Vụ tai nạn trên đèo Hải Vân: Các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch

Ngày 9-1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tất cả 12 bệnh nhân trong vụ lật xe trên đèo Hải Vân (H. Phú Lộc, TT. Huế) đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đã qua cơn nguy kịch, dần ổn định, những trường hợp chấn thương nặng tiếp tục theo dõi, điều trị theo phác đồ.

Ngày 9-1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tất cả 12 bệnh nhân trong vụ lật xe trên đèo Hải Vân (H. Phú Lộc, TT. Huế) đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đã qua cơn nguy kịch, dần ổn định, những trường hợp chấn thương nặng tiếp tục theo dõi, điều trị theo phác đồ.

Riêng bệnh nhân bị đứt lìa cánh tay đã được nối liền, hiện đã tỉnh, phần cẳng tay về chức năng, về giải phẫu học đã ấm, hồng hào...

Ths.Bs Phạm Trần Xuân Anh – Phó Giám đốc BV Đà Nẵng (trái) thông báo tình hình sức khỏe của các nạn nhân.

Ths.Bs Phạm Trần Xuân Anh – Phó Giám đốc BV Đà Nẵng (trái) thông báo tình hình sức khỏe của các nạn nhân.

Tín hiệu tốt từ cánh tay bị đứt rời

Theo Ths.Bs Phạm Trần Xuân Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, khi tiếp nhận thông tin về vụ tai nạn, lãnh đạo BV Đà Nẵng đã nhanh chóng huy động nhân lực, chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết để kịp thời cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân một cách tốt nhất. Bs Anh cho biết: “BV Đà Nẵng đã lên kế hoạch cấp cứu khẩn cấp, huy động hơn 30 y bác sĩ tham gia để cấp cứu cho nạn nhân ngay khi được chuyển đến cổng BV”.

Bs Anh cho rằng, trong số những nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông đưa đến BV Đà Nẵng cấp cứu, nghiêm trọng nhất là trường hợp cánh tay trái của nữ sinh Ngô Thị Su Sal (20 tuổi) bị đứt lìa đến gần sát vai, phần vai cũng bị dập nát. Ngay khi Su Sal được đưa vào viện, ê kíp bác sĩ trực cấp cứu và đội trực cấp cứu thảm họa của BV Đà Nẵng đã đánh giá chớp nhoáng tình trạng đứt gãy, tiên lượng có thể thực hiện ghép nối. Tuy nhiên, phần cánh tay bị đứt không đi cùng với nạn nhân vào viện nên ngay lập tức các bác sĩ BV Đà Nẵng kết nối với lực lượng cấp cứu hiện trường của Trung tâm cấp cứu 115 để bằng mọi giá tìm lại cánh tay đứt gãy của cô sinh viên. Hơn 1 giờ sau khi Su Sal nhập viện và được thực hiện các bước xử lý vết thương ban đầu, phục vụ quá trình ghép nối khi có thể, thì cánh tay trái của cô được tìm thấy. “Cánh tay trái được ướp đá đưa đến BV Đà Nẵng thì cũng vừa hội chẩn viện xong để ca phẫu thuật được thực hiện ngay lập tức, chạy đua đảm bảo thời gian “vàng” cho phẫu thuật và phục hồi của bệnh nhân”, Bs Anh cho biết.

BV Đà Nẵng cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân.

Trong suốt gần 5 tiếng đồng hồ phối hợp các liên chuyên khoa, ê kíp phẫu thuật ghép nối cánh tay đã thành công bước đầu. “Đánh giá chuyên khoa, hiện trạng của nạn nhân sau 1 ngày phẫu thuật ghép nối - đó là các chi nối được nuôi dưỡng hồng, ấm, bàn tay hồng ấm nhìn thấy rõ. Điểm khó nhất của ca ghép này là phần đứt lìa bị dập nát chứ không sắc gọn như vết dao cắt. Và phần dập này bắt buộc phải bị loại bỏ mới có thể tiến hành ghép nối. Phần xương cánh tay cũng phải được cắt và rút ngắn gần khoảng 3 phân. Có thể nói, các bước nối động mạch, tĩnh mạch và mạch máu của hệ thống thần kinh đã hoàn hảo”, Bs Anh cho biết.

Cũng theo Bs Anh, việc ghép thi thể đứt liền, BV Đà Nẵng đã thực hiện 15 năm qua. Tuy nhiên, để nói về việc phục hồi hoàn toàn thì cần thời gian lâu dài, thậm chí sẽ phải phẫu thuật lại để chỉnh hình. “Riêng với trường hợp Su Sal, việc nối cánh tay được quyết định khi BV Đà Nẵng nhận thấy điều kiện sức khỏe, về mặt chuyên môn cho phép. Hơn nữa với hoàn cảnh của sự việc, việc nối lại cánh tay sẽ tốt hơn cho tinh thần người bệnh. Với các nạn nhân bị chấn thương phần mềm có thể xuất viện ngay, tuy nhiên nhận thấy điều kiện gia đình các bệnh nhân đều ở xa, nên bệnh viện sẽ giữ lại cho đến khi người thân đến. Các cháu mong muốn khi gia đình đến có thể được vào thăm ngay. Chúng tôi cũng đã đồng ý. Bệnh viện cũng điều động phòng công tác xã hội liên lạc với người nhà, động viên cả bệnh nhân và người nhà trong thời gian này” - Bs Anh cho hay.

