Vụ sư thầy xin giữ 200-300 tỷ: Tài sản của ai?

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản. Việc thầy lí luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân cũng thuộc về Tăng.

Xung quanh xôn xao vụ nhà sư Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, người vừa bị bãi nhiệm ngày 7/10 vừa qua) xin hoàn tục và giữ lại tài sản 200-300 tỷ đồng, ngày 91/0, trao đổi với báo Đất Việt, luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc này cần phải xác minh rõ nguồn gốc số tiền sư Toàn dùng để mua đất làm trang trại.

"Số tiền mấy trăm tỷ đó nếu sư Toàn nói là của ông ấy, Giáo Hội Phật giáo nói là của giáo hội thì rất có thể sẽ xảy ra tranh chấp về tài sản.

Theo luật, người đi tu hành vẫn còn quyền sở hữu tài sản riêng nhưng tài sản đó phải do mình làm ra chứ không phải lợi dụng việc công đức nhà chùa.

Nếu xác định có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, tranh chấp, Giáo Hội Phật giáo hoàn toàn có quyền đưa đơn ra tòa, yêu cầu tòa phải trả lại. Điều quan trọng trong vụ việc này là phải xem số tài sản mà sư Toàn nói của ông ấy được hình thành từ đâu, từ đó mới xác định được tài sản đó có phải của riêng sư Toàn hay không", luật sư Tám nói.

Theo luật sư Tám, nếu xác định trang trại đó là của cá nhân sư Toàn thì cần phải xem trong thời gian tu hành, vị sư này đã làm những công việc gì hay được ai biếu, cho, tặng. Nếu cho với số tiền lớn thì cũng phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

"Trong trường hợp số tiền đó là do sư Toàn được biếu thì cũng cần xác định lại phía người biếu là cho riêng sư hay công đức lên nhà chùa", luật sư Tám nhấn mạnh.

Về việc này, cùng ngày, theo thông tin trên báo chí, lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo cho biết đã hoàn tất việc xác minh các diện tích đất tại chùa Nga Hoàng và một số mảnh đất mà sư Thích Thanh Toàn xin được sở hữu sau khi xả giới hoàn tục.

Khuôn viên chùa Nga Hoàng. Ảnh: Zing.vn

Khuôn viên chùa Nga Hoàng. Ảnh: Zing.vn

Theo đó, chùa Nga Hoàng có diện tích 20.906 m2. Trong thời gian giữ chức trụ trì ngôi chùa này, sư Toàn đã mua 5.790,9 m2 đất của 14 hộ dân xã Hợp Châu mà không thông qua chính quyền địa phương, chưa sang tên đổi chủ theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, cho biết địa phương đã đề nghị tạm thu hồi số đất trên và giao cho UBND xã Hợp Châu quản lý trong thời gian chờ ý kiến các sở ngành và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Về vấn đề quản lý tài sản của người tu hành, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), cho biết căn cứ theo Hiến chương Giáo hội hay Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương thì tài sản của một vị sư sau khi xuất gia đều thuộc về tăng đoàn. Khi vị sư qua đời hoặc hoàn tục, tài sản cá nhân của họ cũng thuộc về tăng đoàn.

“Dù có đúng theo luật đất đai nhưng theo Luật Phật, một vị Tỳ kheo khi xuất gia thì tất cả tài sản được sử dụng đó đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn)”, thầy Thiện nói.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Giáo hội chỉ đạo Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc: Thứ nhất phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản của thầy Thanh Toàn, thứ hai làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỷ đồng như thầy Toàn phát ngôn. Bởi vì con người thầy Toàn Ban Trị sự huyện Tam Đảo nắm được rất rõ.

Theo báo cáo nhiều khi thầy Toàn phát ngôn không đúng, Ban trị sự Tam Đảo không tin thầy Toàn có khối tài sản như thầy nói.

Trước đó, nhiều người chia sẻ đoạn clip dài 6 phút ghi lại cảnh nhà sư Thích Thanh Toàn giải trình tại cuộc họp của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra vào chiều 5/10.

Theo nội dung đoạn clip, nhà sư Thích Thanh Toàn đã nhận hết lỗi lầm về mình và xin chấp hành tất cả các hình phạt miễn sao có lợi cho giáo hội, cho đạo pháp vì đã làm mất uy tín đến giáo hội.

Sư Toàn Xin giữ lại tài sản đứng tên, tuy nhiên Giáo hội chính thức lên tiếng sư Toàn không có quyền được giữ

Mặc dù sư Toàn chấp nhận mọi hình phạt nhưng vẫn xin GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc giữ lại tài sản cá nhân. Sư Toàn cho rằng, trang trại mình mua không phải làm chùa mà để làm từ thiện như nuôi các cháu học sinh ăn học hay nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện tại Hà Nội.

Nói về việc bị quay cảnh gạ tình nữ phóng viên, nhà sư này cho rằng là do ông bị mắc bẫy.

"Đây là một cạm bẫy nhưng không sao cả, mình làm mình chịu. Đàn ông không sợ. Nếu muốn lấy vợ thì vẫn thoải mái, không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái, không sợ gì cả", sư Toàn nói.

Được biết, sư Toàn hiện đã rời khỏi chùa Nga Hoàng, sau khi Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cho ông này xả giới.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vu-su-thay-xin-giu-200-300-ty-tai-san-cua-ai-3389156/