Vụ tấn công hóa học làm Trump đổi ý về việc rút khỏi chiến sự Syria?

Mỹ đứng trước sự lựa chọn có tiếp tục tham gia chiến sự Syria hay không. Tổng thống Trump, người ủng hộ quan điểm 'nước Mỹ trên hết', dường như phải thay đổi ý định về vấn đề này.

Theo New York Times, vụ tấn công hóa học xảy ra ở thị trấn Douma ngày 8/4 đã làm tiêu tan ý định rút khỏi chiến sự Syria của Tổng thống Trump. Ông cảnh báo Damascus và đồng minh “sẽ phải trả giá đắt”.

Ngay sau tuyên bố trên, một cuộc không kích đã xảy ra nhằm vào sân bay quân sự ở Syria rạng sáng 9/4. Truyền thông Syria cho rằng đây là động thái đáp trả của Nhà Trắng đối với vụ tấn công hóa học, tuy nhiên các quan chức Mỹ khẳng định không liên quan đến vụ không kích trên.

Nhiều trẻ em thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công hóa học tại Syria ngày 8/4. Ảnh: AP.

Nhiều trẻ em thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công hóa học tại Syria ngày 8/4. Ảnh: AP.

Ông Thomas P. Bossert, cố vấn an ninh nội địa Mỹ cho rằng Nhà Trắng đang thảo luận cùng Tổng thống Trump về những biện pháp chống trả đối với chính quyền của ông Bashar al-Assad, trong đó không loại trừ khả năng tấn công bằng tên lửa. Điều này trái ngược với những tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump về việc muốn rút khỏi chiến sự Syria.

"Đã đến lúc phải trở về"

Trong buổi họp báo ngày 3/4 có sự góp mặt của nhiều quan chức phụ trách lĩnh vực an ninh quốc gia, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và khẳng định ông không muốn tiếp tục tham gia vào chiến sự tại Syria.

"Đây là thời điểm rút khỏi chiến dịch Syria. Chúng ta đã rất thành công trong cuộc chiến chống lại IS. Đã đến lúc phải trở về", Tổng thống Trump phát biểu.

Tuy nhiên, ý định của ông Trump không được nhiều quan chức Mỹ ủng hộ. Nhà Trắng liên tục đưa ra cam kết tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Ngày 4/4, một ngày sau tuyên bố trên của tổng thống Mỹ, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders thông báo: "Nhiệm vụ của binh lính Mỹ tại Syria đã gần đi đến kết thúc với việc tổ chức IS sắp bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng với tổ chức khủng bố này".

Theo New York Times, phát ngôn trên có ngụ ý rằng các cố vấn quân sự tại Nhà Trắng đã thành công trong việc thuyết phục ông Trump duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria nhằm xóa sổ hoàn toàn tổ chức khủng bố IS và đảm bảo quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không giành được kiểm soát.

Ông Trump khẳng định muốn rút khỏi chiến sự Syria trong buổi họp báo ngày 3/4. Ảnh: AFP.

Trong khi ông Trump từ lâu đã khẳng định muốn hoàn toàn rút khỏi Syria, nhiều lãnh đạo quân đội cho rằng việc giữ 2.000 binh đoàn Mỹ tại khu vực này cùng với việc duy trì gói viện trợ 200 triệu USD là cần thiết trong việc đánh bại IS.

"Các hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria đã tiến triển rất tốt trong vài năm qua. Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc cần làm trong tương lai, trong đó có việc ổn định khu vực và củng cố những chiến công đã đạt được", tướng Joseph L. Votel, một trong những chỉ huy Bộ Tư lệnh trung ương, nói.

Tổng thống Trump đã đổi ý?

Vụ tấn công hóa học xảy ra tại thị trấn Douma vào ngày 8/4 dường như đã làm Tổng thống Trump đổi ý về việc rút khỏi chiến sự Syria. Ông cảnh báo chính quyền Tổng thống Assad và các đồng minh bao gồm Nga và Iran "phải trả giá đắt".

Chưa rõ ông Trump có nghiêm túc về việc tấn công chính quyền Syria bằng biện pháp quân sự hay không, tuy nhiên theo New York Times, Mỹ hoàn toàn có thể vừa rút 2.000 binh đoàn có nhiệm vụ chính là tiêu diệt tổ chức khủng bố IS, vừa phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự của Syria.

Tuy nhiên, nếu Washington không đưa ra chiến lược rõ ràng về việc duy trì hay từ bỏ sự hiện diện quân sự tại vùng chiến sự Syria, nhiều khả năng Mỹ sẽ làm các đồng minh và kẻ thù của mình bối rối.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad hứng chịu nhiều chỉ trích vì vụ tấn công hóa học hôm 8/4. Ảnh: PA.

Một số chính trị gia, bao gồm Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa John McCain, cho rằng chính tuyên bố rút khỏi chiến dịch Syria của ông Trump ngày 3/4 đã giúp Tổng thống Assad có động lực thực hiện vụ tấn công hóa học vào ngày 8/4.

"Việc ông Trump khẳng định sẽ rút khỏi Syria đã cổ vũ Tổng thống Assad, được sự ủng hộ của Nga và Iran, gây thêm nhiều tội ác chiến tranh ở Douma. Tổng thống Mỹ nên đáp trả vụ tấn công này như cách ông đã làm hồi năm ngoái để buộc Assad phải trả giá về sự tàn bạo của mình", ông McCain viết trên Twitter.

Tháng 4/2017, một vụ tấn công hóa học tương tự đã xảy ra tại một thành phố miền bắc Syria khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 20 trẻ em. Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã bắn "một cơn mưa tên lửa" vào nhiều sân bay quân sự của chính quyền Syria.

Trong suốt 7 năm chiến tranh, đất nước Syria chia rẽ và nhận sự ủng hộ của nhiều nguồn khác nhau. Nga và Iran cam kết ủng hộ Tổng thống Assad bằng cách viện trợ quân sự, tài chính và chính trị để giúp ông Assad củng cố sự cầm quyền. Trái ngược với thế lực trên, Mỹ thường xuyên kêu gọi tổng thống Syria từ bỏ quyền lực, đồng thời cung cấp tiền và vũ khí cho phe đối lập nhằm lật đổ ông. Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Trump, Washington đã từ bỏ mục tiêu này.

Năm 2011, Mỹ từng đứng trước sự lựa chọn tương tự về việc giữ hay rút quân khỏi Iraq. Sau khi tuyên bố đã giành thắng lợi trong cuộc chiến với quân nổi loạn, tiền thân của IS, Mỹ tuyên bố rút quân. 3 năm sau, nhóm phiến quân Hồi giáo này quay lại chiếm đóng 1/3 lãnh thổ Iraq và một phần lớn diện tích Syria.

Nhiều đồng minh của Mỹ cho rằng Washington không nên rút khỏi chiến sự ở Syria vào thời gian này để tránh lặp lại sai lầm trên.

"Các nhóm khủng bố Hồi giáo chỉ mong chờ Mỹ rút quân để tái tổ chức lực lượng. Đây không phải là một quyết định thực tế vào lúc này", ông Shahoz Hasan, lãnh đạo đảng Dân chủ của người Kurd, nói.

Thảm cảnh sau vụ tấn công hóa học ở Syria Nhiều trẻ em trở thành nạn nhân vụ tấn công bằng chất độc Sarin ở Syria. Nếu may mắn thoát chết, các em vẫn có thể chịu tổn thương lâu dài về phổi, mắt, hệ thần kinh trung ương.

Chi Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-tan-cong-hoa-hoc-lam-trump-doi-y-ve-viec-rut-khoi-chien-su-syria-post831858.html