Từ Kiên Giang ra Đà Nẵng thăm con gái bị thương do vụ tai nạn, đang nằm viện điều trị, bà Dương Thị Kim Sa – (mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Bích Như) chia sẻ: “Từ khi biết tin con gặp nạn tôi như ngồi trên lửa. Ra đến nơi, nhìn thấy con gái chỉ bị xây xước bên ngoài, tôi đỡ lo hơn. Nhưng nhìn các cháu khác bị thương nặng, tôi rất đau lòng. Mong các cháu sớm bình phục...”.

Cánh tay trái của nạn Ngô Thị Su Sal đã được nối liền.

Tiễn biệt nạn nhân xấu số

Trong sáng 9-1, tại nhà vĩnh biệt - Bệnh viện Đà Nẵng, cha mẹ, bạn bè cùng thầy cô Trường Cao đẳng Kiên Giang đã tiễn đưa thi thể của nạn nhân Vũ Thị Thảo (21 tuổi, về quê nhà tại xã Vân Khánh (An Minh, Kiên Giang). Thảo đang học năm 3 ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành - Trường Cao đẳng Kiên Giang. Vụ tai nạn xảy ra khi Thảo cùng các sinh viên đi từ Kiên Giang ra Quảng Bình để thực hiện chuyến thực tập trước khi ra trường.

Được biết, sau khi nhận được tin dữ, người nhà nạn nhân Thảo đã tức tốc từ Kiên Giang lên TP Hồ Chí Minh rồi bay ra trong sáng 9-1 để làm thủ tục đưa thi thể Thảo về quê nhà. Ngồi bần thần trước nhà vĩnh biệt, bà Thủy (mẹ Thảo) khóc ngất. Bà Thủy không nói lời nào, thỉnh thoảng nhìn về hướng Thảo đang nằm với ánh mắt vô hồn rồi bật khóc. Chứng kiến cảnh bà Thủy khóc, nhiều sinh viên đi cùng tiến tới an ủi, rồi khóc theo. Sinh viên Hồng Nhung (bạn của Thảo) cho biết, từ hôm qua đến giờ em cùng một số bạn túc trực tại bệnh viện để chăm lo các bạn bị nạn. Nhung là người ngồi trên xe sau, Thảo ngồi xe trước, khi thấy ô-tô đi cùng đoàn lao xuống vực, mọi người chạy xuống để đưa các nạn nhân ra ngoài, trong đó có Thảo...

Đi cùng gia đình các nạn nhân bị nạn có ông Nguyễn Minh Quân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang. Ông Quân buồn bã: “Tôi rất lấy làm tiếc về vụ tai nạn xảy ra trên đèo Hải Vân, nhất là việc em Vũ Thị Thảo không may tử nạn. Đây là chuyến đi để các em sinh viên hoàn thành việc học, chuẩn bị ra trường trong hè năm 2019. Các sinh viên trong chuyến đi từ Kiên Giang ra Quảng Bình thực hiện kế hoạch thực tập theo đúng lịch học nhà trường đưa ra. Sinh viên học ngành Du lịch nên trong chương trình có môn đi thực tế. Nhà trường có ký hợp đồng với công ty du lịch để thực hiện chuyến đi chứ không tự tổ chức”.

Cũng theo ông Quân, Nhà trường trước hết đã liên lạc, tạo điều kiện, lo toàn bộ chi phí cho gia đình sinh viên Thảo đến Đà Nẵng để đưa sinh viên này về quê lo hậu sự. Đồng thời, nhà trường sẽ lo toàn bộ chi phí điều trị cho các sinh viên bị thương. “Toàn bộ hành trình và lịch trình của đoàn sinh viên đi thực tế đều tuân thủ đúng quy định và kế hoạch của nhà trường. Nhưng tai nạn đã xảy ra quá đáng tiếc, đau lòng. Ra đến đây, được biết, chính quyền hai địa phương: tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, các ban, ngành chức năng, người dân địa phương ở khu vực xe gặp nạn; đặc biệt là các y bác sĩ ở BV Đà Nẵng đã hết lòng hỗ trợ, cứu chữa cho các sinh viên của trường gặp nạn qua cơn nguy kịch, nhà trường chúng tôi rất cảm kích. Chúng tôi, cả nhà trường và gia đình các em sinh viên không biết nói gì ngoài lời cảm ơn sâu sắc tận đáy lòng đến mọi người ở đây”, ông Quân bày tỏ.

LÊ HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_200911_vu-tai-nan-tren-deo-hai-van-cac-nan-nhan-da-qua-c.aspx