dự án trên núi Cô Tiên “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” kể trên vẫn chưa bị khởi tố vụ án.

Vừa qua, Công an tỉnh Khánh Hòa có báo cáo “sau khi Sở Xây dựng có văn bản giới thiệu các đơn vị chuyên môn, PC03 CAKH sẽ tổ chức họp hội đồng các cơ quan, đơn vị chuyên môn do Sở TNMT, Sở Xây dựng giới thiệu và thực hiện các yêu cầu pháp lý để tiếp tục làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật” vụ sạt lở đã nêu.

Viện KSND tỉnh Khánh Hòa:

Không múc đất, tạo hố thì sạt lở có xảy ra không?

Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã có văn vản, vào tháng 5.2019, trả lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa về trao đổi quan điểm để xử lý vụ việc xảy ra tại dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú.

Theo Viện KSND tỉnh “cần có đánh giá của các cơ quan chuyên môn để phân tích nguyên nhân gây sạt lở tại phía nam dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú, tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang vào ngày 18.11.2018 có phải do yếu tố thiên tai hay không? Nếu không có việc múc đất, tạo nên hố thì việc sạt lở có xảy ra hay không?”

Ông Trần Văn Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa:

Cơ quan giám định được giới thiệu chỉ có giá trị tham khảo

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Trần Văn Thọ, hiện nay Sở Xây dựng sẵn sàng giới thiệu cơ quan giám định xây dựng của tỉnh cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa. Nhưng về nguyên tắc, theo quy định, các cơ quan giám định do Sở Xây dựng hoặc các đơn vị khác giới thiệu đều chỉ mang tính chất giới thiệu cho cơ quan Cảnh sát điều tra tham khảo, xem xét để lựa chọn hay bác bỏ. Việc chọn cơ quan giám định nào là thuộc thẩm quyền và do cơ quan điều tra quyết định.

Vì vậy, giả sử Sở Xây dựng không giới thiệu đơn vị giám định thì cũng không thể coi đó là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc điều tra. Vì cơ quan điều tra hoàn toàn có thẩm quyền trưng cầu đơn vị giám định theo luật định.

Luật sư Phan Bạch Mai – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa:

Vì sao chưa khởi tố vụ án vụ sạt lở núi Cô Tiên làm chết 4 người?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, khi đã xảy ra chết người thì về nguyên tắc là phải khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra. Còn việc có khởi tố bị can hay không là còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh theo quyết định khởi tố vụ án hình sự đó. Vậy thì tại sao vụ sạt lở tại dự án Khu căn hộ cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên, TP. Nha Trang làm chết trọn cả 4 người một gia đình mà đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án?

Còn về nguyên tắc, theo luật định, cơ quan điều tra có đủ toàn quyền ra quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan chuyên môn để phục vụ cho việc điều tra vụ án. Do đó, không thể có chuyện nếu các sở không giới thiệu cơ quan giám định thì chẳng lẽ để vụ án bị “chìm xuồng” hay sao?

P.S.N

Phan Sông Ngân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vu-sat-lo-nui-co-tien-lam-4-nguoi-chet-oan-chua-khoi-to-vu-an-vi-dang-tim-thu-pham-20640.html