Vụ tài xế Vinasun bỏ chạy: Làm gì khi gặp nạn nhân tai nạn giao thông?

Nắm vững những kỹ năng sơ cứu cơ bản sẽ giúp bạn không bị hoảng loạn và có thể giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.

Gần đây, vụ va chạm giữa xe máy và taxi Vinasun trên đường Tân Hương, hướng Bình Long đi Độc Lập (quận Tân Phú, TP.HCM) gây xôn xao dư luận. Cú tông mạnh khiến hai người đi xe máy bị văng lên vỉa hè, cô gái tử vong tại chỗ trong khi nam thanh niên bị thương nặng, được người dân gần đó đưa đi cấp cứu.

Điều đáng nói là theo camera ghi lại, tài xế taxi sau khi gây tai nạn chỉ xuống nhìn nạn nhân một chút rồi bỏ đi. Tiếp đó, trong số hàng chục người đi ngang qua khu vực tai nạn, chỉ có một người đi xe máy dừng lại giúp đỡ đôi nam nữ.

Nạn nhân có thể sống nếu biết cách sơ cứu

Theo bác sĩ Trần Điền Tú, phụ trách Trạm cấp cứu vệ tinh 115, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, TP.HCM, cho biết trong trường hợp này, người đi đường nên gọi ngay 115 để nhờ hỗ trợ cấp cứu và nhận hướng dẫn sơ cứu từ các bác sĩ. Trong nhiều trường hợp tai nạn giao thông, nếu nạn nhân được sơ cứu đúng cách và chuyển đến bệnh viện kịp thời, họ có thể vẫn còn cơ hội sống.

Trong thời gian chờ tổ cấp cứu đến, người đi đường có thể thực hiện các động tác sơ cứu cô gái và chàng trai gặp nạn thay vì đứng nhìn. Trước hết, hãy lay nhẹ vai bệnh nhân và gọi to để kiểm tra nhận thức của họ.

Trường hợp người gặp nạn bị nhẹ (tỉnh táo, không chảy máu, đứng dậy được), cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi. Nếu bệnh nhân đủ tỉnh táo, hãy đưa họ đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Người bị tai nạn giao thông cần được sơ cứu kịp thời và đúng cách để tránh bị tử vong. Ảnh: Autoexpress.

Người bị tai nạn giao thông cần được sơ cứu kịp thời và đúng cách để tránh bị tử vong. Ảnh: Autoexpress.

Với người bị thương nặng, trong tình trạng bất tỉnh, nghi mất nhiều máu và chấn thương sọ não như cô gái trong clip, co giật như nạn nhân nam, người dân cần tiến hành ba bước theo thứ tự ABC như sau:

A: Airway

Kiểm soát đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi,... phải dùng tay móc ngay ra. Nếu bệnh nhân có nôn ói, cần nghiêng nhẹ đầu sang một bên tránh bị hít sặc.

B: Breathing

Chưa xác định được cô gái tử vong lúc nào, do đó, khi chứng kiến vụ tai nạn này, người đi đường nên đến kiểm tra xem bệnh nhân còn thở hay không, nhìn lồng ngực, ghé tai sát mũi bệnh nhân nghe tiếng thở trong 10 giây. Nếu cô gái vẫn còn thở, hãy tiếp tục duy trì đường thở Airway và chờ đội cấp cứu đến.

Nếu bệnh nhân đã ngưng thở, kiểm tra tiếp bước C.

C: Circulation

Bạn hãy kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn của hai bệnh nhân. Nếu cô gái không có mạch, hãy bắt đầu xoa bóp tim ngoài lồng ngực, ngửa đầu nâng cằm bệnh nhân và hà hơi thổi ngạt. Xoay nạn nhân nằm nghiêng một bên nếu họ bị nôn ói hay chảy máu. Điều này sẽ giúp phổi nạn nhân không bị ngạt.

Nếu nạn nhân bị chảy máu, bạn phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy nắm tay, bàn tay, sau đó, dùng một cục bông hay quần áo sạch cuộn lại, đè mạnh vào vết thương. Nếu có găng tay, hãy đeo trước khi cầm máu để hạn chế các bệnh truyền nhiễm.

Trường hợp còn sống như của nạn nhân nam cần được kiểm tra phát hiện nạn nhân có tổn thương chi như gãy xương tay, chân hay không để cố định chi gãy bằng nẹp, ván. Lưu ý, khi di chuyển nạn nhân, cần phải có từ 2-3 người để nhấc lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn.

Bác sĩ Tú lưu ý nếu nạn nhân bị vật nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra. Lúc này, nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, nạn nhân mất máu nhiều, có thể tử vong.

Trường hợp cô gái nghi chấn thương sọ não, khi di chuyển, tuyệt đối không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ nạn nhân, có thể gây tổn thương cột sống cổ và không đưa người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định vì sẽ khiến não tổn thương nặng hơn.

Đối với hai nạn nhân trên, người dân không nên di chuyển họ đến bệnh viện bằng bằng xe đạp hay xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, chấn thương nặng hơn do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện.

Ngoài ra, bạn không được đưa bất cứ vật lạ hoặc nước vào miệng người bị nạn. Điều này có thể khiến nạn nhân tử vong do sặc, ngạt thở.

Nắm kiến thức cơ bản để sơ cứu sẽ làm tăng cơ hội sống sót cho người bị nạn. Ảnh: The Healthsite.

Lưu ý trong khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khuyến cáo những điều cần lưu ý khi vận chuyển nạn nhân bị tai nạn giao thông tới bệnh viện:

- Cần sử dụng cáng hoặc tấm bảng cứng để làm giảm đáng kể các cử động mà họ phải chịu đựng. Điều này cũng tránh làm trầm trọng thêm các tổn thương.

- Giữ cổ và lưng của nạn nhân thẳng. Bạn có thể đặt một cuộn khăn hoặc vải dày dưới cổ nạn nhân để có hỗ trợ tốt hơn. Nếu chỉ có tổn thương chân tay, nạn nhân có thể được vận chuyển ở tư thế ngồi.

- Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Điều này giúp kiểm soát và cuối cùng là cầm được máu.

- Hãy luôn chắc chắn rằng nạn nhân còn mạch và thở trên đường tới bệnh viện. Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi hoặc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay trên xe vận chuyển.

Sai lầm khi sơ cứu khiến bệnh nhẹ thành nặng Ngửa đầu ra sau và nằm xuống khi bị chảy máu cam hay sử dụng lòng bàn tay để cấp cứu em bé ngừng tim là cách sơ cứu sai lầm nhưng không phải ai cũng biết.

Phương Mai - Bích Huệ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-tai-xe-vinasun-bo-chay-lam-gi-khi-gap-nan-nhan-tai-nan-giao-thong-post962192.html