Vụ tai nạn giao thông ở Hoài Đức (Hà Nội): Vi phạm nghiêm trọng tố tụng?

Dự kiến, ngày 29/8, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án 'Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ' xảy ra đêm 24/10/2016 trên địa bàn huyện Hoài Đức ra xét xử phúc thẩm. Trước đó, gia đình bị cáo đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan.

Theo khiếu nại của chị Lê Thị Sơn Ca (trú ở huyện Đan Phượng, Hà Nội - vợ bị cáo Nguyễn Hùng Vương), chồng chị là người điều khiển xe ô tô gây tai nạn nhưng nguyên nhân chính là do phía bị hại đã đi ngược chiều. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã không xem xét khách quan. Không những thế, có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Hiện trường vụ tai nạn

Xe máy lấn làn, ô tô đánh lái tránh, xảy ra tai nạn

Bản án số 12/2018 ngày 27/2/2018 của TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội), cho thấy: Khoảng 23h ngày 24/10/2016, Nguyễn Hùng Vương (SN 1984, trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) điều khiển xe taxi BKS 30A – 398.63 chở chị Nguyễn Thùy Linh (SN 1988) đi trên quốc lộ 32 theo hướng Hà Nội – Sơn Tây.

Đến khoảng 00h15’ ngày 25/10/2016, khi Vương điều khiển xe đến km 18+900 đường 32 thuộc thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng (Hoài Đức) thì thấy phía trước cách khoảng 20m có 01 xe máy đi ngược chiều, xe máy đó lấn hẳn sang làn đường của xe ô tô do Vương điều khiển.

Thấy vậy, Vương điều khiển ô tô đánh lái sang trái theo hướng đi của Vương thì người lái xe máy cũng đánh lái sang phải theo hướng đi của xe máy. Khi phần đầu xe ô tô vượt qua vạch kẻ sơn trắng đứt quãng chia 2 làn đường sang làn đường của xe đi ngược chiều thì đâm vào xe máy.

Vụ tai nạn làm người điều khiển xe máy (về sau xác định là anh Vũ Hải, SN 1994) va vào kính chắn gió của ô tô. Còn người ngồi sau xe máy là chị Nguyễn Thị Hường (SN 1994) ngã văng về phía sau xe ô tô. Vương và chị Linh đã xuống xe ô tô đưa 2 người đi xe máy vào viện cấp cứu, nhưng chị Hường đã tử vong sau đó. Còn anh Hải về sau được xác định tỉ lệ thương tật là 74%.

Vương bị khởi tố và truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 2, Điều 202 BLHS 1999.

Theo nhận định của HĐXX TAND huyện Hoài Đức, thì: “Nguyễn Hùng Vương là người điều khiển ô tô đi lấn sang đường của xe máy đi ngươc chiều đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do bị cáo điều khiển xe ô tô lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều, không làm chủ tốc độ nên đã gây ra tai nạn giao thông”…

Từ những nhận định như vậy, HĐXX đã tuyên phạt Vương 42 tháng tù, buộc Vương phải bồi thường cho gia đình chị Hiền 118 triệu đồng; bồi thường cho anh Vũ Hải 123 triệu đồng (làm tròn số).

Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Theo luật sư Lê Đình Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - người bào chữa cho bị cáo Vương - việc bản án sơ thẩm cho rằng: “Khi phần đầu xe ô tô BKS 30A - 398.63 vượt qua vạch kẻ sơn trắng đứt quãng chia 2 làn đường lấn sang làn đường của xe đi ngược chiều thì đâm vào phần đầu xe mô tô do anh Hải điều khiển” là suy diễn không có căn cứ, mâu thuẫn nghiêm trọng với các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cụ thể:

Lời khai của nhân chứng Nguyễn Thùy Linh: “Do tôi ngồi ở giữa xe nên quan sát thấy anh Hải điều khiển xe máy đi tốc độ rất nhanh và ngược chiều. Vì vậy, lái xe ô tô muốn tránh không xảy ra tai nạn giao thông nên đánh lái xe sang bên trái để tránh thì phần đầu xe máy của anh Hải va chạm vào phần đầu xe ô tô bên phải”…

Mâu thuẫn với hiện trường vụ tai nạn: Vị trí đổ của xe mô tô, vị trí ngã của anh Hải (vết máu M1), chị Hường (vết máu M2), vết cày do để chân sau của xe máy gây ra (vết cày C) đều nằm trên làn đường bên phải theo hướng đi của ô tô là bằng chứng chứng minh khi va chạm với xe ô tô của bị cáo, xe mô tô của anh Hải vẫn đang ở làn đường bên phải theo hướng TT Hà Nội đi Sơn Tây.

