Vụ tấn công của Israel đã phá hủy 2 loại tên lửa tối tân nhất của Iran?

Trận tấn công mới nhất do các tiêm kích Israel thực hiện hôm 11-1-2019 được cho là đã phá hủy 2 loại tên lửa cực kỳ lợi hại mà Iran cung cấp cho Quân đội Syria và Hezbolla.

Trong đêm 11-1, các máy bay chiến đấu Israel đã phá hủy một kho vũ khí nằm trong sân bay quốc tế Damascus của Syria và gây ra một số thiệt hại.

Bộ Quốc phòng Israel sau đó ra thông báo, đợt không kích này nhằm phá hủy lô hàng vũ khí mà Iran vừa bí mật tuồn sang cho Quân đội chính phủ Syria cũng như lực lượng Hezbollah.

Theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng, trong đó vũ khí bị phá hủy nhiều khả năng có cả hai loại tên lửa cực kỳ tối tân là Fadjr-5 và Bavar-373 mà Iran đưa sang Syria nhằm mục đích thử nghiệm.

Đạn rocket thông minh Fadjr-5 ra đời trong giai đoạn cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990, nó có cỡ nòng 333 mm; trọng lượng 915 kg; mang theo đầu đạn nặng 90 kg.

Tầm bắn hiệu quả của Fadjr-5 nằm trong khoảng 68-75 km, nó được dẫn đường thông qua hệ thống định vị vệ tinh GPS kết hợp với bay quán tính giai đoạn đầu.

Phiên bản nâng cấp Fadjr-5C được bổ sung thêm một tầng đẩy phụ ở đuôi giúp tăng tầm bắn lên tới 195 km và sai lệch mục tiêu chỉ trong khoảng 10 m.

Iran tuyên bố rằng Fadjr-5C của họ còn ưu việt hơn EXTRA của Israel. Thông tin này cần thêm cơ sở để kiểm chứng nhưng rõ ràng đây vẫn là một vũ khí cực kỳ đáng gờm.

Nếu có trong tay tên lửa Fadjr-5C, Quân đội chính phủ Syria sẽ tung được đòn tấn công vào trong lãnh thổ Israel theo đúng như tuyên bố trước kia của họ.

Trong khi đó Bavar-373 là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tối tân nhất do Iran tự nghiên cứu chế tạo trong nước, nó được cho là bản sao chép từ S-300PMU-2 của Nga.

Mặc dù vậy, hình dáng của quả đạn tên lửa Bavar-373 cùng ống phóng cũng như đài radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không này lại được xem như "con lai" giữa S-300 với Patriot.

Hiện tại các thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa này vẫn được Tehran giữ kín, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia thì nó không thể sánh bằng bản gốc.

Có lẽ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran rất muốn sử dụng chiến trường Syria để kiểm chứng tính năng của Bavar-373, bởi vì nó sẽ có cơ hội đối đầu với tiêm kích Israel - đối thủ chính của họ.

Thông qua thành tích đối đầu thực tế tại Syria, Tehran sẽ quyết định xem có nên trang bị hàng loạt vũ khí này cho lực lượng vũ trang của mình hay không.

Mặc dù chưa được khẳng định từ cả hai phía nhưng việc Không quân Israel bất ngờ mở cuộc oanh kích lớn với cường độ ác liệt rất dễ làm liên tưởng đến thông tin trên.

Những cuộc tấn công do Không quân Israel thực hiện được dự báo sẽ còn tiếp diễn nhiều lần trong tương lai, khi họ cho rằng mối đe dọa đến an ninh quốc gia vẫn còn đó.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-vu-tan-cong-cua-israel-da-pha-huy-2-loai-ten-lua-toi-tan-nhat-cua-iran/796500.antd