Như vậy, vị trí va chạm trên mặt đường giữa xe ô tô do bị cáo điều khiển và xe mô tô do anh Hải điều khiển là hoàn toàn nằm trên làn đường bên phải theo hướng đi của xe ô tô.

Về nhận định “Nguyễn Hùng Vương là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ điều khiển xe ô tô đi lấn sang làn đường của xe đi ngược chiều đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ”...

Đây có thể coi là một nhận định không khách quan, vì: Quốc lộ 32, đoạn km 18 + 900 (nơi xảy ra vụ tai nạn) có bề rộng 11m, là đường 02 chiều, mỗi chiều rộng 5,5m, giữa hai chiều được phân định bằng vạch sơn trắng, kẻ đứt nét tại tim đường. Theo chiều Hà Nội đi Sơn Tây (chiều đi của ô tô), đường được chia thành 02 làn, làn đường dành cho xe thô sơ rộng 2,5m, làn đường dành cho xe cơ giới rộng 3m, giữa làn đường dành cho xe thô sơ và xe cơ giới được phân định bằng vạch sơn trắng kẻ liền nét.

Căn cứ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đoạn đường nơi xảy ra vụ tai nạn, cho thấy: Làn đường dành cho xe cơ giới theo hướng Hà Nội đi Sơn Tây có chiều rộng 3m. Trước thời điểm xảy ra tai nạn, bị cáo điều khiển xe taxi đi đúng làn đường của mình. Do anh Vũ Hải đã điều khiển xe máy đi ngược chiều vào giữa làn đường của bị cáo, gây ra tình huống vô cùng nguy hiểm, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản những người đi trên xe mô tô và bản thân bị cáo. Trong tình huống này, bị cáo đã lựa chọn đánh lái về bên trái để tránh va chạm với xe mô tô là phù hợp với tình huống khẩn cấp. Vì vậy, bị cáo không có lỗi.

Về nhận định: “Nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do bị cáo điều khiển xe ô tô đi lấn sang phần đường của phương tiện đi ngược chiều, không làm chủ được tốc độ nên đã gây ra tai nạn giao thông...”

Trước khi xảy ra tai nạn, bị cáo đang điều khiển xe ô tô đi đúng phần đường của mình. Chỉ vì sự xuất hiện đột ngột của chiếc xe máy do anh Vũ Hải điều khiểu đi ngược chiều vào làn đường của bị cáo, nên bị cáo mới bắt buộc phải đánh lái sang trái với mong muốn tránh va chạm trực diện với xe mô tô. Khi va chạm giao thông xảy ra, bị cáo đã kịp thời đạp phanh để dừng xe. Do đó, cáo buộc bị cáo “lấn sang phần đường của phương tiện đi ngược chiều, không làm chủ được tốc độ nên đã gây ra tai nạn giao thông” là không đúng.

Ngoài ra, Luật sư Việt cũng cho rằng HĐXX sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình xét xử vụ án này. Ví dụ như: TAND huyện Hoài Đức đã không cho người bào chữa, bị cáo xem biên bản phiên tòa theo quy định của pháp luật. Dù luật sư và bị cáo đã nhiều lần đề nghị trực tiếp, bằng đơn, đơn khiếu nại nhưng không được Tòa cho xem lại biên bản phiên tòa; Không giao bản án cho bị cáo và người bào chữa trong thời hạn quy định của pháp luật. Mặc dù phiên tòa kết thúc vào ngày 27/2/2018 nhưng đến ngày 20/3/2018, TAND huyện Hoài Đức mới giao cho Luật sư và bị cáo bản án (sau nhiều lần yêu cầu).

Báo PNVN sẽ thông tin về diễn biến và kết quả phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/vu-tai-nan-giao-thong-o-hoai-duc-ha-noi-vi-pham-nghiem-trong-to-tung-post47676.html